Tại Phủ Thủ tướng Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tiến hành hội đàm, cùng nhau trao đổi và thống nhất nhiều biện pháp cụ thể nhằm thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống, đẩy mạnh hợp tác toàn diện quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ đi vào thực chất trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, dầu khí, giáo dục - đào tạo, công nghệ thông tin, phát thanh truyền hình và văn hóa.
Thủ tướng Ấn Độ ra tận xe đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân |
Đây là chuyến thăm chính thức Ấn Độ thứ 2 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên cương vị Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ đang mở rộng trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ và hợp tác quốc phòng, an ninh. Mặc dù phát triển khá tích cực nhưng quy mô hợp tác, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn còn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp và tiềm năng của hai nền kinh tế năng động. Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm thúc đẩy hợp tác toàn diện quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng duyệt đội danh dự. |
Thủ tướng Narendra Modi nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Ấn Độ; tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Thủ tướng Narendra Modi khẳng định: Chính phủ Ấn Độ mới thành lập đã nhanh chóng tăng cường quan hệ với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đây là khu vực có vai trò quan trọng đối với tương lai của Ấn Độ. Việt Nam là trụ cột trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Narendra Modi khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam và Ấn Độ luôn coi trọng việc giữ gìn và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác Đối tác chiến lược giữa hai nước. Ấn Độ đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam trong ASEAN và khu vực. Việt Nam khẳng định ủng hộ Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ đối với khu vực Đông Nam Á, cũng như ủng hộ vai trò ngày càng quan trọng của Ấn Độ ở trong khu vực và trên thế giới.
Hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục thúc đẩy các chuyến thăm và tiếp xúc trên tất cả các cấp, các kênh và giao lưu nhân dân; phát huy hơn nữa hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương như Uỷ ban Liên Chính phủ, Đối thoại chiến lược, Tham khảo Chính trị, Đối thoại Quốc phòng, Đối thoại An ninh…
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Chúng tôi nhất trí mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ USD vào năm 2020 và phấn đấu ẽ đtạ cao hơn; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trên những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như dầu khí, năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, hóa chất, phân bón, dược phẩm, chế biến nông sản...Ấn Độ nhất trí sẽ tăng cường giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất của Việt Nam, nhất là ngành dệt may. Việt Nam cam kết sẽ tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình “Sản xuất tại Ấn Độ” của Ngài Thủ tướng Ấn Độ”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Narendra Modi họp báo. |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Narendra Modi nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác cụ thể trong lĩnh vực quốc phòng an ninh, một trụ cột quan trọng của Đối tác chiến lược hai nước; tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hóa giáo dục, kết nối về hàng không và hàng hải, du lịch và giao lưu nhân dân.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai Thủ tướng cũng khẳng định tiếp tục phối hợp hiệu quả và chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như hợp tác ASEAN - Ấn Độ, Hội nghị Cấp cao Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, Phong trào Không liên kết và Liên hợp quốc. Hai Thủ tướng nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông DOC, sớm xây dựng và hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử COC.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh: “Chúng ta có rất nhiều mối quan tâm và lợi ích chung về an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải. Hai nước chúng ta đều tin tưởng chắc chắn rằng, để thúc đẩy hơn nữa hợp tác về thương mại thì tự do an toàn hàng hải và giao thông trên biển không nên bị cản trở. Bên cạnh đó, chúng ta cần nỗ lực duy trì an ninh trong khu vực để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế giữa hai nwocs, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao lập trường của Ấn Độ về vấn đề Biển Đông và việc Ấn Độ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thăm dò, khai thác dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông.
Hai Thủ tướng chứng kiến Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Đăng Tiến cùng ông Sheheryar, Tổng Giám đốc Hãng PTTH công Prasar Bharati ký kết bản ghi nhớ về hợp tác trao đổi, sản xuất các chương trình phát thanh truyền hình. |
Kết thúc hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chứng kiến lễ trao các văn kiện thỏa thuận hợp tác giữa hai nước, đó là Biên bản ghi nhớ về Trường Đại học Nalanda; Biên bản ghi nhớ về Bảo tồn và Trùng tu các công trình kiến trúc Chàm tại Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam; Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Trung tâm Tiếng Anh và Đào tạo Tin học tại Trường Đại học Thông tin liên lạc tại Nha Trang; Chương trình trao đổi Văn hóa giai đoạn 2015 – 2017; Thỏa thuận khung hợp tác tại Việt Nam và Ấn Độ giữa Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí với các đối tác Ấn Độ. Ngân hàng Nhà nước ta đã trao giấy chấp thuận về nguyên tắc việc Ngân hàng Ấn Độ mở chi nhánh hoạt động tại Việt Nam.
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Đăng Tiến cùng ông Sheheryar Tổng giám đốc Hãng Phát thanh truyền hình công Prasar Bharati đã trao bản ghi nhớ về hợp tác trao đổi, sản xuất các chương trình phát thanh truyền hình, đào tạo và tham gia tổ chức các sự kiện quan trọng của hai nước. Với các văn kiện hợp tác cụ thể này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tin tưởng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ sẽ phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
(Theo Thành Chung/VOV)