Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố sẽ tiếp tục đổi mới thể chế đầu tư xây dựng cơ bản, tạo điều kiện cho các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đi kèm với kiểm soát tốt chất lượng công trình. Đây là nội dung quan trọng được đề cập tại hội nghị trực tuyến giải ngân kế hoạch đầu tư công 9 tháng đầu năm do Chính phủ tổ chức hôm qua 26.9.
Giải ngân thấp từ Trung ương đến địa phương
Bộ Tài chính báo cáo, trong vòng 9 tháng qua đã giải ngân hơn 192.136 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng 45,17% kế hoạch Quốc hội giao, bằng 49,14% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tiến độ giải ngân thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (thấp tương ứng 5,76% và 1,53%). Nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung.
Theo thống kê, chỉ có 7 bộ, cơ quan trung ương và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 70%, có 4 bộ, ngành và 4 địa phương giải ngân đạt trên 80%. Số còn lại bao gồm 31 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%. Trong số này có Quảng Nam khi kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 giải ngân đến ngày 25.9.2019 chỉ gần 2.683 tỷ đồng, đạt 35%/kế hoạch vốn đã phân bổ và đạt 29%/tổng kế hoạch vốn được giao. “Thảm hại” hơn khi có đến 17 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương (Đồng Nai) chỉ giải ngân đạt dưới 30%. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp nhưng xu hướng sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm.
“Không kể tâm lý ngại giải ngân hay làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, chủ yếu thực hiện vào thời điểm kết thúc năm thì xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm còn do nguyên nhân cơ bản về tính chất đặc thù của hoạt động đầu tư” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói.
Tính “đặc thù” theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu chính là chi đầu tư hay giải ngân vốn đòi hỏi phải có một quá trình thực hiện và tích lũy giá trị khối lượng thực hiện mới có thể thực hiện các thủ tục giải ngân vốn tại kho bạc để thanh toán cho giá trị khối lượng hoàn thành. Thậm chí có trường hợp phải hoàn thành toàn bộ gói thầu mới thực hiện thanh toán.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, do tổng số vốn kế hoạch 2019 lớn hơn năm 2018, trong khi vốn giải ngân tương đương nên đạt tỷ lệ thấp. Tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) và ODA thấp hơn nhiều so cùng kỳ, chủ yếu do năm 2019 phải thực hiện đồng thời với thủ tục điều chỉnh kế hoạch trung hạn. Nhiều dự án chưa kịp điều chỉnh để đi vào thực hiện. Nhiều dự án TPCP vào chu kỳ cuối, kết thúc thực hiện và giải ngân. Các dự án TPCP quy mô lớn như dự án đường cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành chiếm tới 50% tổng vốn TPCP của kế hoạch năm 2019 nhưng tiến độ giải ngân rất chậm, đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của kế hoạch. Cụ thể, dự án cao tốc Bắc - Nam mới chỉ giải ngân 401,5/7.062,096 tỷ đồng vốn kế hoạch đã bố trí và Cảng hàng không Long Thành mới chỉ giải ngân 300/11.490 tỷ đồng vốn kế hoạch đã bố trí.
Tháo gỡ điểm nghẽn
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, hiện vẫn còn không ít vướng mắc về thể chế, quy định pháp luật về đầu tư công. Cụ thể, cơ chế lập, giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hàng năm thiếu linh hoạt. Việc điều chỉnh kế hoạch hàng năm phải báo cáo Bộ KH&ĐT hoặc Thủ tướng. Ở địa phương, nhiều trường hợp điều chỉnh kế hoạch cần phải báo cáo HĐND. Trong khi đó, quy định báo cáo thường trực HĐND đã bị bãi bỏ, còn việc họp HĐND bất thường đòi hỏi mất thời gian tổ chức. Những điều này đã hạn chế tính chủ động của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong điều hành kế hoạch đầu tư hàng năm sát thực tế. Không ít vướng mắc khác được đề cập chính từ việc giải phóng mặt bằng yếu, chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập, liên quan đến thẩm định thiết kế, định mức đơn giá xây dựng, bảo lãnh cho các hợp đồng vay lại, điều kiện bố trí vốn chuẩn bị đầu tư hoặc dự án chuẩn bị đầu tư tốn quá nhiều thời gian mới có thể tiến hành được… Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng bác bỏ ý kiến các địa phương cho rằng, giải ngân thấp, chậm là do công tác giao kế hoạch chậm. Theo phân tích của ông Dũng, số vốn được giao trước ngày 31.12.2018 khá cao, đạt 85,5%.
Ngoài những vướng mắc kể trên, giải ngân chậm bắt nguồn từ khâu chủ quan trong tổ chức triển khai thực hiện. Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, hầu hết bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập kế hoạch chưa sát thực tế và khả năng giao vốn, giải ngân vốn. Việc giao kế hoạch chậm chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án (từ trung ương cho các bộ, ngành, địa phương và giao kế hoạch vốn của các bộ, ngành, địa phương cho các dự án cụ thể).
Điều hành hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu một câu hỏi khá day dứt là tại sao cùng một thể chế, một chủ trương, các quy định thủ tục… như nhau, nhưng lại có bộ, cơ quan trung ương hay địa phương này đạt tỷ lệ giải ngân cao, còn lại không thể đạt? Tại sao giải ngân thấp luôn là một căn bệnh trầm kha mà nhiều năm không giải nổi.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sẽ đổi mới thể chế đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tháo gỡ vướng mắc đầu tư xây dựng cơ bản, nhanh chóng tìm ra giải pháp tốt nhất để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng. Dứt khoát điều chuyển vốn từ những dự án giải ngân thấp sang dự án hoàn thành nhưng thiếu vốn. Sẽ phân cấp, phân quyền mạnh cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương linh hoạt điều hành. Tiến độ giải ngân tăng đồng thời với chất lượng công trình!