Thừa chữ thiếu nghĩa

HỨA XUYÊN HUỲNH 06/08/2019 14:05

Với chữ và nghĩa, thêm hay bớt đều không dễ được chấp nhận, vì ít nhất cũng sẽ tạo ra những cách hiểu khác…

Biển chỉ dẫn “đèn hải đăng” ở đảo Cồn Cỏ.
Biển chỉ dẫn “đèn hải đăng” ở đảo Cồn Cỏ.

Hải đăng và đèn hải đăng

Khi tôi giơ máy ảnh lên chụp bảng hiệu bên vệ đường, một đồng nghiệp đàn anh ngồi trên xe nhoẻn cười: “Lại nổi máu nghề nghiệp rồi!”.

Ấy là chuyến lang thang Cồn Cỏ (Quảng Trị) hồi cuối tháng sáu. Xe chở đoàn “dạo” một vòng quanh đảo, khách tản bộ lên trạm hải đăng để phóng tầm mắt ra bốn phía, lúc lục tục rời đi mới để ý tấm biển chỉ dẫn. Có lẽ khi mới đến, do háo hức với điểm đến đặc biệt nên mọi người không quan sát xung quanh.

Giờ nhìn kỹ, thấy hình như tấm biển ấy có gì sai sai: “Trạm đèn hải đăng”. À thì ra thừa một chữ, “đèn”.

Theo lẽ thường, nhiều nơi sẽ chỉ ghi “trạm hải đăng” (tức trạm đặt đèn biển), hoặc “thuần Việt” hơn, “trạm đèn biển”. Đằng này, với “trạm đèn hải đăng”, không chỉ nửa Hán nửa Nôm mà còn thừa thãi. Ở một nơi chốn xa xôi hẻo lánh, có lẽ sẽ không nhiều người thường xuyên “nhìn” thấy chữ đăng/đèn hơi dư thừa trên một tấm biển nhỏ bên đường dẫn um tùm cây ngoài Cồn Cỏ. Nhưng lối dùng từ kiểu này vẫn thấp thoáng đâu đó ở những cụm “đêm dạ hội”, “ngày sinh nhật”…

Gène, gen hay gien?

Tuần qua, sau khi nhiều tờ báo loan tin lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam độc lập tiến hành các công nghệ phức tạp để giải mã và phân tích “dữ liệu hệ gen người Việt”, cũng là lúc nổi lên những cuộc tranh luận lẻ tẻ vì nghi ngờ chữ “gen” bị thiếu “i”.

Nếu đặt thông tin nghi vấn về cách diễn đạt một khái niệm được Việt hóa (gen/gien) bên cạnh thành quả lớn của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu tế bào gốc - công nghệ gen Vinmec (VRISG), xem ra có chút khiên cưỡng. Nhưng với chữ nghĩa, đôi khi cần phải minh định.

Người “đòi” phải minh định chữ “gen” trên mạng xã hội Facebook gây chú ý hơn cả chính là Tạ Quang Đông (nick “Ta Quang Dong”), làm việc tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và từng có tiểu luận “Về tính đa nghĩa trong tiếng Việt qua so sánh với một số ngôn ngữ Ấn - Âu”. Dẫn giải dài dòng về nick “Ta Quang Dong”, để xác tín rằng, ít nhất ông ấy cũng có đầy đủ thẩm quyền khi bàn về ngôn ngữ.

“Ta Quang Dong” khẳng định rằng, phải viết “gien” (có “i”) mới đúng chính tả tiếng Việt, còn lối viết “gen” chỉ là để khoe chữ, để cho sang. Hoặc viết theo vì… chưa hiểu, một kiểu lai căng vô lối, sính chữ vô nguồn. Theo ông, “gien” là từ tiếng ta nhập từ tiếng Pháp “gène”, phát âm là “gien”… Cũng theo kiến giải của chủ tài khoản này, trong ngôn ngữ có tình trạng “sai lâu thì thành đúng”, nhưng phải sau ít nhất 70 - 80 năm. Ông dẫn ra thêm, như chữ “để kháng” nhầm thành “đề kháng”, “chúng cư” nhầm thành “chung cư”… Vậy đó, vẫn có những chữ viết nhầm nhưng dùng riết vẫn thành quen. Đây là lý do khiến tác giả đòi hỏi những người làm báo (dùng “gen” khi đưa tin), cũng như làm khoa học, “cần phải chuẩn chỉ, cẩn trọng từng li từng tí, đừng xuề xòa, đại khái. (…) Xin hãy gương mẫu trong tinh thần khoa học, qua việc dùng tiếng Việt cho đúng”.

Chỉ là dòng trạng thái (status) không quá dài trên Facebook của “Ta Quang Dong”, nhưng nhiều người quan tâm. Trong số những bình luận bên dưới, tôi đọc thấy có người tinh ý nhận ra: ngay cả Bách khoa toàn thư mở - Wikipedia cũng chưa diễn đạt đúng.

Tôi vào Wikipedia, thấy có hẳn đề mục “Gen” (không có “i”). Trang này định nghĩa: “Gen là một đoạn xác định của phân tử axit nuclêic (ADN hoặc ARN) có chức năng di truyền nhất định”. Đồng thời diễn giải: Thuật ngữ này (gen) dịch theo phiên âm kết hợp Việt hóa từ tiếng Anh gene, cũng như từ tiếng Pháp gène (phát âm quốc tế đều là /jēn/). Trong sinh học phổ thông cũng viết là gen (đọc là gien hoặc zen). Thuật ngữ “gen” đóng vai trò cơ bản thiết yếu và quan trọng hàng đầu trong di truyền học. Nội hàm của thuật ngữ “gen” đã thay đổi nhiều kể từ khi di truyền học (genetics - tức khoa học về gen) ra đời, từ năm 1900... “Trong sinh học phổ thông cũng viết là gen (đọc là gien hoặc zen)”, ít ra Wikipedia cũng nhắc đến cách đọc khác: “gien” hoặc “zen”. Phải chăng cách dùng “gen” (thiếu “i”) không hẳn đã hoàn toàn sai?

Mặc dầu vậy, theo mạch bình luận xác quyết phải là “gien” mới đúng, một số ý kiến đề nghị chủ tài khoản “Ta Quang Dong” nên tham gia chỉnh sửa chữ ấy trong Bách khoa toàn thư mở.

Thiếu và ẩu

Với lối phiên âm của danh từ khoa học hoặc chuyển dịch từ ngôn ngữ nước ngoài sang tiếng Việt, nếu có gây ra tranh luận hoặc còn nhiều cách lý giải khác nhau cũng dễ hiểu. Trong khi, ngay với tiếng Việt, đôi khi vẫn thấy có những chỗ thiếu hụt rất ẩu tả. Cách đây không lâu, nhiều người bàn tán rôm rả trên mạng xã hội khi xem bức ảnh chụp tấm băng rôn treo ngay trước trụ sở được cho là Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận): “Không kết hôn, đẻ ít, đẻ thưa để nuôi dạy con tốt”. Nhiều ý kiến bình luận khác nhau, nhưng chủ yếu chê trách người có trách nhiệm soát chữ trước khi in. “Truyền thông kỳ quặc”, “Không kết hôn thì đẻ bậy à?”, “Toàn con ngoài giá thú”…

Thực ra, dòng chữ tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình kia thiếu mất một chữ, chữ “sớm”. “Không kết hôn sớm”. Bởi không quá khó để nhận ra câu này nằm trong nhóm 18 khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng ngày Dân số Thế giới năm 2017 với chủ đề “Kế hoạch hóa gia đình: Nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh”.

Ai cũng biết, ngôn ngữ (tiếng nói và chữ viết) là phương tiện để con người thực hiện hoạt động tư duy và truyền đạt tư duy. Thử hình dung, “truyền đạt” mà lúc thừa lúc thiếu thì rối rắm biết chừng nào! Như cụm “không kết hôn sớm”, dù ai cũng dễ dàng thông cảm rằng đó chỉ là sự vô ý và thiếu soát xét của người in, nhưng một khi rớt mất chữ “sớm” cả câu không chỉ tối nghĩa mà còn khiến người đọc có quyền hiểu khác, thậm chí... hiểu bậy.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thừa chữ thiếu nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO