Sáng qua 26.6, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND TP.Đà Nẵng và Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức hội thảo “Thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) và sản phẩm an toàn miền Trung - Tây Nguyên” nhằm tìm hướng phát triển nông nghiệp bền vững.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.Ảnh: V.L |
Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Tin - Vụ phó Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT) thông tin, việc ứng dụng CNC vào nông nghiệp đã được nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước áp dụng mạnh mẽ. Nhất là từ sau khi Thủ tướng Chính phủ thông qua Quyết định số 1895/QĐ-TTg về Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC ngày 17.12.2012. Riêng khu vực miền Trung - Tây Nguyên, việc triển khai chương trình phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp an toàn được các địa phương triển khai rộng khắp, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, điển hình như tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai…
Với Quảng Nam, trong vài năm gần đây đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt hiệu quả. Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết, từ năm 2000 Quảng Nam đã tiếp nhận khoa học công nghệ từ các viện, trường, doanh nghiệp sản xuất giống chuyển giao và tổ chức sản xuất thành công hạt lai F1 của lúa, bắp, trở thành một trong những địa phương đi trước và ứng dụng thành công. Một số địa phương như Hội An, Tam Kỳ, Thăng Bình, Điện Bàn, Duy Xuyên… cũng đã ứng dụng một phần CNC trong sản xuất hoa như giá thể, nhà lưới, nhà kính, tưới nhỏ giọt, phun mưa, sử dụng các chế phẩm sinh học trong ủ phân hữu cơ, phòng trừ sâu, bệnh hại. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ cũng được thực hiện trong các lĩnh vực sản xuất cây giống, chăn nuôi, thủy sản… Tuy nhiên, nổi bật nhất phải kể đến mô hình ứng dụng CNC đồng bộ tại nông trường VinEco Nam Hội An của Công ty VinEco (thuộc quần thể Vinpearl Nam Hội An của Tập đoàn Vingroup) với những thiết bị, hạ tầng nông nghiệp, được chuyển giao 100% từ nước ngoài cho phép trồng rau quanh năm.
Dù được đánh giá cao và mang lại hiệu quả thiết thực, nhìn chung các mô hình sản xuất nông nghiệp CNC vẫn chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế và những cơ hội do cách mạng khoa học công nghệ tạo ra. Theo ông Đặng Văn Hồng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đà Nẵng, TP.Đà Nẵng đã quy hoạch, phê duyệt danh mục 7 vùng thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC, diện tích quy hoạch hơn 500ha, kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực như trồng rau, hoa, nấm, cây dược liệu, chăn nuôi khép kín ứng dụng CNC, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp sạch… Nhưng nhìn chung sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC mới tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản.
Ông Lê Muộn cho rằng, nông nghiệp CNC đòi hỏi việc đầu tư phải có vốn, chủ yếu là hạ tầng, thậm chí ứng dụng công nghệ 4.0 nên chỉ có doanh nghiệp mới làm được, còn hộ nông dân rất ít người đủ khả năng. “Trung ương cần ban hành chính sách dành riêng cho nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp CNC. Đối với CNC đồng bộ (nông nghiệp tự động hóa, nông nghiệp chính xác) có cơ chế về hỗ trợ đất đai thu hút doanh nghiệp lớn có tiềm lực đầu tư. Nông nghiệp ứng dụng một phần CNC mở rộng đối tượng được hưởng lợi, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, tổ hợp tác, thậm chí hộ cá thể cùng tham gia” - ông Muộn đề xuất.
Theo ông Nguyễn Quang Tin - Vụ phó Vụ Khoa học - công nghệ và môi trường, ngày 7.3.2017, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng, lãi suất thấp hơn từ 0,5% - 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của ngân hàng thương mại nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối tháng 5.2018, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch ước đạt khoảng 40.000 tỷ đồng với 14.723 khách hàng đang có dư nợ và 14 ngân hàng thương mại tham gia chương trình. Điều đó chứng tỏ việc hỗ trợ vốn từ nhà nước ở lĩnh vực này đã và đang được triển khai mạnh mẽ.
VĨNH LỘC