Cơ hội đầu tư

Thúc đẩy đầu tư hạ tầng thương mại miền núi

VĨNH LỘC 12/01/2024 13:30

Hạ tầng thương mại được xem là yếu tố quan trọng giúp trao đổi, cung ứng hàng hóa đến người dân, nhất là địa bàn các huyện miền núi, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, hầu hết hạ tầng thương mại ở các huyện miền núi chưa được đầu tư đồng bộ, sử dụng chưa hiệu quả.

Hoàn thiện hạ tầng thương mại sẽ giúp sản phẩm miền núi tiêu thụ tốt hơn trên thị trường. Ảnh: V.LỘC
Hoàn thiện hạ tầng thương mại sẽ giúp sản phẩm miền núi tiêu thụ tốt hơn trên thị trường. Ảnh: V.LỘC

Nhìn từ Nam Giang

Năm 2020, chợ Thạnh Mỹ (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) được xây dựng. Với kiến trúc 2 tầng, chợ Thạnh Mỹ có không gian thoáng rộng, được phân chia thành các khu vực riêng biệt như khu ki ốt, nhà lồng trệt, chợ ướt nhà lồng, chợ ướt ngoài trời, khu vực ăn uống…, trở thành ngôi chợ lớn nhất huyện Nam Giang.

Tuy nhiên đến nay cũng chỉ có 185/188 lô được thuê kinh doanh, 3 lô bỏ trống. Dù vậy, hoạt động kinh doanh của các tiểu thương tại chợ cũng khó khăn do không cạnh tranh được với các hộ tiểu thương bên ngoài, nhất là ven đường dẫn vào chợ.

Toàn tỉnh hiện có 160 chợ, trong đó có 2 chợ hạng 1, cùng 13 chợ hạng 2 và 145 chợ hạng 3. Tổng số hộ kinh doanh qua mạng lưới chợ khoảng 23.000 hộ. Ngoài ra, còn có 3 siêu thị và nhiều mô hình cửa hàng tiện lợi; 184 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và 14 tàu dầu lưu động trên sông và biển, đáp ứng phục vụ nhu cầu xăng dầu của tỉnh.

Ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, theo quy hoạch hạ tầng thương mại, huyện Nam Giang có 6 chợ nhưng đến nay chỉ mới có 2 chợ được xây dựng gồm chợ Thạnh Mỹ và chợ Chà Vàl (xã Chà Vàl, xây dựng năm 2005).

Trong đó, chợ Chà Val thuộc tiểu khu 2, Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang được xác định là chợ trung tâm của 8 xã vùng cao, nhưng gần 20 năm nay hầu như không hoạt động, hiện tại bỏ hoang.

Ngoài 2 chợ trên, hệ thống cửa hàng, tạp hóa tổng hợp trên địa bàn huyện cũng tương đối ít ỏi và chưa đồng đều khi chỉ có hơn 100 cửa hàng tạp hóa do tư nhân đầu tư tự phát. Các loại hình kinh doanh như siêu thị nhỏ, cửa hàng tiện lợi... không đáng kể, hoạt động chưa hiệu quả, sức mua của người dân yếu.

“Hạ tầng thương mại Nam Giang nhìn chung chậm phát triển, chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường, trong đó việc thu hút đầu tư vào hạ tầng thương mại địa phương còn thấp.

Thị trường hàng hóa và số doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân kinh doanh buôn bán ít so với các địa bàn khác; dịch vụ còn phân tán, quy mô nhỏ, vốn ít, trao đổi mua bán qua nhiều khâu trung gian, làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh trên thị trường” - ông Chương nhìn nhận.

Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn huyện Nam Giang đạt hơn 601 tỷ đồng, tăng hơn 111% so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy, theo ông Nguyễn Đăng Chương, phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn vẫn chưa tương xứng tiềm năng, còn nhiều hạn chế do phát triển tự phát, không có định hướng về hàng hóa, thiếu sản phẩm chủ lực; chưa ứng dụng rộng rãi thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm. Cạnh đó, tập tính sản xuất lạc hậu, quy mô nhỏ, chưa gắn chặt sản xuất với tiêu thụ và phát triển thị trường, còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước.

Đánh giá lại hiện trạng

Theo Quyết định số 3464 ngày 27/11/2011 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 254 chợ (gồm 9 chợ đầu mối nông sản tổng hợp và chuyên doanh, 4 chợ hạng I, 36 chợ hạng II, 214 chợ hạng III, 67 cơ sở thương mại hiện đại như trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, trung tâm bán buôn, trung tâm logistics, trung tâm hội chợ triển lãm, siêu thị; 295 của hàng xăng dầu…

Trong đó, ưu tiên chú trọng phát triển hạ tầng thương mại miền núi. Tuy nhiên, qua khảo sát dễ dàng nhận thấy, hạ tầng thương mại miền núi đa phần thiếu và yếu, trong khi việc thu hút đầu tư vào hạ tầng thương mại khu vực miền núi rất khó khăn.

Tại huyện Phước Sơn, cơ sở hạ tầng thương mại hầu như chưa đáp ứng được so với nhu cầu phát triển. Nguyên nhân chủ yếu do quy mô sản xuất nhỏ, sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, dịch vụ còn phân tán, nhiều khâu trung gian khiến sức mua thấp.

Tính đến năm 2023, toàn huyện có 2 chợ nhưng hoạt động buôn bán chủ yếu diễn ra ở chợ Khâm Đức, các loại hình kinh doanh hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tự chọn... chưa phát triển, còn chợ phiên xã Phước Chánh hoạt động không hiệu quả.

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương nhìn nhận, phát triển hạ tầng thương mại là vấn đề quan trọng và cần thiết, nhất là hạ tầng thương mại miền núi, vậy nên cần tính toán để có giải pháp hợp lý, phù hợp với tập quán và hoạt động thương mại của người dân địa phương.

Bởi thực tế hạ tầng thương mại miền núi hiện phần phần chưa được đầu tư đúng mức, hoạt động mua bán còn manh mún, nhỏ lẻ, do đó thời gian tới Sở Công Thương sẽ phối hợp với địa phương kiểm tra, khảo sát hạ tầng thương mại và kinh doanh thương mại dịch vụ tại tất cả địa phương miền núi nhằm kịp thời tham mưu, đề xuất những giải pháp cụ thể để thúc đẩy hạ tầng thương mại miền núi phát triển.

“Sở Công Thương đang được UBND tỉnh giao đánh giá lại tất cả hiện trạng về hạ tầng thương mại ở miền núi, nhất là những hạ tầng đưa vào sử dụng nhưng chưa có hiệu quả thì xây dựng phương án sử dụng hiệu quả hơn.

Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ đánh giá lại nhu cầu thương mại trên địa bàn mỗi huyện cũng như chủ thể quản lý, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng như nghiên cứu thúc đẩy trao đổi hàng hóa miền biển, mền xuôi lên miền núi, qua đó kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân, đẩy mạnh hình thành mạng lưới phân phối, hoàn thiện hạ tầng thương mại” - ông Dự nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thúc đẩy đầu tư hạ tầng thương mại miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO