(QNO) - Sáng 24/4, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định, Báo Tiền Phong phối hợp UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Bưu chính viễn thông VNPT tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”.
Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Phan Tâm; TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ; đại diện Bộ NN&PTNT; đại diện lãnh đạo 13 tỉnh/thành phố khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; các nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số và hơn 30 hiệp hội, doanh nghiệp, doanh nhân trên cả nước.
Thống kê của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay. Chỉ số bưu chính của Việt Nam năm 2023 đạt cấp độ 6/10, tăng 1 cấp độ so với năm 2021, đứng thứ 38.
Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp 2022 và 2023. Thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19%. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và truyền thông, kinh tế số năm 2023 đóng góp khoảng 16,5% GDP.
Phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã lựa chọn chủ đề năm 2024 là năm “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.
Thời gian qua, nhiều tỉnh/thành phố trong khu vực đã quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, chuyển đổi số khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chưa đồng đều, còn khoảng cách khá xa so với một số khu vực khác.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Phan Tâm khẳng định, kinh tế số góp phần mang đến lời giải mới cho Vùng duyên hải miền Trung và Vùng Tây Nguyên trong mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Bởi công nghệ số giúp giải quyết bài toán toàn dân tham gia toàn diện vào phát triển kinh tế số trên các nền tảng số.
Kinh tế số tạo ra không gian phát triển và tăng trưởng hoàn toàn mới, có dư địa lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh, giúp tăng nhanh quy mô của nền kinh tế.
Đặc biệt, để giải quyết bài toán liên kết vùng hiện vẫn còn khá còn lỏng lẻo, kinh tế số sẽ liên kết trên không gian mạng, liên kết chia sẻ dữ liệu vốn là những tài nguyên vô hình sẽ nhanh hơn, ít tốn kém hơn so với xây dựng các liên kết vật lý như cầu đường, sân bay,…
Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và truyền thông, các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng hạ tầng thông tin và truyền thông, mở ra không gian phát triển mới cho kinh tế - xã hội, gắn kết sự phát triển trên không gian số với không gian phát triển vật lý truyền thống, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tại hội thảo, nhiều mô hình hay, kinh nghiệm trong chuyển đổi số được đại diện các bộ ngành, địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp chia sẻ.
Ông Lê Xuân Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty VNPT IT nhấn mạnh, với đặc điểm của vùng, cần chú trọng các giải pháp chuyển đổi số ngành công thương, xây dựng và giao thông vận tải. Trong đó tập trung xây dựng và khai thác các nền tảng dữ liệu ngành cũng như áp dụng công nghệ số trong hoạt động của ngành.
Ông Nguyễn Hoàng Đan - Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết: Chính phủ đang chỉ đạo toàn ngành tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, từ chuỗi cung ứng nông sản sang liên kết giá trị ngành hàng; chuyển từ nền sản xuất nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững định hướng phát triển kinh tế số nông nghiệp.
Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số ngành nông nghiệp đạt tối thiểu 10%; góp phần hoàn thành mục tiêu tại Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng mô hình mẫu về sản xuất, kết nối nông nghiệp thông minh; hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số; 50% số hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử, hơn 50% chủ thể OCOP tham gia kênh thương mại điện tử; số hóa 70% dữ liệu thông tin hộ sản xuất nông nghiệp...