(QNO) – Sáng nay 9.6, tại huyện Tiên Phước, Sở VH-TT&DL phối hợp với các bên liên quan tổ chức tọa đàm “Quảng Nam – Phát triển du lịch xanh”. Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý du lịch, doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước.
Tọa đàm xoáy quanh các nội dung về thực trạng và khó khăn của du lịch xanh. Lợi ích khi tham gia du lịch xanh. Sự cam kết của chính quyền và cộng đồng. Kêu gọi sự ủng hộ của chính quyền.
Theo đại diện Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sỹ tại Việt Nam (SSTP), một trong những khó khăn khi triển khai du lịch xanh vào thực tế là rào cản về tâm lý, e ngại khi tiếp cận các tiêu chí, tiêu chuẩn về du lịch xanh.
“Một vài doanh nghiệp cho rằng, chỉ cần tập trung vào kinh doanh không cần quan tâm đến du lịch xanh. Chưa kể, những rào cản về nhân lực và nhận thức, kể cả rào cản về tài chính khiến việc thực hiện mục tiêu du lịch xanh khó khăn. Do đó, cần thay đổi về tư duy để mục tiêu du lịch xanh sớm thành hiện thực, góp phần tiết giảm chi phí doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên”, vị đại diện này diễn giải.
Ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, phát triển du lịch xanh là xu hướng tất yếu, là giải pháp làm mới du lịch của tỉnh trong chiến lược phục hồi du lịch Quảng Nam sau đại dịch Covid-19. Qua đó, giúp tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt, hấp dẫn, thu hút khách du lịch, tạo thêm việc làm, gia tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp.
Vì vậy, trong thời gian tới sở sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành những chính sách, cơ chế cụ thể như có cơ chế khuyến khích sử dụng công nghệ xanh, khuyến khích hành vi không làm phương hại đến môi trường và văn hóa bản địa, khuyến khích sản phẩm du lịch, chương trình du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
“Phát triển du lịch xanh ở góc độ tiêu chí về môi trường thôi chưa đủ mà phải coi trọng ở góc độ văn hóa, phải mang lại sự phồn thịnh cho người dân, xanh phải thực sự cho người dân, đó là sự phát triển bền vững mang lại sự hài hòa, phồn vinh cho điểm đến. Đặc biệt, phải có sự phân chia hài hòa về giá trị và lợi ích giữa cộng đồng và doanh nghiệp, nếu người dân không được hưởng lợi sẽ không bền vững, dẫn đến xung đột, bất đồng giữa người dân và doanh nghiệp”, ông Sơn nói.
Đồng thời đề xuất, phân định rõ chức năng quản lý giữa các ngành liên quan nhằm hỗ trợ kịp thời hoạt động du lịch tại các địa phương. Nghiên cứu phương thức tổ chức quản lý mô hình hợp tác xã, các tổ sản xuất dịch vụ với vai trò kết nối cộng đồng dân cư tại điểm du lịch, từng bước tiến tới hiện thực hóa mục tiêu du lịch xanh Quảng Nam những năm tới.