Thưa dần tiếng đục cưa

LÊ BÌNH 08/11/2016 08:28

Nghề tre mỹ nghệ thôn Câu Nhí Đông, xã Điện An (Điện Bàn) từng một thời nhộn nhịp khách đến người đi, nay chỉ còn lại vài hộ trụ lại với nghề.

Qua khảo sát, hiện nay cả thôn chỉ còn lại khoảng 7 - 8 hộ bám trụ nghề này. Dưới sự chỉ dẫn của người dân, tôi đến gia đình anh Lê Viết Giang khi các thành viên trong gia đình đang làm chõng tre. Theo lời anh Giang, năm 16 tuổi đã được cha truyền nghề, lúc ấy nghề này đắt khách chứ không đìu hiu như bây giờ. Với việc làm chõng tre hoàn toàn thủ công, trung bình một tháng gia đình anh làm 70 - 80 chiếc và mang đi tiêu thụ chủ yếu là ở thị trường Đà Nẵng, Hội An. “Tuy nhiên, nghề tre mỹ nghệ đang bị lép vế bởi các mặt hàng bằng gỗ, sắt, nhựa nên ngọn lửa nghề của gia đình cũng chẳng biết còn sống bao lâu. Ngay cả việc tìm đầu ra cho sản phẩm, gia đình tôi cũng phải chạy ngược chạy xuôi, có khi sản phẩm làm ra để đó chẳng biết phải làm sao” - anh Giang cho hay.

Công đoạn mài vỏ tre để sản phẩm chõng tre trông đẹp mắt hơn. Ảnh: LÊ BÌNH
Công đoạn mài vỏ tre để sản phẩm chõng tre trông đẹp mắt hơn. Ảnh: LÊ BÌNH

Còn với gia đình anh Lê Viết Xuân nhiều năm gắn với cây tre, nay chỉ còn mình anh trụ lại, con cái không ai mặn mà với nghề của cha ông. Anh Xuân rất mong truyền nghề cho thế hệ sau nhưng không tìm được người học. Bởi khâu quan trọng nhất cùa nghề này nằm ở kỹ thuật đục sao cho thân tre không vỡ, các lỗ đục phải khớp với thanh tre nối vào nhau như thế nào đều dựa vào kinh nghiệm người đi trước. Các sản phẩm của anh Xuân phần lớn là bàn ghế từ các đơn đặt hàng ở các quán cà phê, nhà hàng. Có lúc đơn đặt hàng đến nhưng không có thợ, mình anh làm không xuể, phải hợp tác với vài nhà khác trong thôn cùng làm. “Nhiều khi làm cực nhọc, tốn công nhưng thu nhập thấp, lại không ổn định nên tôi cũng chẳng truyền nghề cho con cháu, để chúng ̣ tìm con đường khác mà kiếm sống” - anh Xuân nói.

Ở đây, đa số hộ đều làm thủ công, chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ, tự làm rồi tự tiêu thụ, sản phẩm cũng chỉ quanh quẩn với chõng tre, bàn ghế, tủ. Trước sự mai một ấy, cơ sở tre mỹ nghệ của gia đình anh Lê Viết Tới đang là nơi bắt đầu “nuôi sống” lại làng nghề này, bằng nỗ lực đa dạng hóa mẫu mã, tiếp thị sản phẩm ra thị trường. Theo anh Tới, tre mỹ nghệ thủ công truyền thống quá đơn điệu không cạnh tranh nổi với thị trường nên cần đổi mới tư duy theo hướng đi mới, phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng. Theo đó, anh Tới mua nguyên liệu tre về ngâm, sấy, xử lý chống mối mọt, rồi đầu tư mua các trang thiết bị, dây chuyền máy móc hiện đại để sản phẩm có độ chính xác cao.

Các sản phẩm của cơ sở anh dần đa dạng hơn về mẫu mã, kiểu dáng với nhiều sản phẩm đặc sắc như bàn ghế sa lông, xích đu, xe đạp nước, các loại đèn, vật trang trí tinh xảo phục vụ nhà hàng, khách sạn. Nhưng dù cơ sở đang phát triển, anh vẫn đau đáu nỗi lo về nguồn nguyên liệu khi diện tích trồng tre đang dần thu hẹp, tre trở nên khan hiếm. Hơn nữa, đầu ra của sản phẩm vẫn là bài toán khó, cần sự chung tay của những người có trách nhiệm liên quan. “Mặc dù sản phẩm ngày càng được nâng cao về chất lượng, mẫu mã nhưng vẫn rất khó cạnh tranh với các sản phẩm từ gỗ, sắt... Hiện nay, cơ sở tôi đang nhận dạy nghề và tạo việc làm cho rất nhiều thanh niên trong thôn. Qua đó, góp phần tạo nguồn thợ kế thừa, với mong muốn cùng các hộ dân nơi đây khôi phục làng nghề, tạo thương hiệu cho sản phẩm để có thị trường tiêu thụ” - anh Tới trăn trở.

Tuy vậy, dù trải qua không ít thăng trầm, nhưng vì lòng yêu nghề, những người dân Câu Nhí vẫn kiên trì bám trụ và tự mày mò tìm cách thay đổi để tồn tại,  níu giữ nghề xưa của cha ông.

LÊ BÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thưa dần tiếng đục cưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO