(QNO) - Các chuyên gia y tế thế giới lo ngại biến thể Delta của vi rút SARS-CoV-2 đe dọa nỗ lực dập tắt dịch bệnh tại nhiều quốc gia. Tiêm chủng vắc xin Covid-19 vì thế càng trở nên quan trọng hơn.
Ngày 22.6, tiến sĩ Anthony Fauci - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ khẳng định biến thể Delta (B.1.617.2) của vi rút SARS-CoV-2 hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với nỗ lực chấm dứt đại dịch Covid-19 tại Mỹ.
Đặc biệt, việc lây nhiễm biến thể Delta diễn ra nghiêm trọng hơn đối với người chưa tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Hiện 20,6% các trường hợp mới ở Mỹ là do biến thể Delta.
Châu Âu cũng kêu gọi người dân và cơ quan chức năng thận trọng hơn khi biến thể Delta được xác định là nguyên nhân khiến ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh trở lại. Theo Financial Times, biến thể Delta hiện chiếm tới 96% các ca lây nhiễm theo chuỗi tại Bồ Đào Nha, hơn 20% tại Ý, khoảng 16% tại Bỉ, hay đến 99% số ca nhiễm mới tại Anh.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết biến thể Delta ban đầu được phát hiện ở Ấn Độ vào cuối năm ngoái, hiện trở thành một trong những chủng vi rút SARS-CoV-2 phổ biến trên toàn cầu nếu không muốn nói là đáng lo ngại nhất.
Đến nay, biến thể Delta được ghi nhận lan rộng tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ với tốc độ báo động.
Nhà dịch tễ học Tony Blakely từ Đại học Melbourne (Australia) nhận định: "Biến thể Delta thay đổi hoàn toàn cuộc chơi. Tiêm chủng càng trở nên quan trọng hơn".
Tiến sĩ Mike Ryan - Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO cảnh báo, biến thể Delta lây lan nhanh, dễ dàng hơn, có khả năng gây tử vong cao hơn, khiến nó trở thành biến thể nguy hiểm nhất hiện nay.
Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù các loại vắc xin hiện nay ít hiệu quả hơn với biến thể Delta so với các biến thể khác của SARS-CoV-2, song vẫn ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng và tử vong.
Như 2 liều vắc xin Covid-19 cung cấp 81% khả năng bảo vệ chống lại biến thể Delta (so với 87% bảo vệ chống lại biến thể Alpha). Một liều vắc xin chỉ cung cấp 33% bảo vệ chống lại Delta (so với 51% chống lại Alpha).
Trong khi đó, ngày 22.6, Đại học Oxford (Anh) tuyên bố kết luận nghiên cứu cho thấy vắc xin Covid-19 của AstraZeneca có khả năng bảo vệ người được tiêm chủng trước cả 2 biến thể Delta và Kappa.
Tương tự, vắc xin ngừa Covid-19 của hãng dược Pfizer có hiệu quả 96% và vắc xin của AstraZeneca có hiệu quả 92% trong việc ngăn ngừa nhập viện từ biến thể Delta.
Do đó, các chuyên gia kêu gọi đẩy nhanh triển khai tiêm chủng đầy đủ có tác dụng chống lại chủng Delta, ít nhất là ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng.
Viện Nghiên cứu Gamaleya - nhà sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 Sputnik V của Nga vừa cho biết viện sẽ sớm sản xuất một loại vắc xin được điều chỉnh, có thể tiêm nhắc ngay cả với người đã được tiêm các loại vắc xin khác để tăng khả năng miễn dịch với biến thể Delta.