Thư viện điện tử về khoa học - công nghệ

HOÀNG LIÊN 26/02/2015 08:52

Tại Quảng Nam, việc xây dựng hệ thống thông tin và thư viện điện tử về khoa học - công nghệ (KH-CN) đang là xu hướng tất yếu.

Triển khai với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng, đề tài nghiên cứu “Xây dựng hệ thống thông tin và thư viện điện tử về KH-CN Quảng Nam” do kỹ sư Nguyễn Minh Tân (Sở KH-CN) làm chủ nhiệm được xem là hướng đi quan trọng trong chiến lược quảng bá, phát triển ngành KH-CN tỉnh. Theo kỹ sư Nguyễn Minh Tân, mỗi năm Nhà nước đầu tư trên 1 triệu USD cho các cơ quan thông tin, thư viện để mua sách báo và các nguồn tin điện tử của nước ngoài, đây là con số quá tốn kém. Nhận thấy tiềm năng của thư viện điện tử, Việt Nam đã đầu tư xây dựng Cổng thông tin KH-CN quốc gia, hiện toàn hệ thống đã có 2 triệu đầu sách, 6.000 tạp chí, 20 triệu bản mô tả sáng chế phát minh, 4.000 báo cáo lâm nghiệp, 13.000 báo cáo kết quả nghiên cứu, luận án tiến sĩ… Ở một số địa phương cả nước như Quảng Trị, Bình Định, Vĩnh Long đã xây dựng thành công thư viện điện tử về KH-CN theo hướng thư viện hiện đại và tự động hóa phục vụ tốt nhu cầu giao tiếp, trao đổi thông tin ngày càng cao trong lĩnh vực hợp tác, phát triển KH-CN, là nhịp cầu trao đổi giữa nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà nước… Song, ở Quảng Nam, hệ thống tiềm lực KH-CN của tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý và nghiên cứu, ứng dụng KH-CN trên địa bàn tỉnh. Việc ứng dụng CN vào lĩnh vực KH-CN ở các địa phương chưa trở thành phong trào sâu rộng. Tỉnh nhà vẫn chưa có sự kết hợp tốt giữa việc ứng dụng tiến bộ KH-CN với công tác thông tin, biện pháp tổ chức quản lý trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp một cách bền vững. “Đề tài xây dựng một thư viện ảo không chứa dữ liệu thông tin mà cổng thông tin điện tử sẽ trở thành điểm truy cập trung gian, từ đó dẫn người dùng đến các tài nguyên thông tin KH-CN của tỉnh và cả nước trên môi trường mạng” - kỹ sư Nguyễn Minh Tân nói.

Xây dựng hệ thống thông tin và thư viện điện tử về khoa học công nghệ là xu hướng tất yếu. Ảnh: A.T
Xây dựng hệ thống thông tin và thư viện điện tử về khoa học công nghệ là xu hướng tất yếu. Ảnh: A.T

Điểm mới của hệ thống chính là nơi cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 với 9 nhóm nhiệm vụ. Ví như: đề xuất, đăng ký thực hiện nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh trực tuyến; hướng dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trực tuyến; đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH-CN trực tuyến; đăng ký, lưu giữ và sử dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH-CN trên địa bàn tỉnh trực tuyến… Được biết, thời điểm này, nhóm nghiên cứu đã tạo lập 28 danh mục bao gồm: bảo quản nông sản, bảo quản thực phẩm, chế biến thực phẩm, công nghệ sinh học, phim khoa học, cẩm nang nông nghiệp… trên hệ thống thư viện. Cùng với đó, nhóm đã số hóa và nhập vào hệ thống 90 kết quả nghiên cứu khoa học với tổng số trang 11.553; nhập 811 tài liệu số hóa và phim về KH-CN (trong đó 100 phim về KH-CN và 106.669 trang tài liệu). Ngoài ra, 305 đầu sách từ kho tư liệu của Sở KH-CN đã được nhập vào hệ thống cùng 1.525 trường hợp dữ liệu có cấu trúc. Cùng với đó, sản phẩm của đề tài là đã xây dựng được các lớp quy trình trong phần mềm dịch vụ công trực tuyến như quy trình đăng ký thành viên, xác thực người dùng, nộp hồ sơ trực tuyến, quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ qua phần mềm, quy trình phản hồi, báo cáo kết quả, quản trị hệ thống… Website về quế Trà My và sâm Ngọc Linh cũng được tích hợp lên hệ thống.

ThS. Phạm Tấn Vinh (Sở Tài chính), ủy viên Hội đồng phản biện tại buổi nghiệm thu đề tài mới đây cho hay: “Chúng tôi đánh giá rất cao sản phẩm đề tài. Thư viện điện tử là xu hướng mới, tuy nhiên, điều quan trọng là cần tính đến việc duy tu, bảo dưỡng công trình sau nghiệm thu, tổ chức nào sẽ đứng ra làm việc này? Hơn nữa, đã là thư viện điện tử thì có những lớp thông tin phục vụ tam nông cần được phổ biến rộng rãi để người dân dễ tiếp cận. Riêng với dịch vụ công trực tuyến, cần tích hợp 2 hệ thống dịch vụ công trực tuyến và phần mềm Q-Office để dễ quản lý, sử dụng”. Theo ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN, kho dữ liệu thông tin về KH-CN này thuộc bản quyền do Sở KH-CN quản lý. Sắp tới, kết hợp với kết quả điều tra thống kê thông tin KH-CN của tỉnh, Sở KH-CN sẽ tiến hành phân loại, sắp xếp kho dữ liệu hợp lý. Sở KH-CN sẽ tổ chức ra mắt, công bố hệ thống thông tin và thư viện điện tử KH-CN Quảng Nam. Dự kiến, hệ thống sẽ được đưa vào vận hành cuối năm 2015. Theo đó, Sở KH-CN sẽ phối hợp với Sở TT-TT tích hợp hệ thống thư viện điện tử vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến chung của tỉnh.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thư viện điện tử về khoa học - công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO