(QNO) - Sáng nay 26.10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó bão số 9 (bão Molave). Tại điểm cầu Quảng Nam, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì.
Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho hay, tính đến 4 giờ sáng 26.10, trong số 17 hồ chứa vừa và lớn trên địa bàn tỉnh đã có 11 hồ đầy nước, 4 hồ trên 70% dung tích (Vĩnh Trinh, Trung Lộc, Việt An, Cao Ngạn) và 2 hồ trên 50% dung tích (Thái Xuân, Phú Ninh). Tổng số tàu cá đang hoạt động trên biển gồm 60 tàu với hơn 2.300 lao động, hiện đã tránh trú an toàn tại các đảo khu vực Trường Sa.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương không được chủ quan, tập trung mọi nguồn lực để ứng phó. Đặc biệt, phải tuân thủ việc đưa người rời khỏi tàu, trên lồng bè, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nhân dân; chủ động sơ tán dân vùng ven biển một cách hợp lý, lưu ý vấn đề sạt lở núi, an toàn hồ đập...
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tập trung lực lượng ứng cứu, trong những trường hợp khẩn cấp điều động sử dụng lực lượng không quân để cứu hộ, cứu nạn. Các địa phương chuẩn bị lương thực, thực phẩm để cung cấp cho nhân dân, quán triệt tinh thần 4 tại chỗ. Bên cạnh đó, vận động, tuyên truyền cho người dân đề cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan lơ là, chủ động các phương án phòng tránh bão. Thủ tướng cũng yêu cầu, các địa phương trong vùng ảnh hưởng bão dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung lực lượng triển khai công tác phòng tránh bão số 9 để giảm thiểu thiệt hại về người và của.
Ngay sau cuộc họp trực tuyến của Chính phủ về triển khai công tác phòng tránh bão số 9, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã tổ chức họp trực tuyến với các ngành, địa phương để chuẩn bị công tác phòng tránh bão.
Quán triệt những chỉ đạo của Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các ngành, địa phương tích cực phòng chống bão số 9, tuyệt đối không chủ quan, khẩn trương sơ tán dân, ra khỏi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao. Các địa phương cần chủ động đánh giá địa hình nguy hiểm, có khả năng có tác động đến an toàn của người dân để có phương án chủ động triển khai khi có tình huống xấu xảy ra.
Tại các hồ chứa thủy lợi nhỏ do huyện quản lý, nếu không an toàn cần có phương án thực hiện sơ tán dân. Hệ thống thủy điện được yêu cầu căn cứ vào tình hình có phương án vận hành, trong 36 giờ tới phải đưa mực nước hồ về mức thấp nhất trước lũ có thể để đảm bảo an toàn. Đồng thời đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân ở các vùng có nguy cơ cô lập, chia cắt do ảnh hưởng của bão lũ.