Ngày 9/5, Hội LHPN tỉnh và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Nam ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2023 - 2027, hướng đến thúc đẩy thực hiện mục tiêu bình đẳng giới cho phụ nữ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Hội LHPN tỉnh và Ngân hàng Nhà nước tỉnh thống nhất ký kết chương trình phối hợp với 4 nội dung trọng tâm. Trong đó, hai bên phối hợp triển khai hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các loại hình tín dụng khác.
Đồng thời tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, trong đó tập trung vào giáo dục tài chính cho phụ nữ, góp phần hạn chế tín dụng đen; nâng cao nhận thức và tiến tới thực hiện tốt Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030. Hai bên tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ trong công tác truyền thông, an sinh xã hội.
Tiếp nối kết quả tích cực
Bà Đặng Thị Lệ Thủy - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, ký kết chương trình phối hợp là một trong những hoạt động gắn với đổi mới, sáng tạo việc thực hiện hóa các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chiến lược Quốc gia về tài chính toàn diện, thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
“Mục tiêu chung của chương trình phối hợp hướng đến hỗ trợ cán bộ, hội viên, phụ nữ nâng cao hiểu biết, năng lực tài chính, tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu” - bà Thủy nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Trọng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, chương trình phối hợp giai đoạn 2023 - 2027 sẽ tiếp nối những kết quả tích cực mà hai bên đã phối hợp trong triển khai các chương trình tín dụng phục vụ phát triển sản xuất và đời sống thời gian qua.
Trong đó, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp ký kết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn như Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Ngân hàng NN&PTNT để triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ. Đến cuối tháng 3/2023 dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 25,03 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,1% tổng dư nợ tại địa bàn.
Hội LHPN tỉnh cũng đang quản lý dư nợ ủy thác lớn nhất trong các tổ chức chính trị - xã hội, với 1.350 tổ tiết kiệm, vay vốn và hơn 56 nghìn khách hàng. Đến cuối tháng 3/2023, dư nợ ủy thác qua Hội LHPN đạt 2.711 tỷ đồng, chiếm gần 40,9% tổng dư nợ ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.
Qua theo dõi, chất lượng cho vay thông qua các tổ chức hội ngày càng được nâng cao và hiệu quả. Từ những kết quả nói trên, ông Trọng cho rằng, việc ký kết và triển khai một cách thực chất, hiệu quả các nội dung chương trình phối hợp giữa hai bên sẽ thúc đẩy mục tiêu bình đẳng giới cho phụ nữ trong thực hiện tài chính ngân hàng.
Hỗ trợ tín dụng an toàn
Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 149 ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng năm 2030, với mục tiêu tổng quát là “Mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững”.
Việc triển khai hiệu quả chương trình phối hợp giữa ngành ngân hàng và Hội LHPN các cấp sẽ góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; góp phần thúc đẩy nền kinh tế nhanh chóng phục hồi sau đại dịch COVID-19 và phát triển bền vững.
Theo bà Đặng Thị Lệ Thủy, mặc dù ngành ngân hàng và các cấp Hội LHPN đã đạt được nhiều kết quả trong thực hiện các chính sách của Nhà nước về tín dụng, tài chính; tuy nhiên đến nay còn tình trạng người dân, phụ nữ chưa quan tâm, thiếu kiến thức cơ bản về sản phẩm tài chính; tín dụng đen vẫn xảy ra…
Những vấn đề này đòi hỏi hai ngành cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ và người dân thực hiện các chính sách tài chính, tín dụng một cách an toàn, hiệu quả.
Ông Phạm Trọng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, ngành ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ những nhóm đối tượng yếu thế, phụ nữ, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ là nữ tiếp cận nguồn tín dụng.
Bên cạnh đó, triển khai các chương trình tài chính toàn diện, nâng cao kiến thức, đào tạo kỹ năng sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, góp phần triển khai chương trình an sinh xã hội thiết thực và hiệu quả hơn.