Tổng thống Mỹ Donald Trump mang về hàng trăm tỷ USD trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, sau khi tạo ra nhiều tranh cãi với quyết định sa thải Giám đốc FBI cũng như tiết lộ thông tin tối mật...
Ngày 19.5, Tổng thống Trump khởi sự chuyển công du đầu tiên ra nước ngoài kể từ khi ông nhậm chức vào ngày 20.1 năm nay. Trong vòng 9 ngày, lãnh đạo Nhà Trắng chọn điểm dừng chân đầu tiên tại Ả-rập Xê-út, sau đó đến thăm Israel, Vatican, Bỉ - nơi Tổng thống Trump tham dự Hội nghị thượng đỉnh Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tổng thống Mỹ sẽ kết thúc chuyến công du tại Italia, nơi nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Quốc vương Salman (phải) và Tổng thống Trump tại buổi lễ ký kết ở Riyadh, Ả-rập Xê-út ngày 20.5. 2017. Ảnh: AFP |
Chuyến thăm Ả-rập Xê-út của Tổng thống Donald Trump được đánh giá mang lại thành công ngoài mong đợi với các hợp đồng quân sự và kinh tế trị giá lớn nhất trong lịch sử, lên tới 350 tỷ USD trong vòng 10 năm, với khoản mua bán 110 tỷ USD sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Đáng chú ý, công ty dầu khí khổng lồ của Ả-rập Xê-út là Aramco ký thỏa thuận với 11 công ty của Mỹ, trị giá 50 tỷ USD. Động thái trên được cho là nhằm củng cố liên minh kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa hai nước, tạo nền tảng để quốc gia Trung Đông này tăng cường đóng góp vào các chiến dịch chống khủng bố tại khu vực, giảm bớt gánh nặng cho quân đội Mỹ. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hợp đồng mang tính lịch sử này vừa thể hiện sự cam kết của Mỹ với đối tác, mở rộng cơ hội cho công ty Mỹ tại vùng Vịnh, đồng thời tạo ra hàng chục nghìn việc làm mới tại Mỹ. Được biết, cách đây vài tuần, ông Trump đã tìm cách cản trở không cho người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ. Tháng 3 vừa qua, Mỹ ban hành quy định mới về việc cấm mang các thiết bị điện tử kích thước lớn như máy tính xách tay, máy tính bảng, iPad… lên khoang hành khách (mà phải ký gửi hành lý) của máy bay từ 8 quốc gia khu vực Trung Đông, bao gồm cả với Ả-rập Xê-út và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất vốn là những đồng minh của Mỹ.
Tổng thống Donald Trump công du nước ngoài trong lúc Nhà Trắng tồn tại nhiều vụ việc gây tranh cãi. Đáng chú ý là việc Tổng thống Donald Trump bất ngờ sa thải James Comey - Giám đốc Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vì lãnh đạo FBI đưa ra thông tin không chính xác về vấn đề thư điện tử của ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton trước quốc hội và FBI cũng đang điều tra mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga. Cựu giám đốc FBI đã chấp nhận công khai điều trần tại Thượng viện Mỹ và thông cáo này được Ủy ban tình báo Thượng viện công bố vài giờ sau khi tổng thống Mỹ bắt đầu chuyến công du ra nước ngoài đầu tiên. Tuy nhiên, buổi điều trần công khai chưa được ấn định ngày cụ thể. Rồi đến việc nước Mỹ chấn động khi tờ The Washington Post (Mỹ) đưa tin, trong khi tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Nhà Trắng ngày 10.5.2017, Tổng thống Mỹ Trump đã tiết lộ một thông tin “tối mật” về tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Do vậy, tranh cãi đã bùng nổ trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Israel trong hai ngày 22 và 23.5, sau khi ông Trump bị cáo buộc là đã tiết lộ tin mật của tình báo Israel liên quan đến IS cho các quan chức Nga.
QUỐC HƯNG