Phát triển nông nghiệp sạch là xu thế chung của nhiều quốc gia nhằm hạn chế thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Câu chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm hiện rất được quan tâm tại các quốc gia khi có nhiều người tiêu dùng bị nhiễm bệnh liên quan đến hóa chất độc hại. Trước thực trạng trên, nhiều quốc gia chú trọng phát triển nông sản sạch theo phương thức và tiêu chuẩn của nông nghiệp hữu cơ hướng đến thúc đẩy cân bằng sinh thái, đa dạng và bảo tồn sinh học. Năm 2014, tổng diện tích nông nghiệp trên thế giới là 43,7 triệu héc ta, tăng nửa triệu héc ta so với 2013. Úc là quốc gia dành nhiều đất nhất cho nông nghiệp với 17,2 triệu héc ta. Nhiều chuyên gia khoa học còn khẳng định, nông nghiệp hữu cơ có thể trở thành nông nghiệp chủ đạo của thế kỷ 21 với mục tiêu đủ đáp ứng nhu cầu lương thực sạch cho hành tinh.
Một chợ nông sản hữu cơ tại Pháp. (Ảnh: Alamy) |
Qua nghiên cứu và khảo sát, các nhà khoa học Mỹ cho biết, nền nông nghiệp sinh thái sẽ mang lại lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường, sức khỏe cho người tiêu dùng và cả người làm nông, tạo ra việc làm (như do việc giảm bớt cơ khí hóa trong canh tác nông nghiệp)… góp phần giúp cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong tháng 3 vừa qua, Pháp tổ chức hội chợ triển lãm hàng nông sản sạch tại thủ đô Paris có quy mô lớn nhất thế giới. Chủ tịch Hiệp hội lúa mì CRC (Pháp) cho biết, riêng diện tích trồng lúa mì của hiệp hội là 41 nghìn héc ta và thu hoạch trung bình mỗi năm khoảng 260 nghìn tấn lúa mì sạch.
Trong bối cảnh nước Nga thắt chặt lệnh cấm nhập khẩu hàng nông sản từ châu Âu trong 2 năm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết chính phủ sẽ tiến hành cải cách nông nghiệp để nước Nga có thể tự cung cấp đủ thực phẩm hữu cơ cho người tiêu dùng tại Nga vào năm 2020. Ngoài ra, Tổng thống Putin đặt mục tiêu để Nga trở thành thị trường cung ứng nông sản hữu cơ lớn nhất thế giới. Minh chứng cách đây 10 năm, Nga là thị trường béo bở của các nhà xuất khẩu lương thực, đặc biệt đến từ khu vực châu Âu. Nhưng đến nay, theo Đài truyền hình Nga, thống kê cho thấy hiện Nga thu về 20 tỷ USD mỗi năm từ xuất khẩu lương thực thực phẩm, trong đó mặt hàng nông sản hữu cơ chiếm ưu thế.
Mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện được ứng dụng tại rất nhiều quốc gia. Trong đó, hãng tin CNN đặc biệt chú ý đến dự án Sahara Forest Project (Dự án rừng Sahara) của Qatar có trị giá 30 triệu USD nhằm cải tạo diện tích 10 héc ta đất sa mạc khô cằn tại Tunisia thuộc sa mạc Sahara để trở thành vườn rau sạch khổng lồ của thế giới. Dự án này hoạt động trên mô hình khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có ở sa mạc Sahara như ánh nắng mặt trời và nước biển để tạo ra thực phẩm sạch, nước uống và năng lượng sạch, việc làm cho người dân địa phương cũng như cung ứng nông sản xuất khẩu. Hiện tại, dự án Sahara Forest Project bước đầu thành công như mong đợi và đang được tiếp tục triển khai tại Jordan.
QUỐC HƯNG