Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị về dịch vụ logistics (clip)

CÔNG TÚ 16/04/2018 14:34

(QNO) - Ngày 16.4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Cùng điều hành hội nghị có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ Giao thông vận tải (GTVT), Công thương. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh chủ trì tại điểm cầu Quảng Nam.

Quang cảnh tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: CT
Quang cảnh tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: C.T

Theo báo cáo của Bộ GTVT, logistics được biết đến rất nhiều trong lĩnh vực kinh doanh, được xem như là một phương thức kinh doanh mới đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Với tốc độ phát triển của nền kinh tế thế giới, logistics ngày càng được mở rộng và nâng cao, trở thành một ngành dịch vụ chiếm vai trò quan trọng trong hoạt động giao thương quốc tế. Dịch vụ logistics Việt Nam bắt đầu phát triển trên cơ sở dịch vụ giao nhận vận tải từ những năm 1986. Còn theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của nước ta đứng thứ 64/160 quốc gia; tốc độ phát triển bình quân khoảng 14-16%, là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc của Việt Nam thời gian qua.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, vấn đề nổi cộm nhất là chi phí logistics của Việt Nam còn ở mức cao, tương đương 20,9% so với GDP. Trong chi phí logistics đó, chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Việc cắt giảm chi phí logistics nói chung và chi phí vận tải nói riêng là một nhiệm vụ cấp thiết và có ý nghĩa lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế. Chính vì vậy, Thủ tướng đã gợi mở một số vấn đề để hội nghị bàn thảo, hiến kế nhằm phát triển loại hình này.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra nguyên nhân tồn tại làm tăng chi phí vận tải, dẫn đến tăng chi phí logistics. Trước hết, hạ tầng GTVT còn thiếu đồng bộ, nhất là giữa cảng biển với hệ thống đường bộ, đường sắt và hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển cùng tính kết nối đi đôi với việc phát triển không đồng bộ của 5 loại hình vận tải đã hạn chế phát triển hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics. Đồng thời, tổ chức vận tải chưa hợp lý; phương tiện vận tải tuổi đời cao, công nghệ lạc hậu; khả năng xếp dỡ hạn chế; hệ thống tổ chức, điều độ khai thác của doanh nghiệp vận tải chưa chuyên nghiệp; thủ tục hành chính liên quan còn phức tạp; phí, lệ phí còn cao.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương xem hội nghị là đợt tập huấn về dịch vụ logistics. Ảnh: CT
Thủ tướng yêu cầu các địa phương xem hội nghị là đợt tập huấn về dịch vụ logistics. Ảnh: C.T

Được biết, năm 2017, vận tải đường bộ có giá thành cao nhưng chiếm tới 77% thị phần vận tải, trong khi các phương thức vận tải khối lượng lớn, giá thành thấp như đường thủy nội địa, đường biển chỉ chiếm tương ứng hơn 17% và 5,22%. Cá biệt, vận tải đường sắt chỉ chiếm 0,42%, đường hàng không chỉ chiếm 0,02%. Chi phí vận chuyển container loại 40 feet bằng đường bộ từ Hà Nội vào TP.Hồ Chí Minh vào khoảng 40 triệu đồng, cao gấp 9,7 lần so với vận chuyển bằng đường biển và cao hơn 2,5 lần so với đường sắt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Không giảm được phí logistics thì không thể tăng sức cạnh tranh”. (Clip: VTV)

.

Nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí và nâng cao chất lượng dịch logistics đã được đại diện WB, các bộ, đơn vị, doanh nghiệp, chuyên gia đưa ra. Về phần mình, Bộ GTVT đề xuất các giải pháp giảm logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng trong lĩnh vực GTVT. Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách; nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển; tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng hạ tầng logistics; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng; khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác vận tải; nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Đối với từng ngành, lĩnh vực cụ thể, Bộ GTVT cũng đề ra các giải pháp nhằm tận dụng lợi thế, khai thác tối đa tiềm năng để phục vụ vào mạng lưới giao thông giúp phát triển dịch vụ logistics.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị về dịch vụ logistics (clip)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO