Ăn gạo lức muối mè - một trong 10 cách thực dưỡng - của Giáo sư Ohsawa (Nhật Bản), là một phương pháp tốt cho sức khỏe (đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận), nhưng không phải ai cũng dùng được, cũng không thể áp dụng một cách tùy tiện thiếu hướng dẫn chặt chẽ của các thầy thuốc.
Sau một trận đau đến mức phải nằm viện với đủ các loại bệnh tuổi già, theo lời khuyên của bạn bè và từ các thông tin khoa học tự khai thác trên internet, cha vợ của tôi đã áp dụng chế độ ăn kiêng, đến nay đã được 5 năm. Thực đơn của ông rất đơn giản: cả ba bữa chính chỉ ăn cơm gạo lức với thức ăn duy nhất là muối mè; thi thoảng ông mới ăn thêm một chén canh rau sau bữa ăn. Thấy cha ăn uống kiêng khem, con cháu trong nhà ai cũng lo. Qua tìm hiểu, mới hay chuyện ăn cơm gạo lức theo công thức được gọi là “thực dưỡng” bây giờ rất phổ biến, không chỉ các cụ cao niên mà cả những người 45 - 50 tuổi cũng áp dụng. Trong đó, có người ăn đủ 3 bữa trong ngày, có người chỉ ăn gạo lức một bữa sáng, 2 bữa còn lại ăn uống bình thường. Cụ ông Nguyễn Diêu, 81 tuổi, ở xã Quế Ninh (Nông Sơn), có thâm niên 4 năm ăn cơm gạo lức, cho biết từ khi ăn cơm gạo lức thì cảm thấy “nhẹ người” hẳn ra, các bệnh về tiêu hóa cũng không thấy xuất hiện nữa.
Ăn gạo lức muối mè là một trong 10 cách thực dưỡng của Giáo sư Ohsawa (Nhật Bản). Chỉ ăn ròng gạo lứt muối mè sau giai đoạn thông qua tác dụng giải độc cho cơ thể nên hạ mỡ máu, điều chỉnh lượng đường huyết, giảm axit uric… thì sẽ dẫn đến rối loạn dinh dưỡng do thiếu: đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất (canxi, sắt, kẽm …), chất xơ… Một số người bị rối loạn kinh nguyệt, suy nhược trầm trọng, thiếu máu… thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Đối với người bệnh do thiếu ăn, thiếu bổ dưỡng, già yếu, quá suy nhược cần hết sức thận trọng. Chính Ohsawa đã chỉ ra 7 điều kiện của sức khỏe là: không bao giờ cảm thấy mệt nhọc, ăn thấy ngon, ngủ ngon, trí nhớ tốt, tính tình vui vẻ, nhu hòa nhẫn nhục và không nói dối. Nếu chúng ta dùng phương pháp của ông mà không cải thiện 7 điều ông đã chỉ ra thì cần xem lại. (Bác sĩ Lê Thân - Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) |
Để biến gạo lức thành cơm, không kể hai công đoạn vo và ngâm, chỉ riêng việc đun nấu đã rất tốn thời gian. Theo kinh nghiệm dân gian, cơm gạo lức phải nấu bằng nồi đất, nồi đồng hoặc nồi nhôm dày, nấu trên bếp lửa củi. Khi nấu người nội trợ phải đổ nhiều nước, giữ cho lửa lúc nào cũng liu riu. Nấu vừa sôi thì ngâm cỡ nửa tiếng cho gạo mềm, rồi mới tiếp tục nấu. Các chuyên gia thực dưỡng đều khuyên khi ăn cơm gạo lức nên nhai kỹ cho đến khi bột gạo trong miệng chuyển hóa ra vị ngọt như đường, hạt cơm tan hoàn toàn thành nước, không cần nuốt mà “cơm” tự trôi qua thực quản xuống dạ dày. Theo cụ Võ Văn Cảnh ở xã Điện Trung (Điện Bàn), do tốn quá nhiều thời gian để nấu và ăn nên “thực dưỡng” với gạo lức hầu như chỉ hợp với người già rảnh rỗi và những người kiên nhẫn. Theo ông Nguyễn Nhung - nguyên Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi Quảng Nam, hiện tại Hội Giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam đang triển khai thí điểm chương trình tư vấn, chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại một số tỉnh, thành phố; trong đó Quảng Nam có 2 địa phương là Điện Bàn và Đại Lộc. Và, một trong những nội dung của chương trình này là tư vấn, hướng dẫn “thực dưỡng”, trong đó có “thực dưỡng” với gạo lức.
BẢO ANH