Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

TRỊNH DŨNG 26/02/2014 10:32

Kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lên khoảng 12 - 14% năm 2014 liệu có khả thi khi nền kinh tế vẫn trong trong tình trạng khó khăn?

Tăng trưởng thấp

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Quảng Nam, trần lãi suất huy động Việt Nam chỉ còn ở mức 7%/năm, các tổ chức tín dụng (TCTD) tại địa bàn đã áp dụng lãi suất cho vay cho 5 lĩnh vực ưu tiên, phổ biến ở mức 9%/năm (ngắn hạn) và 10 - 12%/năm (trung và dài hạn). Một số ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi cũng chỉ ở mức 7,8 - 9%/năm. Ngoài ra, các khoản vay phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho vay tiêu dùng được áp dụng mức lãi suất phổ biến từ 10 - 11%/năm (ngắn hạn) và từ 12 - 13%/năm (trung và dài hạn). Điều đó có nghĩa là lãi suất cho vay đã giảm khoảng từ 3 - 5%/năm, trở về mức lãi suất giai đoạn 2005 - 2006. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn quá thấp. Tổng dư nợ cho vay cuối năm 2013 tại Quảng Nam chỉ đạt khoảng 23.887 tỷ đồng, tăng 7,7% (dư nợ ngắn hạn chiếm 40,17% và trung, dài hạn chiếm 59,835) và tiến trình tăng trưởng tín dụng vẫn chưa tăng được điểm % nào sau gần 2 tháng đầu năm 2014.

Các ngân hàng vẫn thận trọng khi thẩm định hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp.  (ảnh có tính minh họa)                                                    Ảnh: T.D
Các ngân hàng vẫn thận trọng khi thẩm định hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp. (ảnh có tính minh họa) Ảnh: T.D

Các ngân hàng thương mại cho rằng lãi suất cho vay đã giảm, song ngân hàng vẫn đọng vốn do chưa tìm được khách hàng đủ điều kiện vay vốn và nhiều doanh nghiệp vướng vào nợ xấu, hoạt động cầm chừng… Có thể nhận định việc tăng trưởng dư nợ của các TCTD trên địa bàn không như kỳ vọng là do sức hấp thụ của nền kinh tế thấp khi tổng cầu vẫn yếu. Các doanh nghiệp không có đầu ra, lượng hàng tồn kho tăng cao, hoặc doanh nghiệp giảm bớt chi phí và một số doanh nghiệp lớn đã tranh thủ tận dụng được các nguồn tài chính giá rẻ nên giảm được vốn vay từ ngân hàng… Còn các TCTD luôn trong tình trạng đối mặt với rủi ro tín dụng nên cũng đã thận trọng hơn trong cho vay. Nhất là trong điều kiện doanh nghiệp đang còn gặp nhiều khó khăn, nợ xấu còn cao. Sự bất cập, chồng chéo trong khuôn khổ pháp lý liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo và sự thiếu minh bạch, đầy đủ về thông tin của doanh nghiệp lẫn ngân hàng đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy của vốn tín dụng. Thực tế là dù có nhu cầu tăng trưởng tín dụng nhưng các TCTD không vì thế mà hạ chuẩn cho vay. Họ vẫn luôn phải đảm bảo chất lượng tăng trưởng, luôn rà soát và tăng cường công tác thẩm định hồ sơ dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá xếp hạng tín dụng chặt chẽ theo quy định.

Nỗi ám ảnh tăng trưởng tín dụng âm là điều có thực đã khiến các ngân hàng lo lắng. Ông Nguyễn Quang Việt - Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương - chi nhánh Quảng Nam nói hoạt động ngân hàng ngày càng không dễ. Áp lực trên lẫn dưới. Kinh doanh hiệu quả, đủ lương cho cán bộ, nhân viên và đáp ứng điều kiện tăng trưởng kinh tế ngày càng khó. “Xử lý nợ và phá sản khó. Doanh nghiệp phá sản, khó khăn hoạt động cầm chừng. Thu nợ thì không được. Làm không chuẩn là “lên đường” (mất chức, mất việc) ngay” - ông Việt nói.

Kế hoạch tăng trưởng

Bà Lưu Thị Thảo, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Quảng Nam cho biết, năm 2014 sẽ mở rộng tín dụng hiệu quả, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; ưu tiên vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa… Cần tăng trưởng tín dụng để tăng đầu tư xã hội. Dự kiến sẽ phấn đấu đạt tăng trưởng tín dụng từ 12 - 14% và tăng hiệu quả sử dụng vốn, lãi suất cho vay phù hợp hơn với từng doanh nghiệp và “sức khỏe” ngân hàng. Hiện các ngân hàng thương mại đã ồ ạt khuyến mãi các gói cho vay để kích thích tăng trưởng. Ông Huỳnh Tánh - Giám đốc MB Quảng Nam nói hướng về phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng cá nhân nên có tăng trưởng dương. Tuy nhiên cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cụ thể hóa Luật Đất đai, động viên doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, nhất là ngành dệt may, chế biến nông lâm hải sản, trồng và chăm sóc rừng. Tiến trình này nhanh hay chậm là do việc bơm vốn của các ngân hàng!

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, với tình trạng nền kinh tế còn khó khăn thì dù lãi suất có 10% hay 8%/năm thì doanh nghiệp cũng sẽ không dám vay vì làm gì làm ra từng ấy phần trăm lợi nhuận, sau khi trừ mọi chi phí khác, để trả lãi ngân hàng? Hiện chưa có một thống kê nào cho thấy còn bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp còn lợi nhuận. Còn với doanh nghiệp thua lỗ do sản phẩm tồn kho chất đống, tình hình tài chính xấu thì ngân hàng nào dám cho vay? Vì vậy, để đạt được con số tăng trưởng theo kế hoạch, chỉ còn một cách là các ngân hàng không nên “ngã giá” lãi suất với doanh nghiệp mà phải cứu trợ họ trước tiên. Các ngân hàng phải mạnh dạn xóa nợ, khoanh, giãn một phần nợ, đồng thời cho những doanh nghiệp có hàng tồn kho cao như xi măng, gạch ngói, sắt thép, dệt vải, hóa chất… vay với lãi suất thấp để giúp họ tiêu thụ.

Tăng trưởng tín dụng chỉ có ý nghĩa thật sự khi doanh nghiệp với tay được đến đồng vốn lãi suất thấp và không hoặc tạm thời không còn bị ám ảnh bởi các khoản nợ đang tồn tại. Nhưng đó cũng chỉ là lý thuyết, bởi một vấn đề đáng lo ngại hiện nay là các ngân hàng không còn tin tưởng vào người đi vay thì dù Ngân hàng Nhà nước có bơm tiền hay hạ lãi suất huy động cũng không có nghĩa là ngân hàng dám cho vay nhiều hơn, với lãi suất thấp hơn. Đơn giản vì họ thấy các khoản vay trở nên rủi ro hơn, áp lực duy trì bảo toàn vốn và xử lý nợ xấu lớn hơn. Các ngân hàng buộc phải chọn cách giữ nhiều dự trữ và thận trọng hơn. Khi đó nguồn cung vốn giá rẻ ra thị trường sẽ khan hiếm, dù lãi suất huy động được đẩy xuống thấp. Mặt khác, về phía cầu tín dụng, những doanh nghiệp còn khỏe mạnh và thận trọng cũng không có nhu cầu đi vay mở rộng hoạt động. Nếu không giải quyết được bài toán “lùng bùng” này thì tăng trưởng tín dụng 12 - 14% cũng sẽ không khả thi.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO