(QNO) - Chiều 6.11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến về khắc phục hậu quả mưa lũ. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đồng chủ trì điểm cầu tại Quảng Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, phương án khắc phục bão lũ để nhân dân không bị đói, không bị dịch bệnh, sớm trở lại cuộc sống bình thường. Ảnh: T.C |
Trước đó, tại Quảng Nam, mưa lớn kéo dài liên tục từ ngày 3.11 đến ngày 6.11 với lượng mưa trung bình 488mm đã gây lũ lớn, mực nước lũ được đánh giá xấp xỉ mực nước lũ năm 2009. Ngập lụt trên diện rộng đã xảy ra tại các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn và TP.Hội An. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn, với hơn 4.800 hộ, hơn 10.600 khẩu.
Về tình hình hồ chứa, đã có 12 hồ thủy lợi tích đầy nước, 5 hồ còn lại đạt từ 80 - 97% dung tích. Do ảnh hưởng của mưa lớn, lưu lượng nước về các hồ chứa thủy điện rất lớn. Các hồ chứa thủy điện đã vận hành giảm lũ cho hạ du từ ngày 3.11 đến ngày 5.11. Đến sáng nay, mực nước tại các hồ chứa thủy điện đạt cao trình mực nước dâng bình thường, trừ hồ A Vương (376,4/380m). Hiện tại, các hồ chứa đang vận hành xả lũ bằng lưu lượng nước về hồ.
Hiện tại, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện sơ tán dân đến nơi an toàn. Công an tỉnh đã tổ chức chốt chặn nghiêm cấm các phương tiện qua lại tại các điểm ngập lụt sâu và chảy xiết. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang phối hợp với các địa phương tổ chức tìm kiếm những người bị mất tích do sạt lở đất.
Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh, tính đến 15 giờ chiều 6.11, đã có 10 người chết, 10 người mất tích và 15 người bị thương do mưa lũ. Trong đó, huyện Bắc Trà My bị thiệt hại nặng nhất với 7 người chết, 5 người mất tích và 9 người bị thương. Các địa phương có người chết và mất tích còn lại bao gồm thị xã Điện Bàn, các huyện Quế Sơn, Đại Lộc, Thăng Bình và Phước Sơn. Có 3 nhà bị sập hoàn toàn, 107 nhà bị hư hại nghiêm trọng. Mưa lũ cũng làm sạt lở hơn 8.000m kênh mương, 70m kè sông và 2.000m bờ sông. Bờ biển Cửa Đại sạt lở gần 1.100m. Sạt lở tràn xả lũ hồ chứa Nước Rôn (huyện Bắc Trà My). Về giao thông, có 42 vị trí sạt lở trên các tuyến Quốc lộ 40B, 14B, 14D, 14E, 40B và 20C với tổng khối lượng khoảng hơn 10.000m3. Nhiều tỉnh lộ bị hư hỏng nặng. Thiệt hại ban đầu ước tính gần 300 tỷ đồng |
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT), cơn bão số 12 là cơn bão lớn, có nhiều điểm nguy hiểm hơn các cơn bão khác khi đổ bộ vào khu vực ít gặp bão. Trên toàn bộ vùng Nam Trung Bộ, hầu hết mực nước các hồ chứa và sông đều ở mức độ cao, hầu như đã tích đầy nước. Cơn bão số 12 hoàn lưu gây mưa rất lớn cộng ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc diễn ra trên phạm vi rộng, lượng mưa cực lớn kể cả hoàn lưu sau bão là những điểm rất nguy hiểm so với các cơn bão đã từng xuất hiện. Các thành viên lãnh đạo Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT đã lên đường kiểm tra, chỉ đạo tập trung giám sát, phối hợp điều hành các hồ chứa, hồ thủy lợi. Các đơn vị đã được tổ chức, quán triệt, các địa phương thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng ứng phó với bão. Bão số 12 và hoàn lưu gây mưa đã gây thiệt hại rất lớn về người và của. Mưa lớn vẫn tiếp diễn đang làm gia tăng thiệt hại. Hiện tại đã có 46 người chết, 15 người mất tích. Hàng chục nghìn ngôi nhà bị hư hại. Hệ thống điện lưới, thông tin viễn thông bị mất trên diện rộng. Nhiều công trình hạ tầng bị ảnh hưởng nặng. Trước, trong và sau bão, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện chỉ đạo các tỉnh thành bị ảnh hưởng của bão và mưa lũ triển khai biện pháp ứng phó. Hiện các địa phương đang cố gắng, tích cực tìm kiếm người dân mất tích, các giải pháp ứng phó, khắc phục theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.C |
Phát biểu tại buổi họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định, tỉnh đang phối hợp với các địa phương, Quân khu V tăng cường lực lượng để sơ tán dân, tìm kiếm người mất tích. Hiện nay, tỉnh đang tích cực thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo thông tuyến về giao thông, đặc biệt là ở miền núi để xử lý các tình huống tiếp theo; tổ chức tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ với 10 trường hợp còn lại trong hôm nay và ngày mai ở Bắc Trà My và Phước Sơn. Tại Phước Sơn, tỉnh đã điều 3 xe cứu hỏa dùng vòi rồng phun xịt tìm người mất tích; đảm bảo các điều kiện cho người dân không đói, sửa chữa nhà cửa sau khi lũ rút. Đồng thời, nhanh chóng triển khai khắc phục môi trường để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho APEC 2017. Quảng Nam đề nghị Chính phủ hỗ trợ khắc phục hạ tầng giao thông, một số điểm sạt lở ở biển Cửa Đại, Cửa Lở, hư hại cầu Hà Tân…
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì tại điểm cầu Quảng Nam tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: T.C |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay bão số 12 và hoàn lưu bão gây thiệt hại lớn về nhân mạng và tài sản của người dân khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Sau lũ lụt là nguy cơ dịch bệnh, thiếu đói, cản trở phát triển do hạ tầng bị hư hại nặng. Công tác chỉ huy ứng phó đã được thực hiện tốt dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện tốt từ công tác dự báo đến chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường, giúp hạn chế tối đa thiệt hại do bão và lũ gây ra. Đặc biệt công tác dự báo, điều tiết hồ chứa được thực hiện khá tốt nên hệ thống hồ chứa dày đặc nhưng vẫn đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại rất lớn. Các địa phương đã chủ động ứng phó, có nhiều giải pháp sáng tạo, lãnh đạo các địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm cao, các Bộ ngành, đã làm hết sức mình để xử lý các tình huống cụ thể. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các cấp ngành, địa phương trong việc ứng phó với bão lũ thời gian qua. Đảng và Nhà nước chia sẻ những thiệt hại của nhân dân, chia buồn những gia đình bị nạn, gửi lời thăm hỏi đến thân nhân các gia đình có người chết và mất tích.
Hơn 10.000 người dân được sơ tán kịp thời. Ảnh: T.C |
Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị tiếp tục chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt để nhân dân không bị đói, không bị dịch bệnh, sớm trở lại cuộc sống bình thường. Đặc biệt, đảm bảo phục vụ tốt các sự kiện APEC đang diễn ra tại TP.Đà Nẵng và Quảng Nam. Quốc hội đã có lời kêu gọi hỗ trợ đối với đồng bào bị thiệt hại, Thủ tướng đề nghị hệ thống chính trị vào cuộc vận động nhân dân hỗ trợ cho đồng bào miền Trung. Quân khu V dừng việc huấn luyện để dùng lực lượng hỗ trợ nhân dân dựng nhà, sửa nhà, khắc phục các thiệt hại do bão lũ. Với tinh thần tự cường của các địa phương trong vùng bão lũ, các địa phương cần phát động nhân dân, hệ thống chính trị của địa phương vươn lên, làm tốt các công việc thuộc trách nhiệm trong từng thôn xóm, từng xã, từng huyện, khắc phục tình trạng khó khăn hiện nay, đảm bảo cuộc sống bình thường của nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu đảm bảo điện sinh hoạt, giao thông đi lại, nhất là Quốc lộ, tỉnh lộ, khu vực nước đã rút, đảm bảo cơ số thuốc cần thiết để không xảy ra dịch bệnh. Cần tiếp tục theo dõi các hồ chứa, nhất là khu vực đang tiếp tục có mưa như Quảng Nam. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm người mất tích, thực hiện chính sách hỗ trợ, không để hộ dân nào “đứt bữa, thiếu cơm, thiếu nước sạch”. Các địa phương cần vận động nhân dân dọn dẹp vệ sinh, môi trường, phòng dịch bệnh, nhất là ở địa phương sắp diễn ra các sự kiện quan trọng của APEC.
Để giúp các địa phương giải quyết khó khăn trước mắt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định hỗ trợ ít nhất 500 tấn gạo cho địa phương thiệt hại nặng, 100 - 200 tấn gạo cho các địa phương thiệt hại nhẹ từ kho Dự trữ Quốc gia, đề nghị Bộ Tài chính sớm có phương án hỗ trợ cho các địa phương giải quyết, khắc phục hậu quả bão lũ với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỉ đồng.
THÀNH CÔNG