Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương

KHÁNH LINH 01/12/2018 04:14

Tin liên quan

  • Đối thoại chính sách cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp
  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với thanh niên khởi nghiệp
  • Khởi nghiệp sáng tạo 4.0 - kết nối toàn cầu
  • Cần thêm những hỗ trợ cho startup khởi nghiệp công nghệ giáo dục

(QNO) - Chiều 30.11, các đại biểu tiếp tục thảo luận phiên hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam - Techfest 2018 diễn ra tại TP.Đà Nẵng.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại phiên hội thảo chuyên đề 2
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại phiên hội thảo chuyên đề 2. Ảnh: KHÁNH LINH

Tại phiên đối thoại, hầu hết ý kiến diễn giả đều thống nhất, để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của từng địa phương cần nhấn mạnh yếu tố bản địa, nhưng phải có tính cộng đồng mới có thể nuôi dưỡng tốt cho khởi nghiệp. Đặc biệt, cần phải làm việc cùng nhau, phải đầu tư cho giáo dục. Trong đó, cần có sự vào cuộc đồng bộ và mạnh mẽ của chính quyền các cấp; sự hưởng ứng của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp; phát triển hệ sinh thái địa phương gắn với các sản phẩm bản địa, sử dụng KH&CN làm đòn bẩy, làm bệ đỡ xây dựng ngành sản xuất theo chuỗi giá trị.

Chia sẻ kinh nghiệm của Đà Nẵng, ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Đà Nẵng cho biết, mặc dù hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng mới hình thành và phát triển hơn 3 năm nhưng hành lang pháp lý đã cơ bản hoàn thiện. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cũng đạt được một số kết quả nổi bật.

Đà Nẵng đã thành lập Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố, quy tụ nhiều thành viên và nguồn lực nhằm phân phối, chia sẻ mô hình phát triển hệ sinh thái. Đồng thời cũng thành lập vườn ươm doanh nghiệp (DNES) đầu tiên trong cả nước theo hình thức công - tư, sử dụng nguồn quỹ hỗ trợ của thành phố và kêu gọi được 12 doanh nhân góp vốn.

Đến nay, thành phố đã ươm tạo 50 công ty khởi nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực, 100 doanh nghiệp khởi nghiệp tự thành lập và phát triển. Nhiều công ty ươm tạo như: Hekate - ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phát triển du lịch; Zody - hoạt động trong lĩnh vực sinh học cho người tiêu dùng… đều gọi vốn thành công và cạnh tranh được với thế giới.

Trong phiên hội thảo chiều nay các đại biểu cũng đã đi tham quan các gian hàng khởi nghiệp
Trong phiên hội thảo chiều 30.11, các đại biểu cũng tham quan các gian hàng khởi nghiệp. Ảnh: KHÁNH LINH

Theo ông Dominic Mellor - chuyên gia đầu tư cao cấp, khối tư nhân và chương trình đầu tư mạo hiểm của ADB, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo chỉ hình thành khi các bên liên quan kết hợp các ý tưởng, tạo ra tác động lớn và trở thành một doanh nghiệp cụ thể. Nhưng để một doanh nghiệp thành công cần thêm các yếu tố về vốn, kiến thức trị trường, quản trị… Đặc biệt, hệ sinh thái khỏe mạnh phải bao gồm nhiều thành phần như nhà nghiên cứu, viện, trường, cơ quan quản lý, doanh nghiệp... mới có thể tạo nấc thang quan trọng của sự thành công.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Caitlin Wiesen - Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, trong hệ sinh thái khởi nghiệp thì chính sách và môi trường đóng vai trò hết sức quan trọng. Môi trường sẽ tạo không gian cho doanh nghiệp làm việc hiệu quả. Trong đó, 4 khía cạnh sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả chính là: tạo vườm ươm; tiếp cận thị trường; định chế tài chính cấp độ quốc gia và địa phương; sự hợp tác, tương tác, cộng hưởng giữa tư nhân, nhà nước và nhà đổi mới sáng tạo.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, bộ đang cùng với các địa phương chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua các cơ chế chính sách và các dự án như: Chương trình nông thôn miền núi, Đề án 844, Chương trình quốc gia phát triển các sản phẩm chủ lực địa phương…

Trong đó, việc tiếp tục đẩy mạnh các mối quan hệ đối tác toàn diện, hợp tác phát triển quốc tế, cập nhật xu thế khởi nghiệp, tận dụng được lợi thế của Việt Nam đang được quan tâm. Tuy nhiên, để làm được những điều trên, cần nhất chính là thay đổi tư duy cán bộ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố để họ nhận thấy ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo là cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

KHÁNH LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO