Thúc đẩy tương tác du lịch di sản vật thể với phi vật thể

HÀ SẤU 12/02/2023 07:44

Du lịch di sản là thế mạnh của Quảng Nam và khơi gợi tương tác, kích thích sáng tạo giữa di sản vật thể với phi vật thể là lối đi để nâng cao giá trị gia tăng ở loại hình này.

Trình diễn nghệ thuật tại Khu đền tháp Mỹ Sơn nhằm đa dạng sản phẩm phục vụ khách. Ảnh: H.S
Trình diễn nghệ thuật tại Khu đền tháp Mỹ Sơn nhằm đa dạng sản phẩm phục vụ khách. Ảnh: H.S

Khai thác chiều sâu văn hóa bản địa

Cách đây ít ngày, cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành (phường Cẩm An, TP.Hội An) nhận được giải thưởng du lịch ASEAN 2023 ở hạng mục giải thưởng du lịch cộng đồng.

Đây là một minh chứng rõ nét nữa về việc sáng tạo, lồng ghép các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể ở một làng chài ven biển để đưa nơi này trở thành một “điểm sáng” của du lịch Hội An chỉ sau vài năm triển khai.

Lễ hội Nguyên tiêu Hội An vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ lâu cũng đã trở thành một điểm nhấn du xuân hấp dẫn khi về với phố cổ.

Tết Nguyên tiêu được tích hợp tổ chức ở các hội quán, chùa chiền hàng trăm năm tuổi vốn là các điểm du lịch với các hoạt động ý nghĩa, bắt trúng nhu cầu, tâm lý của du khách như cầu an, xin xăm…

Trong một không gian như Khu phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn hay các làng dệt vùng cao, ngoài các di tích nhà cổ, đền tháp, nhà truyền thống… điều mà du khách lý thú là họ được trải nghiệm thêm nhiều loại hình di sản phi vật thể đặc sắc như hô hát bài chòi, múa Apsara, điệu tâng tung da dá…

Bà Phạm Thanh Hường - Trưởng Ban Văn hóa - xã hội, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho rằng, những năm qua Quảng Nam và đặc biệt Hội An là một trong những địa phương rất năng động, tích cực lồng ghép yếu tố di sản vật thể và phi vật thể vào hoạt động du lịch. Khi loại hình này được đẩy mạnh thì cộng đồng chính là đối tượng được hưởng lợi lớn và văn hóa bản địa có thêm nền tảng để bảo tồn, phát triển bền vững.

“Quảng Nam có một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trải dài từ tây sang đông, không chỉ đồ sộ về quy mô mà còn rất sâu sắc đại diện đặc trưng cho nhiều cộng đồng, vùng miền.

Khi rà soát các chất liệu về văn hóa này chúng ta đủ căn cứ để tận dụng, khai thác, thu lại thành quả từ hoạt động du lịch, từ đó tái đầu tư vun đắp cho chính các giá trị văn hóa đó” - bà Hường chia sẻ.

Hài hòa hai yếu tố vật thể, phi vật thể

Một khảo sát của nhà nghiên cứu đến từ Trường Đại học Quảng Nam tại làng rau Trà Quế (Hội An) cho thấy, mức độ tham gia các hoạt động trải nghiệm du lịch của du khách không cao khi số lượng không tham gia hoặc chỉ tham gia một phần các quy trình như: trồng rau, cấy lúa, nấu rượu, cưỡi trâu… chiếm tỷ lệ khá lớn.

Lễ hội Nguyên tiêu Hội An là một trong những hoạt động có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố vật thể và phi vật thể. Ảnh: H.S
Lễ hội Nguyên tiêu Hội An là một trong những hoạt động có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố vật thể và phi vật thể. Ảnh: H.S

Có khoảng 26% du khách cho rằng dịch vụ ở Trà Quế chưa đáp ứng được yêu cầu của họ. Đó phải chăng là lý do khiến điểm đến này dần mất sức hút trong vài năm gần đây? Trong khi đó, hiện các yếu tố di sản vật thể đi cùng với sự tồn tại của làng rau Trà Quế như đình làng, đầm rong, giếng đá Chămpa, mộ thương nhân Nhật Bản… vẫn còn khoảng cách bỏ ngỏ với khách du lịch.

Ông Nguyễn Đức Minh - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng, các di tích tín ngưỡng bao giờ cũng mang hai yếu tố. Thứ nhất bản thân nó là di tích lịch sử - văn hóa, thứ hai nó thể hiện yếu tố phi vật thể rất rõ. Có thể nói cả hai yếu tố trên là chất liệu rất tốt để cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cũng như doanh nghiệp du lịch nghiên cứu, tổ chức sản phẩm du lịch phù hợp.

Qua các chuyến famtrip khảo sát điểm đến mới của Quảng Nam trong năm 2022, ý kiến từ nhiều đơn vị lữ hành cho rằng cần có sự cân bằng trong việc cung cấp trải nghiệm di sản vật thể và phi vật thể.

Đơn cử như làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước) là một điểm đến tốt nhưng cần cung cấp thêm cho khách những trải nghiệm sinh động về văn hóa phi vật thể đặc trưng của làng.

Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, thực ra vốn liếng di sản chính là “cơ hội vàng” cho những cư dân bản địa sáng tạo để thúc đẩy du lịch.

“Mỗi di tích, làng nghề ở Quảng Nam đều chứa đựng giá trị lớn về văn hóa, lịch sử. Cái hay là có nhiều di tích, làng nghề gắn thành từng cụm, tạo ra tài nguyên quý giá để lồng ghép phát triển du lịch. Khi xu thế người đi du lịch ngày càng mong muốn tạo ra, để lại giá trị nhân văn cho điểm đến mình tới thì loại hình này càng có lợi thế để phát triển” - ông Thanh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thúc đẩy tương tác du lịch di sản vật thể với phi vật thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO