Thúc đẩy liên kết du lịch Tiểu vùng Mê Kông

QUỐC TUẤN 16/10/2022 06:25

Thúc đẩy liên kết du lịch Tiểu vùng Mê Kông mở rộng là một hướng đi để đánh thức kho báu tài nguyên du lịch của khu vực này cũng như mở ra cơ hội đa dạng hóa thị trường du lịch đến Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tiềm năng thúc đẩy du lịch ở các quốc gia thuộc Tiểu vùng Mê Kông mở rộng còn rất lớn. Ảnh: Tấn Châu
Tiềm năng thúc đẩy du lịch ở các quốc gia thuộc Tiểu vùng Mê Kông mở rộng còn rất lớn. Ảnh: TẤN CHÂU

Hướng tới “Sáu quốc gia, một điểm đến”

Năm 2019, khu vực Tiểu vùng Mê Kông (GMS) đón gần 74 triệu lượt khách quốc tế (chiếm khoảng 15% lượng khách quốc tế đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương).

Trong 6 tháng đầu năm 2022, khu vực GMS đón khoảng 3,2 triệu lượt khách và dự báo sẽ tăng nhanh trong giai đoạn cuối năm khi mùa du lịch quốc tế vào giai đoạn cao điểm và các quốc gia trong khu vực tiếp tục dỡ bỏ các rào cản do dịch bệnh.

Diễn đàn Du lịch Mê Kông 2022 tiếp tục thúc đẩy tiến trình kết nối, phục hồi du lịch vùng. Sự kiện tương tác trực tiếp đầu tiên của khu vực từ sau đại dịch Covid-19 giúp những người làm du lịch cập nhật thực tế xu thế, diễn biến mới của vùng để có những quyết sách hiệu quả.

Đại biểu chia sẻ tại phiên tọa đàm trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch Mê Kông 2022. Ảnh: Q.T
Đại biểu chia sẻ tại phiên tọa đàm trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch Mê Kông 2022. Ảnh: Q.T

Với chủ đề “Tái thiết ngành du lịch - kiên cường phục hồi du lịch”, diễn đàn muốn lan tỏa thông điệp về sức sống mãnh liệt và nỗ lực hồi sinh đáng ghi nhận của ngành du lịch trong thời gian gần đây.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, du lịch là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong thúc đẩy hợp tác kinh tế của tiểu vùng. Khi du lịch thế giới phục hồi hoàn toàn sẽ có sự cạnh tranh rất lớn, do đó các quốc gia trong tiểu vùng cần thúc đẩy cơ chế hợp tác, từ đó hình thành điểm đến chung “6 quốc gia, 1 điểm đến”.

 Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, diễn đàn là cơ hội tốt để thúc đẩy du lịch khu vực tiểu vùng cũng như xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc trưng.

Quảng Nam nằm ở cửa ngõ Hành lang kinh tế Đông - Tây cũng như các nước trong Tiểu vùng Mê Kông và hội tụ đủ loại hình giao thông nên còn rất nhiều dư địa để thu hút dòng khách từ các thị trường trong tiểu vùng.

Thúc đẩy liên kết vùng

Vừa qua, Quảng Nam đã lập đoàn khảo sát phương thức xã hội hóa, hợp tác công tư trong việc khai thác du lịch di sản tại Campuchia để tìm cách áp dụng tại địa phương.

Loại hình du lịch caravan xuyên quốc gia đang trở thành xu thế phổ biến ở các quốc gia thuộc Tiểu vùng Mê Kông mở rộng. Ảnh: TẤN CHÂU
Loại hình du lịch caravan xuyên quốc gia đang trở thành xu thế phổ biến ở các quốc gia thuộc Tiểu vùng Mê Kông mở rộng. Ảnh: TẤN CHÂU

Ông Nguyễn Trùng Khánh nói, để liên kết du lịch của Tiểu vùng Mê Kông đi vào thực chất, rất cần các hỗ trợ từ khu vực nhà nước về cơ sở hạ tầng du lịch và chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Về phía khu vực tư nhân cần đầu tư cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú và vận chuyển.

Bên cạnh các đối tác quen thuộc như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thời gian tới Tiểu vùng Mê Kông mở rộng sẽ tích cực tìm kiếm, phối hợp với các nhà đầu tư mới, tiềm năng để tiếp tục phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tiểu vùng.

Theo ông Zeyar Myo Aung - Phó Tổng cục trưởng, Bộ Khách sạn và du lịch Myanmar, cần làm sao để sau khi dự án kết thúc, năng lực tạo dựng từ các dự án giúp người dân địa phương sẽ tạo ra sinh kế bền vững từ du lịch chứ không phải du lịch rút đi thì mọi thứ trở lại như cũ. Doanh nghiệp xã hội sẽ giải quyết được vấn đề này và cần thêm các chính sách hỗ trợ liên quan.

Thời gian gần đây một số quốc gia thuộc Tiểu vùng Mê Kông mở rộng đang dần nổi lên như những thị trường khách hứa hẹn với ngành du lịch Quảng Nam. Trong đó, Trung Quốc và Thái Lan đã nằm trong top 10 thị trường khách lưu trú lớn nhất của Quảng Nam vào năm 2019.

Ông Steve Wolstenholme - Tổng Giám đốc khu nghỉ dưỡng Hoiana (Duy Xuyên) cho hay, thực tế ngoài Trung Quốc thì lượng khách trong các quốc gia thuộc tiểu vùng đến với Việt Nam nói riêng và Quảng Nam còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng. Hoiana đã xây dựng kế hoạch riêng để xúc tiến phù hợp với từng thị trường thuộc tiểu vùng trong thời gian tới.

Diễn đàn Du lịch Mê Kông 2022 diễn ra từ ngày 9 - 14.10 tại Quảng Nam do Bộ VH-TT&DL chủ trì tổ chức và phối hợp với Văn phòng Điều phối du lịch Mê Kông và sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á.

Sự kiện quy tụ hơn 250 đại biểu quốc tế và trong nước tham dự. Diễn đàn Du lịch Mê Kông được tổ chức hàng năm từ năm 1996 nhằm mục đích nâng tầm khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) (gồm các quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam) như một điểm đến du lịch chung, cung cấp một nền tảng toàn ngành cho khu vực công và tư để giải quyết các vấn đề du lịch của tiểu vùng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thúc đẩy liên kết du lịch Tiểu vùng Mê Kông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO