Thức dậy văn hóa dân gian

LÊ QUÂN 19/11/2014 08:28

Làm thế nào để bảo tồn, phát huy và lưu truyền vốn văn hóa dân gian (VHDG) là điều thu hút khá nhiều sự quan tâm tại hội thảo “Bảo tồn và phát huy VHDG thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hôm qua 18.11.

“Đưa vào học đường” là một trong những cách làm hiệu quả mà Duy Xuyên đang thực hiện để bảo tồn văn hóa dân gian.  Trong ảnh: Buổi biểu diễn báo cáo chương trình Sân khấu học đường ở Duy Xuyên. Ảnh: LÊ QUÂN
“Đưa vào học đường” là một trong những cách làm hiệu quả mà Duy Xuyên đang thực hiện để bảo tồn văn hóa dân gian. Trong ảnh: Buổi biểu diễn báo cáo chương trình Sân khấu học đường ở Duy Xuyên. Ảnh: LÊ QUÂN

Lãng quên điều xưa cũ

Khá nhiều ý kiến đồng tình rằng nguồn VHDG Quảng Nam đang bị tác động bởi nhiều thách thức của thời đại mới. “Vào thời điểm giao thời giữa văn hóa xưa và nay, VHDG Quảng Nam đang có những khoảng trống vì cái xưa bị lãng quên, còn cái nay lại chưa định hình rõ nét. Trong lúc đó, cuộc sống vẫn phát triển, đòi hỏi những hình thức văn hóa thích hợp. Để đáp ứng những nhu cầu đó, cộng đồng cư dân rất dễ vay mượn yếu tố văn hóa ngoại lai, thậm chí bắt chước một cách vô điều kiện” - ông Tôn Thất Hướng (cán bộ Sở VH-TT&DL) chia sẻ. Và để minh chứng cho điều này, Bí thư Huyện ủy Tây Giang - Bhriu Liếc cho hay, có một thời cộng đồng người Cơ Tu rất thích đặt tên con theo tên các diễn viên nước ngoài, điều này cho thấy văn hóa ngoại lai đã tác động, xâm nhập khá sâu vào đời sống văn hóa của đồng bào. “Có thời gian chủ trương phát triển miền núi nhanh để “tiến kịp miền xuôi”, rồi “tách hộ lập vườn”, “bám mặt tiền” để tiện bề làm ăn, phát triển. Điều này xét về quy luật thì không sai, nhưng lại vô tình phá đi cấu trúc văn hóa làng, phá đi tính cộng đồng trong văn hóa, tạo sức ỳ và thụt lùi trong phát triển. Người miền núi mất đi văn hóa làng, văn hóa rừng là mất văn hóa gốc” - ông Bhriu Liếc nói. Còn ông Dương Trinh - Trưởng phòng VHTT huyện Nam Trà My thì cho hay, ở mạn Trà My, văn hóa truyền thống cũng đang dần bị mai một như chữ viết, ngôn ngữ, trang phục pha tạp, thanh niên quay lưng với văn hóa truyền thống. Nạn buôn bán cồng chiêng, đồ cổ, các vật dụng truyền thống xảy ra rất nhiều v.v.

Đầu tư xứng tầm cho văn hóa

Sau hội thảo này, sẽ làm gì để bảo tồn VHDG? Đây là điều đặt ra cho các nhà văn hóa, nhà quản lý. Dù làm gì thì trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của VHDG - cội nguồn của văn hóa dân tộc. Chúng ta phải thực hiện tốt công tác bảo tồn, bảo tàng và làm giàu thêm vốn VHDG, để VHDG Quảng Nam tham gia vào quá trình giao lưu văn hóa. Đặc biệt, quán triệt quan điểm của Đảng về đặt ngang hàng văn hóa với kinh tế để có chương trình kế hoạch đầu tư cho văn hóa; rà soát chính sách, tạo điều kiện môi trường thuận lợi bảo tồn, phát triển VHDG; gắn xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, văn hóa gia đình, tộc họ với văn hóa làng; đẩy mạnh sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng các loại hình văn hóa truyền thống…
(Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ngô Văn Hùng)

VHDG Quảng Nam tập trung ở các hình thái văn học dân gian, phong tục tập quán tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề truyền thống, nghệ thuật, trò chơi dân gian, ẩm thực dân gian, làng nghề, các tri thức văn hóa bản địa và tri thức dân gian cổ truyền. Tích tụ khá nhiều giá trị như vậy, nhưng di sản VHDG Quảng Nam lâu nay vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng với tầm vóc của nó. Ngược lại, còn có nguy cơ mất đi nhiều giá trị bởi tính cố kết cộng đồng bị phá vỡ, không gian làng xã bị ảnh hưởng bởi tốc độ đô thị hóa, một số giá trị văn hóa bị thương mại hóa và sự thất truyền. Cánh đồng bằng, sự mất mát này thể hiện khá rõ ở việc các lễ hội văn hóa bị biến tướng, các loại hình nghệ thuật dân gian bị phôi pha. Điểm tựa để “đánh thức” nguồn vốn văn hóa này trong tương lai là các nghệ nhân và sự truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, lực lượng này đang ngày một ít đi.

Bảo tồn “không gian sống”

VHDG là một nguồn lực sống động, tuy có bề dày về thời gian tồn tại nhưng lại vô cùng mong manh, bởi lẽ phải đứng trước rất nhiều tác động. Là một nguồn di sản sống, nên buộc phải có “không gian sống”. Chính không gian này quyết định sự tồn vong của nguồn lực VHDG. Với đồng bào dân tộc thiểu số, không gian này chính là “văn hóa làng”, là sự cố kết cộng đồng chi phối toàn bộ đời sống văn hóa của tộc người bản địa. Nhưng thực tế hiện nay, văn hóa làng - văn hóa gốc của đồng bào đang bị xáo trộn, phá vỡ cấu trúc tồn tại hàng ngàn năm này. Các đại biểu tham dự hội thảo đồng tình rằng, muốn bảo tồn và lưu truyền nguồn VHDG ở vùng đồng bào miền núi, điều đầu tiên là phải khôi phục, bảo tồn văn hóa làng. “Đầu tư cho làng là đầu tư cho tận người dân, giữ được những văn hóa từ cái nhỏ đến cái to, từ đơn giản đến phức tạp. Dân hiểu thì dân sẽ hưởng ứng, ủng hộ. Chúng tôi xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ quy hoạch nơi ở của cư dân phải gần đất sản xuất và phải đạt mục tiêu làm một lần dân ở lâu dài” - ông Bh’riu Liếc nói.

Đối với âm nhạc dân gian, nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho rằng, điều đáng tiếc nhất cho đến thời điểm này là vẫn chưa có một cuộc điều tra, sưu tầm nào về nhạc cụ, cũng như các làn điệu của VHDG miền núi. Nếu không có một cuộc điều tra, sưu tầm âm nhạc ở vùng cao thì rất khó để có thể hình thành cũng như có phương pháp bảo tồn vốn văn hóa này. Ở đồng bằng, không gian sống của các loại hình VHDG phi vật thể cũng đang ngày bị thu hẹp. Ông Tống Quốc Hưng - Phó phòng VH-TT TP.Hội An, chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị VHDG ở địa phương mình: “Cần phải xác định các di sản VHDG là đặc trưng, bản sắc của vùng miền, để từ đó có cách thức huy động cộng đồng cùng tham gia bảo tồn, gìn giữ. Xã hội hóa các hoạt động bảo tồn, lồng ghép hình thái sinh hoạt VHDG vào chương trình giáo dục và mở lớp dạy nhạc cụ dân tộc như cách thức Hội An, Duy Xuyên đang làm là cách tốt nhất để khơi gợi lòng yêu VHDG truyền thống ở thế hệ trẻ. “Bảo tồn sống” các loại hình văn hóa phi vật thể ngay trong chính đời sống cộng đồng là một thách thức buộc những ai muốn bảo tồn VHDG phải làm cho bằng được”.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thức dậy văn hóa dân gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO