(QNO) - Quảng Nam và Đà Nẵng tuy phân chia địa giới hành chính từ năm 1997 nhưng giữa hai tỉnh, thành vẫn có mối quan hệ khăng khít, gắn bó về mọi mặt. Thời gian qua, hai địa phương đã tích cực thúc đẩy kết nối nhằm giải quyết các vướng mắc, tương hỗ nhau mở ra thời cơ phát triển cho cả hai bên.
Chiều 30.11, tại TP.Đà Nẵng, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội nghị hợp tác, phát triển giữa hai địa phương. Dự hội nghị, về phía Đà Nẵng có Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết; Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cùng tập thể Ban Thường vụ Thành ủy và sở ngành liên quan. Về phía Quảng Nam có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số sở ngành.
Dấu ấn tích cực
Quảng Nam và Đà Nẵng cùng nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và sở hữu chuỗi đô thị huyết mạch động lực Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An. Tháng 1.2019, UBND TP.Đà Nẵng ban hành Quyết định số 502/QĐ-UBND phê duyệt đề cương, nhiệm vụ lập hợp phần Chiến lược phát triển kinh tế thành phố đến năm 2030. Trong quá trình thực hiện, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã phối hợp với Sở Xây dựng Quảng Nam đảm bảo khớp nối không gian đô thị, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là khu vực giáp ranh.
Với vùng đô thị phát triển sôi động này, khu vực nam Đà Nẵng và bắc Quảng Nam trở thành đòn bẩy chính để nâng tầm mối liên kết giữa hai bên. Trong một không gian không rộng, Đà Nẵng và Hội An với mối tương quan lịch sử cộng với việc thiết lập kết nối điểm đến đã giúp hai địa phương hỗ trợ nhau đón khoảng 14 triệu lượt khách năm 2019.
Từ năm 2016 - 2019, TP.Đà Nẵng đã hỗ trợ Quảng Nam thực hiện chính sách an sinh xã hội với tổng số tiền 60,7 tỷ đồng. Năm 2020, Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ Quảng Nam 10 tỷ đồng nâng cấp, cải tạo nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng hỗ trợ Quảng Nam 20 tỷ đồng khắc phục thiệt hại do các đợt mưa bão vừa qua.
Đến nay hai địa phương cũng đã triển khai 8 chuỗi sản phẩm an toàn, đã cấp giấy xác nhận cho 3 sản phẩm chuỗi (thịt heo, thịt gà, trứng gà) và có 3 chuỗi sản phẩm đã kết nối tiêu thụ tại Đà Nẵng. Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho biết, Quảng Nam hiện có 136 sản phẩm OCOP, trong đó có 65 sản phẩm tiêu biểu, do đó rất cần đầu ra ổn định và mong muốn TP.Đà Nẵng tiếp tục tạo điều kiện kết nối thị trường lớn cho người nông dân. Ở chiều ngược lại, thị trường Quảng Nam là nơi tiêu thụ hàng điện tử, may mặc... rất lớn.
Từ nhu cầu về tài nguyên nước và tình hình thực tế của biến đổi khí hậu, hai địa phương cùng với cơ quan liên quan xây dựng được quy trình vận hành liên hồ chứa để điều tiết nước trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn cả trong mùa khô và mùa mưa. Từ đầu năm 2019, hai địa phương cũng đã thống nhất phương án đắp đập tạm bằng bao cát trên sông Quảng Huế để tăng lượng nước về sông Vu Gia chia sẻ cho TP.Đà Nẵng.
"Điểm nghẽn" Làng đại học Đà Nẵng, sông Cổ Cò
Dự án Làng đại học Đà Nẵng và dự án khơi thông sông Cổ Cò là hai dự án trọng điểm, có tính kết nối liên vùng và lan tỏa đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội hai địa phương. Dù đã có một số chuyển động tích cực, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn không ít bất cập, vướng mắc khiến hai dự án khó lòng hoàn thiện trong ngắn hạn.
Tháng 2.2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch 1/2.000 cho dự án Làng đại học Đà Nẵng dấy lên hy vọng về sự tái sinh của dự án. Theo PGS-TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng, đơn vị đã ký hợp đồng lựa chọn liên danh nhà thầu tư vấn của Úc và đang triển khai quy hoạch 1/500. Sau khi được bố trí nguồn 500 tỷ đồng trong năm 2020, Đại học Đà Nẵng đã chuyển quận Ngũ Hành Sơn 400 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng dự án thuộc địa phận Đà Nẵng.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam, hiện nay phía Đại học Đà Nẵng vẫn chưa tiến hành cắm mốc cho dự án ở phía địa phận Quảng Nam nên thị xã Điện Bàn đang rất lúng túng trong việc bảo vệ hiện trạng khoảng 190ha. Hiện UBND tỉnh cũng đã giao Sở Xây dựng quy hoạch một khu tái định cư lớn để phục vụ giải phóng mặt bằng, nên đề nghị Đại học Đà Nẵng sớm triển khai cắm mốc để phía Quảng Nam thuận lợi trong việc quản lý hiện trạng.
Về dự án khơi thông sông Cổ Cò, đoạn qua TP.Đà Nẵng hiện đã đầu tư nạo vét sông và xây dựng 3 cầu, tuy nhiên có một số đoạn chưa hoàn chỉnh. Kế hoạch vốn bố trí năm 2020 hơn 178 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 146,7 tỷ đồng. Về phía Quảng Nam, Bộ TN-MT đã phê duyệt đánh giá tác động môi trường đoạn km0 - km14, trong đó yêu cầu chưa tháo dỡ đập Hà My, tuy nhiên việc nạo vét toàn tuyến thuộc địa phận Quảng Nam vẫn chưa thể khởi động.
Lãnh đạo TP.Đà Nẵng đề nghị Quảng Nam tiếp tục thúc đẩy tiến độ dự án khơi thông sông Cổ Cò, chấp nhận phối hợp tìm hướng giải quyết vấn đề nhiễm mặn khi nạo vét nhằm khớp nối mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động du lịch của hai địa phương trong thời gian sớm nhất có thể.
Hành động cho tương lai
Với thế mạnh du lịch đã được khai thác rất tốt trong thời gian vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhận định: "Liên kết giữa hai địa phương, thậm chí là liên kết vùng và với Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đã có rồi nhưng chúng ta phải xây dựng ngay kế hoạch hành động ít nhất trong vòng 3 năm tiếp theo. Vấn đề thúc đẩy kinh tế đêm cũng phải làm rõ, cụ thể nội dung nào cần xin ý kiến Chính phủ cho thí điểm thì mạnh dạn xin".
Qua khảo sát, lãnh đạo TP.Đà Nẵng cũng đồng ý đề xuất hỗ trợ kinh phí xây dựng cầu Quảng Đà qua sông Yên nối xã Điện Tiến (Điện Bàn) với xã Hòa Khương (Hòa Vang), dự kiến tổng kinh phí khoảng 140 tỷ đồng. Hai bên thống nhất việc dự án hình thành sẽ tạo thêm động lực phát triển cho khu vực này, trong đó phía Đà Nẵng đề nghị Quảng Nam quyết liệt triển khai các hợp phần liên quan khớp nối một khi Đà Nẵng tập trung nguồn lực để xây dựng cây cầu.
Theo Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, đề xuất duy trì việc các tuyến buýt liền kề từ Quảng Nam vào sâu trong nội thành Đà Nẵng đến hết quý I.2021 là không khả thi bởi ảnh hưởng lớn đến văn minh đô thị, an toàn giao thông, nhất là khi Đà Nẵng cũng đã chia sẻ và trì hoãn quyết định cấm xe buýt liền kề vào nội thành khá lâu.
Trên lĩnh vực tài nguyên - khoáng sản, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho biết: "Quảng Nam hiện có trữ lượng khoáng sản, lâm sản rất lớn nên tình trạng tận thu, khai thác chui diễn ra nhức nhối. Vì vậy đề nghị lực lượng chức năng của Đà Nẵng tăng cường phối hợp truy xuất nguồn gốc cát, gỗ... góp phần vào việc quản lý tài nguyên liên vùng giúp hai địa phương phát triển bền vững".
Trong khi đó, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị, để các mối liên kết, hợp tác đạt hiệu quả cao và đi vào thực chất hơn nữa thì Ban Thường vụ hai địa phương cần thường xuyên phối hợp, trực tiếp đôn đốc các đơn vị chuyên môn triển khai 14 nội dung công việc đã thống nhất.