Thúc đẩy đầu tư hạ tầng giao thông

CÔNG TÚ 13/06/2016 08:33

Trong chuyến công tác và làm việc tại Quảng Nam vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Trương Quang Nghĩa đã thống nhất với nhiều đề xuất, kiến nghị của lãnh đạo tỉnh về thúc đẩy đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng đường bộ và cảng cá.

  • Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải làm việc với Quảng Nam
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa tặng quà động viên nhà thầu thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.Ảnh: CÔNG TÚ
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa tặng quà động viên nhà thầu thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.Ảnh: CÔNG TÚ

Nhiều kiến nghị

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh kiến nghị Bộ GTVT bố trí nguồn lực đầu tư, nâng cấp, mở rộng các trục đường ngang có tính chất liên kết liên vùng hiện quá chật chội, xuống cấp và mất an toàn giao thông, điển hình là các quốc lộ (QL) 14E, 14D, 14B, 14G, 40B. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, sau khi Bộ GTVT cho phép, Sở GTVT đã lập hoàn chỉnh báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng tuyến QL14E, đoạn km11+419-km89+423. Để triển khai từ năm 2017, Quảng Nam mong muốn Trung ương đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn 2016 - 2020. Nhằm khắc phục thực trạng bề mặt hẹp và hư hỏng, cầu tràn thường xuyên bị ngập lũ, QL14G qua địa bàn Đông Giang nhất thiết phải được cải tạo, kinh phí bố trí từ danh mục đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 hoặc xúc tiến nguồn vốn khác. Nếu gặp khó về tài chính, Trung ương ưu tiên làm trước 2 cầu vượt lũ thay thế cho cầu tràn Dốc Rùa (dài 20m) và cầu tại km38+050 (dài 50m). Cạnh đó, Bộ GTVT cần đầu tư nâng cấp QL40B cuối năm 2016 và QL14D vào năm 2017. Bởi hiện nay, QL14D được xúc tiến đầu tư bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và ADB đã tài trợ gói hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị đầu tư dự án. Còn QL40B đã được Bộ KH&ĐT bổ sung dự án nâng cấp, đoạn km11+150 (Tam Kỳ)  - km31+700 (Tiên Phước) vào danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ (vốn mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên còn dư).

Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cảng cá Tam Quang được quy hoạch là cảng cá loại 1, có quy mô tiếp nhận tàu 400CV, năng lực thông qua khoảng 120 lượt tàu với 16.000 tấn hàng hóa/năm. Căn cứ quy hoạch được phê duyệt, tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT lập thủ tục và triển khai đầu tư xây dựng cảng cá Tam Quang từ năm 2016, đưa vào sử dụng trong năm 2017. Vị trí quy hoạch, xây dựng tiếp giáp về phía thượng lưu bến cảng Kỳ Hà hiện nay, thuộc vị trí quy hoạch phát triển cảng biển Kỳ Hà theo nội dung quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (nhóm 3) đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Bộ GTVT.

Trong khi đó, sân bay Chu Lai đã được quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế đạt cấp 4F theo tiêu chuẩn của ICAO, đến năm 2020 đạt công suất 1 triệu tấn hàng hóa/năm. Đến năm 2025 đầu tư xây dựng nâng cấp, phát triển thành trung tâm trung chuyển hàng hóa với công suất 5 triệu tấn hàng hóa/năm và 4,1 triệu lượt hành khách/năm (theo Quyết định số 543/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Quảng Nam cũng đề xuất Bộ GTVT điều chỉnh những bất hợp lý về lưu thông. Đơn cử, cầu vượt đường bộ QL1 và đường sắt tại vị trí nút giao km1011+900,  trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai. Sau nhiều lần xúc tiến với các bộ ngành liên quan, Bộ Tài chính thống nhất đưa dự án vào danh mục sử dụng vốn trái phiếu còn dư của QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; đồng thời đề nghị Bộ GTVT tăng mức vốn bố trí từ 200 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng. Liên quan đến đường sắt Bắc - Nam, để đảm bảo an toàn giao thông khu vực giao nhau với các tuyến đường bộ ĐT615 (ga An Mỹ, Phú Ninh), QL14E (Thăng Bình), Quảng Nam cũng kiến nghị Bộ GTVT cần có hướng khắc phục. Thực tế cho thấy, tàu vào ga đường sắt sẽ chắn ngang tuyến ĐT615, dừng 20 - 30 phút làm giao thông bị tắc nghẽn, trở ngại rất lớn cho nhân dân trong vùng. Do vậy, việc dịch chuyển ga về phía bắc khoảng 50m - 100m là vô cùng cần kíp. Cạnh đó, Bộ GTVT đã quy hoạch xây dựng cầu vượt tại đường ngang giữa QL14E với đường sắt Bắc - Nam. Trong khi địa phương chuẩn bị đầu tư tuyến đường nối từ QL1 đến phạm vi quy hoạch cầu vượt, rồi nối đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Muốn khớp nối hoàn thiện, Quảng Nam đã có văn bản đề nghị sớm triển khai xây dựng công trình cầu vượt theo quy hoạch. Lãnh đạo tỉnh còn kiến nghị Bộ GTVT cần điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ và thỏa thuận địa điểm quy hoạch xây dựng cảng cá Tam Quang (Núi Thành); hỗ trợ xúc tiến đầu tư sân bay Chu Lai...

Sẽ xúc tiến đầu tư

Liên quan đến việc nâng cấp, mở rộng giao thông trục ngang, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đồng ý về mặt chủ trương với kiến nghị của tỉnh. Những dự án đã trình vốn trung hạn, ngành và các địa phương sẽ tiếp tục có sự rà soát lại và xác định nơi nào ưu tiên trước. Cụ thể như các dự án kết nối với cửa khẩu, thông thương với Lào, hành lang kinh tế Đông - Tây. Để có cơ sở phê duyệt quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư cảng cá Tam Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (nhóm 3). Trong đó, bến số 3 cảng Kỳ Hà là cảng cá Tam Quang; đồng thời thỏa thuận địa điểm quy hoạch và các nội dung liên quan đến bến cảng, vùng nước trước bến của cảng cá. Cho nên, Quảng Nam đề nghị Bộ GTVT xem xét, giải quyết nhằm kịp triển khai trong năm nay, hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2017. Đồng thuận với kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá cao quyết tâm của địa phương về đầu tư cảng cá, đồng thời đề nghị tỉnh làm dự án đảm bảo cho sản phẩm cá xuất khẩu ra khỏi địa bàn phải mang giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, cảng cá phải đảm bảo các chức năng tránh trú bão, hậu cần về nghề, chế biến.

Hệ thống cảng cá tại Quảng Nam chưa được đầu tư đồng bộ. TRONG ẢNH: Tàu thuyền neo đậu tại bến cá thôn Sâm Linh, xã Tam Quang, Núi Thành.Ảnh: MINH ĐỨC
Hệ thống cảng cá tại Quảng Nam chưa được đầu tư đồng bộ. TRONG ẢNH: Tàu thuyền neo đậu tại bến cá thôn Sâm Linh, xã Tam Quang, Núi Thành.Ảnh: MINH ĐỨC

Tháng 1.2016 vừa qua, Bộ GTVT thống nhất với đề xuất của tỉnh về sự cần thiết đầu tư, nâng cấp đồng bộ hạ tầng kỹ thuật bên trong và ngoài sân bay Chu Lai, mở rộng kết nối giao thông đường hàng không. Đồng thời tìm kiếm nhà đầu tư phát triển thành sân bay trung chuyển hàng hóa và dịch vụ hậu cần sửa chữa máy bay của khu vực ASEAN theo quy hoạch. Do vậy, địa phương kỳ vọng trung ương quan tâm xúc tiến, chỉ đạo các nhà đầu tư sớm triển khai. Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa biểu dương chủ trương xã hội hóa, xúc tiến thu hút các nhà đầu tư tham gia dự án cảng hàng không Chu Lai. Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, trong vòng bán kính 3.000km, sân bay Chu Lai là tâm điểm nối kết nhiều khu vực nên khai thác chức năng trung chuyển rất hiệu quả. Đầu tư phát triển sân bay Chu Lai là phương án tiết kiệm, vì có sẵn nhiều điều kiện nên không phải đầu tư xây dựng lớn. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư rất muốn rót vốn vào sân bay Chu Lai. Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định: “Quyết tâm cá nhân tôi và Bộ GTVT đang muốn làm việc cụ thể với Bộ Quốc phòng đề nghị tháo gỡ khó khăn. Làm sao sử dụng sân bay Chu Lai cho hiệu quả, thời gian vừa rồi chúng ta để lãng phí quá!”.

Bên cạnh hệ thống đường bộ, lãnh đạo Bộ GTVT cũng đã đề nghị tỉnh chú trọng phát triển, khai thác đường thủy nội địa. Bởi vì, Quảng Nam sở hữu tiềm năng lớn về loại hình giao thông này. Tuy nhiên, địa phương lâu nay chủ yếu khai thác tự nhiên, đầu tư cho luồng lạch hầu như chưa có gì. Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng cho rằng, chủ trương triển khai nạo vét, khơi thông các tuyến sông Trường Giang và Cổ Cò theo hình thức xã hội hóa mà Quảng Nam đã, đang hướng đến để phát triển loại hình vận tải đường sông và thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn là thiết thực. Trong khi đó, việc tiếp tục xúc tiến đầu tư nạo vét luồng từ cảng Kỳ Hà đi cảng Tam Hiệp, đến năm 2020 đảm bảo cho tàu 20 nghìn tấn đi lại là phù hợp, thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thúc đẩy đầu tư hạ tầng giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO