Thúc đẩy giáo dục trẻ em gái

NAM VIỆT 16/12/2019 09:29

(QNO) - Liên hiệp quốc cho biết, thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ như giảm nghèo, tăng tuổi thọ, tiêm chủng phòng ngừa bệnh tật… trong những thập kỷ gần đây, nhưng lĩnh vực giáo dục cho trẻ em gái chưa được như mong đợi.

Một lớp học tại Bangladesh. Ảnh: GPE
Một lớp học tại Bangladesh. Ảnh: GPE

Giáo dục trẻ em gái được xem là một ưu tiên phát triển bền vững toàn cầu. Tuy nhiên, thống kê cho thấy hiện có tới 131 triệu trẻ em gái trên thế giới đến tuổi đi học nhưng không được đến trường. Hầu hết các em đều sống ở những khu vực nghèo đói, thường xuyên xảy ra xung đột vũ trang, thậm chí bị tổn thương do biến đổi khí hậu.

Theo Liên hiệp quốc, việc trẻ em gái được tiếp cận đầy đủ với hệ thống giáo dục sẽ đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển toàn cầu nói chung. Một phụ nữ có giáo dục tốt hơn không chỉ giúp cho bản thân họ mà còn tạo ra một gia đình mạnh khỏe hơn, tham gia giáo dục con cái cũng như gia nhập vào thị trường lao động nhiều hơn, có thu nhập cao hơn, tránh được tình trạng tảo hôn nhiều hệ hụy…

Tất cả yếu tố này kết hợp có thể góp phần tạo ra một gia đình, một cộng đồng, lớn hơn là một quốc gia thoát nghèo và phát triển, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, phổ cập giáo dục cho tất cả mọi người là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững mà các nước thành viên Liên hiệp quốc công bố năm 2015 với mục đích xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới vào năm 2030.

Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, hàng triệu trẻ em trên toàn cầu buộc phải nghỉ học giữa chừng hoặc vẫn chưa được tiếp cận với nền giáo dục mà nghèo đói là một trong những nguyên nhân chính. Ví dụ, ở vùng tây bắc Nigeria, chỉ có 4% trẻ em gái ở các gia đình nghèo có thể đọc được, so với 99% trẻ em gái trong các gia đình khá giả hơn tại vùng đông nam ở nước này.

Hay châu Phi, nơi chỉ có 14% phụ nữ trong nhóm thu nhập thấp tốt nghiệp trung học. Ngay cả trong nhóm thu nhập cao hơn, con số này cũng ở mức 57%. Nhìn chung, 122 triệu người châu Phi không học hết cấp hai, và hơn một nửa trong số họ là nữ giới.

Nữ diễn viên Julia Roberts (trái) và bà Michelle Obama. Ảnh: AP
Nữ diễn viên Julia Roberts (trái) và bà Michelle Obama. Ảnh: AP

Ngoài nguyên nhân bị bạo lực và xâm hại, phân biệt đối xử, vấn đề tảo hôn hay kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên cũng là một thách thức quan trọng trong lĩnh vực giáo dục của trẻ em gái.

Theo một báo cáo gần đây, hơn 41.000 trẻ em gái dưới 18 tuổi kết hôn mỗi ngày. Ước tính, nếu kết thúc tình trạng hôn nhân trẻ em có thể tạo ra hơn 500 tỷ USD mỗi năm cho kinh tế toàn cầu.

Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama cho biết bà quyết tâm theo đuổi việc tiếp thêm sức mạnh cho các em gái trên toàn thế giới để được đi học. Bà Michelle Obama nói rằng các em gái trên khắp thế giới đang trông chờ vào sự táo bạo và sáng tạo của các nhà lãnh đạo nước họ, nơi có thể mang đến cho họ những cơ hội mà họ xứng đáng được hưởng.

Ngày 9.12, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama dẫn đầu đoàn đại biểu Liên minh Cơ hội cho trẻ em (Girls Opportunity Alliance - GOA) đến Việt Nam. Tham gia đoàn có nữ diễn viên nổi tiếng Mỹ - Julia Roberts, con gái cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush - Jenna Bush Hager.

Tại Long An, bà Obama và phái đoàn giao lưu với những cựu thành viên của chương trình hỗ trợ trẻ em gái vị thành niên thông qua giáo dục của tổ chức GOA. Đây là sáng kiến của tổ chức Obama Foundation nhằm hỗ trợ giáo dục trẻ em gái vị thành niên trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, GOA đang hợp tác với Room to Red - tổ chức phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thông qua giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thúc đẩy giáo dục trẻ em gái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO