(QNO) - Sáng nay 27.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ban ngành và tỉnh, thành liên quan về công tác ứng phó bão số 4. Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Tại điểm cầu Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì; đồng thời cuộc họp được kết nối đến các huyện, thị xã, thành phố và các điểm cầu xã.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin, theo dự báo thì bão số 4 rất mạnh và rất nguy hiểm. Các tỉnh thành đã triển khai tốt công điện của Thủ tướng Chính phủ; tuy nhiên cần tiếp tục khẩn trương rà soát trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Sau bão thường có hoàn lưu bão gây áp thấp nhiệt đới, mưa lớn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở ở miền núi. Do đó vừa phải nghiên cứu, theo dõi chống đỡ với bão, vừa chống đỡ với hoàn lưu bão, mưa lũ sau bão, đặc biệt đối với các tỉnh thành miền Trung - Tây Nguyên.
“Phải đặt nhiệm vụ bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân lên trên hết, kiên quyết kêu gọi người dân đến nơi trú ẩn an toàn ngay từ khi cơn bão chưa đổ bộ; bảo vệ lồng bè nuôi trồng thủy sản và phòng sạt lở ở miền núi. Cũng cần có phương án đối với học sinh, khách du lịch mắc kẹt ở các khu vực có bão; bảo vệ di sản, đặc biệt là di sản Hội An; bảo vệ các sinh kế của người dân...” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tổng cục Khí tượng thủy văn cho hay, bão số 4 vào Biển Đông gặp điều kiện thuận lợi nên tăng cường độ, tăng 2 cấp lên cấp 14. Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, hoàn lưu rất lớn, có vùng bán kính gió cấp 10 khoảng 300km, gió cấp 12 khoảng 50km xung quanh mắt bão. Dự báo bão sẽ ảnh hưởng từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định. Tâm bão đi vào Quảng Nam - Quảng Ngãi, cấp độ bão và rìa bão rất lớn. Khoảng 7 giờ tối nay sẽ bắt đầu có gió mạnh, mạnh nhất trong thời điểm 4 - 5 giờ sáng mai 28.9.
Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, đến 6 giờ sáng nay, Quảng Nam còn 3 tàu đang hoạt động trong vùng nguy hiểm và khoảng 10 giờ cùng ngày sẽ đến nơi neo trú an toàn. Vùng bị ảnh hưởng chủ yếu của Quảng Nam là 6 địa phương ven biển, tỉnh đã tiến hành sơ tán người dân ở các vùng nguy cơ theo phương án ứng phó thiên tai. Các hồ thủy điện đang ở mực nước thấp, khả năng đón lũ các hồ thủy điện có thể yên tâm với lượng mưa trong cơn bão khoảng 900 triệu mét khối. UBND tỉnh sẽ điều hành các hồ thủy điện để chống lũ.
Tính đến 5 giờ sáng nay, Quảng Nam có hơn 45 nghìn hộ với hơn 155.000 người dân được dự kiến di dời. Trong đó, sơ tán tập trung hơn 18.000 hộ với hơn 67.000 người; sơ tán xen ghép hơn 27.000 hộ với hơn 87.000 người. Các lực lượng công an, quân sự, biên phòng, dân quân được huy động với hơn 13.000 người, cùng với gần 12.000 thanh niên xung kích sẵn sàng tham gia phòng chống bão lũ.
“Lực lượng đã được bố trí sẵn sàng, sau cuộc họp này sẽ có 3 đoàn công tác đến tất cả địa phương để kiểm tra việc sơ tán, di dời dân, chằng chống nhà cửa, cơ sở sản xuất, cơ sở du lịch. Riêng đối với phố cổ Hội An, các lực lượng xung kích, cơ quan chức năng đang nỗ lực bảo vệ nhà cổ và các di tích quan trọng” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
Tính riêng tại 4 tỉnh thành từ Đà Nẵng đến Bình Định - vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, hiện có 11 khu neo đậu, trong đó 1 khu cấp vùng, 10 khu cấp tỉnh với sức chứa 9.193 tàu cá. Tại Quảng Nam, các khu neo đậu âu thuyền An Hòa, Tam Quang, Tam Giang đã hết chỗ neo đậu.
Hiện tại các địa phương được dự báo có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp từ bão số 4 đã quyết liệt triển khai chỉ đạo công tác phòng chống, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến người nuôi trồng thủy sản gia cố ao đầm, di chuyển lồng bè; thu hoạch đối với những sản phẩm thương phẩm; quán triệt người dân không được ở lại trên lồng bè, chòi canh khi bão vào...