Được xác định có những lợi thế về vị trí, hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, Tam Kỳ đang hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm du lịch phía nam của tỉnh nhằm tạo sự lan tỏa đến các khu vực xung quanh.
Du lịch Tam Kỳ cũng như phía nam cần được đầu tư thúc đẩy để hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trung tâm du lịch của tỉnh.Ảnh: VĨNH LỘC |
Vai trò hạt nhân
Tam Kỳ sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Thời gian qua việc đầu tư hạ tầng, dịch vụ, sản phẩm du lịch đang từng bước được xây dựng, đảm bảo điều kiện đón khách. Một số dự án, sản phẩm du lịch như địa đạo Kỳ Anh, Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh, tuyến du lịch hồ Phú Ninh - tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng - biển Tam Thanh và Làng nghệ thuật cộng đồng… hoạt động bước đầu đạt hiệu quả. Cùng với đó, hạ tầng giao thông kết nối tuyến điểm, cơ sở lưu trú cũng từng bước được hoàn thiện. Hiện trên địa bàn thành phố có 17 khách sạn (1 resort, 2 khách sạn 4 sao, 1 khách sạn 3 sao, 5 khách sạn 2 sao…), quy mô khoảng 750 phòng; khoảng 40 nhà hàng ăn uống, trên 40 điểm mua sắm và trung tâm thương mại (chợ, siêu thị, cửa hàng…) có thể phục vụ khách du lịch.
Hoạt động lữ hành cũng bắt đầu nhộn nhịp với 6 công ty và văn phòng đại diện kinh doanh đưa đón khách; 15 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải (gần 150 xe) và 4 hãng taxi. Công tác quảng bá du lịch cũng được quan tâm đầu tư, một số sự kiện văn hóa, thể thao tầm cỡ đã được tổ chức thường xuyên hơn, bước đầu thu hút sự quan tâm của du khách và các doanh nghiệp. Một yếu tố cũng khá quan trọng là thành phố đã triển khai các quy hoạch như khu sinh thái và bãi tắm Hạ Thanh, phân khu quản lý di tích địa đạo Kỳ Anh, công viên văn hóa ven sông Tam Kỳ, khu du lịch văn hóa đồi An Hà… Nguồn vốn đầu tư cho du lịch không ngừng tăng, chỉ tính riêng giai đoạn 2012 – 2016 đã có gần 106 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư cho hạ tầng giao thông phục vụ du lịch.
Đặc biệt, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Tam Kỳ trở thành trung tâm du lịch phía nam của tỉnh, tháng 1.2018 UBND TP.Tam Kỳ đã xây dựng, ban hành Đề án phát triển du lịch thành phố giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, tập trung quy hoạch, phát triển không gian du lịch với những sản phẩm cụ thể là sinh thái, văn hóa, trải nghiệm, cộng đồng, nghỉ dưỡng cao cấp… hướng đến mục tiêu thu hút 500 nghìn lượt khách đến tham quan vào năm 2020; năm 2025 đạt 1,2 triêu lượt khách; xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố và trở thành trung tâm du lịch phía nam của tỉnh.
Theo đuổi mục tiêu
Phía nam của tỉnh gồm 7 huyện, thành phố là Thăng Bình, Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My và Tam Kỳ, dù được đánh giá là khu vực có tiềm năng để phát triển du lịch nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Thống kê cho thấy, lượng khách đến Tam Kỳ tăng trưởng qua từng năm (năm 2017 đón khoảng 205 nghìn lượt khách). Tuy vậy, theo ông Trần Lực – Phó Giám đốc Công ty du lịch Saigontourist, chi nhánh Đà Nẵng, sản phẩm du lịch Tam Kỳ còn khá nghèo nàn, ngoài tham quan khách không còn một trải nghiệm nào khác, kể cả muốn mua hàng về làm lưu niệm. “Du lịch Tam Kỳ thiếu rất nhiều, từ sản phẩm lưu niệm, nguồn nhân lực chuyên nghiệp đến hạ tầng dịch vụ, điểm vui chơi giải trí, mua sắm, nhất là thiếu các nhà đầu tư tầm cỡ để thúc đẩy hoạt động du lịch nơi đây” - ông Lực nhìn nhận.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho rằng: “Để Tam Kỳ trở thành trung tâm du lịch phía nam của tỉnh, cần phải đẩy mạnh việc hình thành các sản phẩm và tuyến du lịch với các địa phương lân cận và trong khu vực gắn với các di tích danh thắng trên địa bàn… gắn với các dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí, phát triển các dịch vụ du lịch sông nước; hình thành các tuyến du lịch với các địa phương lân cận…”.
Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL: “Chọn Tam Kỳ là phù hợp vì đây là tỉnh lỵ, là trung tâm của các điểm du lịch lân cận, giao thông thuận tiện, hạ tầng dịch vụ, lưu trú cũng thuận lợi hơn các điểm khác. Tam Kỳ cũng có tiềm năng phát triển du lịch với nhiều điểm đến hấp dẫn và gắn kết thuận lợi với các điểm tham quan liền kề”. Ông Tường cho biết, thời gian qua sở đã tổ chức nhiều sự kiện nhằm quảng bá du lịch phía nam như một số hoạt động tại festival Di sản Quảng Nam; đào tạo nghiệp vụ cho các điểm du lịch; huy động các nguồn lực từ tỉnh và trung ương để trùng tu di tích... “Xây dựng Tam Kỳ trở thành trung tâm du lịch phía nam là mục tiêu tương lai, còn trung tâm đó như thế nào, tầm cỡ ra sao còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong đó, vai trò của địa phương rất quan trọng. Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương và sở, nên để đạt được mục tiêu đề ra, rất cần có quyết tâm chung và sự phối hợp đồng bộ” - ông Tường nói.
VĨNH LỘC