Thức cùng trang viết

ĐÌNH QUÂN 02/09/2023 10:00

(VHQN) - Hấp thu sâu dày nền văn hóa truyền thống, hun đúc đạo lý nhân nghĩa làm người của tiền nhân, tiêu dao cùng cỏ cây, xem cuộc đời như giấc mộng Lão Trang, điềm nhiên tịch mặc niệm định tuệ tư tưởng nhà Phật…, là những chất liệu kết tinh làm nên trang viết của nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Chiến và Phạm Văn Nga - Nguyên Cẩn.

Tác giả và Huỳnh Ngọc Chiến. Ảnh: T.G
Tác giả và Huỳnh Ngọc Chiến. Ảnh: T.G

Gốc bền ngọn vững

Khoảng trước vài ba năm vào làm Báo Quảng Nam tôi được Huỳnh Ngọc Chiến đưa xem bức thư của thầy Trần Tuấn Mẫn gửi cho bạn. Trong thư thầy Mẫn cảm ơn vài chỗ Chiến phát hiện và góp ý trong quyển “Vô môn quan” của Vô Môn Huệ Khai mà thầy là người dịch ra Việt ngữ.

Hồi đó thầy Mẫn không biết Huỳnh Ngọc Chiến là ai nhưng thầy ứng xử việc thưa gửi với “cư sĩ” Huỳnh Ngọc Chiến rất mực từ tốn và nghiêm túc. Dẫn việc này để thấy công việc dịch thuật tuyệt đối thận trọng từng ý từng lời chỉ vì một sơ suất nhỏ sẽ dẫn người đọc đến chỗ sai lầm.

Bạn bè đến với Chiến thường chung nhau ly rượu tách trà. Có lúc đứa bận việc đi xa lâu ngày mới về, dù tuổi bấy giờ không còn trẻ, nhưng hễ khi gặp Chiến cứ mày tao mi tớ và đem tình thân bằng hữu ra đối đãi với nhau. Chiến hay nói: gốc bền ngọn mới vững được.    

Vườn Cừa (Tam Kỳ). Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Vườn Cừa (Tam Kỳ). Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Khi Chiến mới phác thảo dịch thơ và bình chú tác phẩm đầu tay “Lý Hạ - Quỷ tài quỷ thi” thì lúc này tôi thường hay đến chơi nhà và nói chuyện văn thơ với Chiến. Có bữa say chuyện Chiến bộc bạch, thơ anh Nguyễn Lương Vỵ có nhiều bài hay.

Đơn cử bài “Cái nhìn” viết về người mẹ thật bồi hồi, súc tích: “Mỗi lần con nhìn mẹ/ Càng thấy lạ thêm ra/ Hương đất trời kỳ diệu/ Nào đâu biết tuổi già…”, và nhất là bài Tam Kỳ với câu “Tôi cầm viên sỏi phôi pha/ Ném lên ngày rộng, vòng hoa tím chiều/ Chiên Đàn lá rụng hoang liêu/ Hồn thơ dại nhớ cánh diều đứt dây”.

Rồi Chiến khẽ bình: “Viết như thế là tuyệt: ngày rộng ôm được cái lớn lao, cái bao la chứ không ngày dài đằng đẵng lê thê; vòng hoa tím chiều in hình lên bầu trời ví như cuộc đời trôi lăn bé nhỏ của kiếp phù sinh…”.

Còn một chỗ gần gũi hơn hết, bạn bè không ai là không biết Chiến giỏi về khúc thức, am tường luật thẩm âm, và cũng là tay đệm guitare rất cừ nên mỗi lần thưởng thức âm nhạc gặp chỗ nào tương đắc như giai điệu đẹp, ca từ hay là Chiến say sưa nghiền ngẫm…

Chính vì vậy khi làm quyển Lý Hạ, đọc đến bài “Lý Bằng không hầu dẫn” thì Chiến dịch thơ và bình giải chỗ này rất ư sâu sắc, tâm đắc, như: “Giang Nga đề trúc, Tố Nữ khấp/ Lý Bằng Trung Quốc đàn không hầu/ Côn Sơn ngọc toái phượng hoàng khiếu/ Phù dung khấp lộ hương lan tiếu” (dịch thơ: Giang Nga khóc trúc ngậm ngùi/ Cung không hầu vọng bồi hồi thở than/ Nghe như tiếng hót phượng hoàng/ Côn Sơn ngọc vỡ trên ngàn xa khơi)

Huỳnh Ngọc Chiến bình: “Chơi đàn là một nghệ thuật, nghe đàn lại là một nghệ thuật khác. Nghe nhạc đến mức như Lý Hạ đã là bậc thượng thừa. “Nghe” được âm nhạc có nghĩa  là “giải mã” được ngôn ngữ âm nhạc để vượt qua được dòng suối thanh âm và đến với bến bờ bên kia.

Nhà thơ Lý Hạ phải nhờ vào những cái tượng hình để diễn tả thanh âm, phải thác vào những cái không phải nhạc để nói lên nhạc. “Lý Bằng không hầu dẫn” là bài thơ tương đối hiếm hoi của thi quỷ Lý Hạ. Ta không còn nghe tiếng quỷ ngâm thơ trên nấm mồ trong đêm thu lạnh, không còn nghe tiếng hận lòng u uất trong thế giới lãng đãng hồn ma qua tiếng đàn không hầu của Lý Bằng”.

Tác giả và Nguyên Cẩn. Ảnh: T.G
Tác giả và Nguyên Cẩn. Ảnh: T.G

Tâm trong ý sáng

Một người bạn nữa thời trung học của tôi là Phạm Văn Nga, bút danh Nguyên Cẩn. Chúng tôi chơi thân với nhau. Nhớ những lần học “cọp” môn Sử Địa ở trường Văn Học (bà Trần Thị Nga, vợ thầy thi sĩ Nguyên Sa làm Hiệu trưởng).

Sở dĩ có chuyện này vì chúng tôi nghe rằng thầy Nguyễn Văn Khánh giảng bài tuyệt hay. Quả thực đến giờ Sử thầy Khánh giảng Việt Nam thời Pháp thuộc nghe không bao giờ biết chán.

Bữa sau Nga đến nhà tôi hớn hở đọc: “Đêm qua Tây bố giặc lùng/ U ơ con khóc giữa rừng tịch liêu/ Chiều qua chiều lại qua chiều/ Gió mười phương đổ đã nhiều gian nan…”. Tôi cứ tưởng là nhà thơ nào viết hay thế, không ngờ lát sau Nga nói chính là mình mới cảm tác qua lời giảng của thầy Khánh.

Chúng tôi hợp nhau, đều mê đọc sách, cùng mộ điệu văn chương. Ví dụ, mê Bùi Giáng nên đứa nào cũng lận lưng ít nhất vài ba câu thơ để ngâm ngợi, như: “Em về giũ áo mù sa/ Trút quần phong nhụy cho tà huy bay”; “Ta đi còn gửi đôi dòng/ Lá rơi có dội ở trong sương mù”…

Gợi lại chuyện này là để minh xác tạng văn người nào thì người ấy giữ, không lẫn vào ai được. Nguyên Cẩn viết văn, làm thơ rất nhanh, nhất là những chuyện thương tâm như 18 em học sinh tử nạn ở bến đò Cà Tang làm rúng động cả nước ngày ấy.

Hồi đó làm xong bài thơ bạn fax ngay về tòa soạn Báo Quảng Nam. Tôi nhớ buổi giao ban cuối tuần Tổng Biên tập Hồ Duy Lệ có ngợi khen là bài thơ đáp ứng tính thời sự.

Sau này có dịp ra Bắc, hay ra Trung hoặc xuống các tỉnh ở miền Tây, Nguyên Cẩn đều để lại nhiều bài thơ khá hay, như về Nam Hà: “Dân kêu như cóc kêu trời/ Chí Phèo nốc rượu chửi đời khơi khơi”; về Sơn Tây: “Em đi Bương Cấn Ba Vì/ Em về phố thị làm chi mắt buồn”; về Bắc Ninh: “Ai về Kinh Bắc quê anh/ Có nghe thơ vỡ vụn thành âm thanh”…

Và những câu thơ dặm dài lữ thứ: “Những bia ký dọc theo chiều mở nước/ Người đã về tay vỗ gọi hư không/ Núi mong chờ soi bóng xuống dòng sông/ Lòng thâm tạ những anh hùng thuở trước” (Tự sự cùng lịch sử).

Bùi Chí Vinh nhận xét “Bóng chữ trước đèn” của Nguyên Cẩn: “Từ Kim Dung đến Bùi Giáng, từ Phật đến thiền, từ chữ tâm đến chữ tầm, từ Tây du ký đến công nghệ ứng dụng trái táo Steve Jobs, từ Tomas Transtromer đến Salingger Bắt trẻ đồng xanh, từ gieo nhân đến gặt quả”.

Và Tâm Nhiên cũng viết: “Nhà thơ Nguyên Cẩn dấn thân vào cuộc sống bằng thái độ chân tình, cởi mở. Thở bầu không khí thuần nhiên chơn chất, rất mực hài hòa” (Nguyên Cẩn trên cung bậc hân hoan sáng tạo).

Năm 2021 NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh mua tác quyền “Dựng lại con người - Lời của kẻ sĩ” của Nguyên Cẩn. Nguyễn Thị Tịnh Thy đã giới thiệu: “Dựng lại con người nghĩa là tìm lại giá trị người đã từng có, nhưng bị đánh mất qua bao biến cố bão dông của lịch sử… Đọc lời kẻ sĩ, ta tiếp nhận được rất nhiều kiến thức bổ ích, lại có thêm cái thú “qua núi còn thấy núi”…

Điểm xuyết vài mẩu chuyện về đời thực, đời văn của hai người bạn, tôi chợt nghĩ đôi điều, khi tâm an nhiên tĩnh tại thì lòng mới trải rộng ra đi khắp muôn nơi.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thức cùng trang viết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO