(QNO) - Châu Á có vị trí đặc biệt quan trọng đối với nước ta. Do đó, thúc đẩy gắn kết Việt Nam - châu Á chính là góp phần mở rộng giao lưu hợp tác, khai thác mọi nguồn lực trong và ngoài để phát triển bền vững đất nước.
TS. Nguyễn Tấn Thắng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Nguyễn Huy Hoàng (đứng) đồng chủ trì hội thảo. Ảnh: X.L |
Đó là phát biểu của PGS-TS. Nguyễn Huy Hoàng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), đơn vị đồng tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Việt Nam - châu Á: Những mối quan hệ lịch sử, văn hóa và văn học” tại Trường Đại học Duy Tân - Đà Nẵng ngày 23.5.
TS. Nguyễn Tấn Thắng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân chia sẻ, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao, tiềm lực và quy mô tăng lên. Quy mô nền kinh tế năm 2017, theo giá hiện hành đạt hơn 5 triệu tỷ đồng, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 74%.
GDP đầu người năm 2017 đạt 53,5 triệu đồng (2.385 USD), tăng 170 USD so với 2016. Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137. Ngân hàng Thế giới xếp hạng về môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ; ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư…
Tuy nhiên Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, cần phải tiếp tục nỗ lực khai thác mọi nguồn lực để phát triển bền vững đất nước. Châu Á - một khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng trên con đường phát triển của Việt Nam. Do đó, thúc đẩy gắn kết Việt Nam - châu Á chính là góp phần vào quá trình tăng cường mở rộng giao lưu hợp tác, nâng tầm giá trị về một Việt Nam thân thiện, hòa bình đối với khu vực và thế giới.
Để làm được điều này, đòi hỏi sự tham gia không chỉ của các nhà hoạch định chính sách, của các quan chức Chính phủ mà còn của các học giả khu vực, trong đó có các học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam. Nhằm đáp ứng yêu cầu trên, Khoa Khoa học xã hội và nhân văn Trường Đại học Duy Tân phối hợp với Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tổ chức hội thảo này.
Mục đích hội thảo là tạo cơ hội cho các học giả, nhà nghiên cứu gặp gỡ, trao đổi và công bố những kết quả nghiên cứu mới của họ về chủ đề “Việt Nam - châu Á: Những mối quan hệ lịch sử, văn hóa và văn học”, cùng các vấn đề liên quan. Tại hội thảo, Ban tổ chức nhận hơn 50 tham luận đến từ 27 trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước và trình bày 10 tham luận tiêu biểu.
Kết luận hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Nguyễn Huy Hoàng nhận định: Các tham luận đã bao quát khá đầy đủ các mảng nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử, văn hóa và văn học từ quá khứ đến hiện tại. Nổi bật một số tham luận có sự khảo sát công phu, nghiêm túc và phân tích thấu đáo về một vấn đề tổng thể hoặc một nội dung cụ thể như: “Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc kể từ sau chiến tranh lạnh: Thực trạng và triển vọng” (TS. Võ Minh Hưng, Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu); “Phát triển những điểm tương đồng về văn hóa và tôn giáo giữa các quốc gia Đông Nam Á để xây dựng hòa bình khu vực” (nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Hồng Cúc, Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh); “Về quan hệ Việt Nam - Ấn Độ” (TS. Nguyên Xuân Vinh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á)...
Theo Viện trưởng Nguyễn Huy Hoàng, mối quan hệ Việt Nam - châu Á thật sự rất đồ sộ, khó có thể đánh giá một cách đầy đủ và trọn vẹn trong khuôn khổ của một hội thảo. Nhưng có thể khẳng định, những báo cáo khoa học trên là kết quả lao động khoa học nghiêm túc, công phu rất đáng trân trọng của các tác giả. Trong đó có nhiều báo cáo của các giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh tuổi đời còn rất trẻ, thể hiện một sức bật rất lớn về năng lực, bản lĩnh nghiên cứu khoa học trong tương lai không xa.
XUÂN LAN