Thức giấc Cổ Cò

28/04/2018 07:48

Sơ khởi từ sau ngày chia tách tỉnh, dự án khai thông sông Cổ Cò đã kéo dài gần 20 năm. Qua bao bồi lắng thời gian, khát vọng kết nối Hội An và Đà Nẵng bằng đường thủy đang dần hiện thực với quyết tâm thông dòng Cổ Cò vào cuối năm 2020 của lãnh đạo hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng.

Quảng Nam đã khơi thông hơn 9km đoạn qua Hội An.
Quảng Nam đã khơi thông hơn 9km đoạn qua Hội An.

KHẮC KHOẢI DÒNG SÔNG

Hơn 15 năm chỉ là cái “chớp mắt” so với lịch sử của Lộ Cảnh giang huyền thoại (sông Cổ Cò bây giờ) nhưng là quãng thời gian ách tắc của dự án khơi thông con sông này.

Tiềm năng lớn

Theo nhiều tài liệu để lại, khoảng từ cuối thế kỷ 19 trở đi sông Cổ Cò đã không còn bóng dáng các tàu buôn hiện diện. Dòng sông từng một thời đóng vai trò thông thương đường thủy Đà Nẵng - Hội An với nhộn nhịp “trên bến dưới thuyền” này bị bồi lấp, đứt gãy thành nhiều đoạn. Từ đó đến nay, phần lớn thời gian trong năm Cổ Cò chỉ còn là một con lạch, thậm chí có đoạn (qua thị xã Điện Bàn) nhiều người còn tưởng là một bãi lầy hoang không canh tác lâu ngày bởi lục bình, cỏ dại phủ kín con sông. Theo TS. Nguyễn Hồng Ngọc - Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đà Nẵng và Hội An có những thế mạnh riêng của mình nhưng nếu tự tồn tại riêng rẽ thì không thể phát huy hết tiềm năng được. Lời giải cho bài toán này chính là kết nối giữa Đà Nẵng và Hội An để vừa hấp thu áp lực phát triển cho Hội An vừa là động lực kinh tế cho Đà Nẵng và không nơi nào thích hợp hơn bằng vùng ven sông Cổ Cò.

Được biết, trong các bản quy hoạch của Đà Nẵng và Quảng Nam khoảng 15 năm trở lại đây đều đề cập vai trò của tuyến sông Cổ Cò. Trong hai năm 2004 và 2005, TP.Đà Nẵng đã lập quy hoạch chi tiết bình đồ tuyến sông với chiều rộng 80 - 120m. Về phía Quảng Nam, trong quy hoạch chung khu đô thị mới Điện Bàn đến năm 2020 tầm nhìn 2030 cũng ghi nhận vai trò của dòng sông này bằng việc giải phóng những phần đất đã đắp ven hồ sen của các dự án đô thị để trả lại mặt nước cho dòng sông. TS-KTS. Trương Văn Quảng - Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cho rằng, ngoài các tuyến giao thông đường bộ trong vùng thì 3 hệ thống khung chính để phát triển đô thị Điện Bàn chính là bờ biển, sông Vĩnh Điện và sông Cổ Cò nên việc nạo vét, khơi thông dòng sông này là hết sức cần thiết và càng sớm sẽ càng có lợi cho việc định hình bản sắc đô thị của Điện Bàn.

Nhiều ách tắc

Từ những năm đầu của thế kỷ 21, khi TP.Đà Nẵng bắt đầu công cuộc chuyển mình còn thương hiệu du lịch Hội An cũng tạo được chỗ đứng với du khách thập phương thì ý tưởng “hồi sinh” con sông Cổ Cò cũng manh nha hình thành. Năm 2003, ý tưởng này bắt đầu đi vào hiện thực với việc khảo sát và lập dự án sau khi chính quyền hai địa phương bắt tay nhau chủ trương khơi thông con sông. Cứ thế, mỗi khi dự án này tưởng như đi vào ngõ cụt thì Quảng Nam và Đà Nẵng tại cố gắng cứu vãn bằng những cuộc trao đổi nhằm tìm giải pháp tháo gỡ. Tuy vậy con sông vẫn “ngủ yên” qua hàng chục cuộc họp bàn theo năm tháng. Những hy vọng thêm một lần được thắp lại vào đầu năm nay khi Đà Nẵng và Quảng Nam đang triển khai những công việc của mình với sự tiếp sức từ Trung ương.

Từ đầu tháng 3 năm nay, UBND TP.Đà Nẵng đã thông qua công tác triển khai các hạng mục của dự án khơi thông sông Cổ Cò. Theo đó, các hạng mục nạo vét lòng sông, kè gia cố dọc sông, cải tạo cảnh quan các tuyến đường ven sông, nâng cấp cầu Biện đều đã được giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thực hiện. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết: “Sự phối hợp đồng bộ của hai địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc triển khai dự án nên thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai dự án phải phối hợp chặt chẽ với phía Quảng Nam để tránh chồng lấn khi thực hiện dự án”. Trước đây, phía Đà Nẵng cũng đã tiến hành khơi thông nên khoảng 9km đoạn sông chảy qua địa phận thành phố hầu như không còn bị tắc. Còn về phía Quảng Nam, nhiệm vụ “hồi sinh” dòng Cổ Cò có phần chông gai hơn, cả về chiều dài, hiện trạng và những giá trị văn hóa, lịch sử thấm đẫm theo năm tháng của con sông này… (QUỐC TUẤN)

KẾT NỐI DU LỊCH LIÊN VÙNG

Dự án sông Cổ Cò khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở lưu vực và kéo theo sự phát triển giao thông, môi trường, bất động sản... Đặc biệt, sông Cổ Cò cũng sẽ “kết nối” du lịch hai địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới.

Ông Trần Lực – Phó Giám đốc Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng khẳng định, cùng với hệ thống giao thông đường bộ như tuyến đường ven biển, đường Lê Văn Hiến – ĐT 607, việc khơi thông dòng sông Cổ Cò sẽ tạo ra những đột phá mới về sản phẩm du lịch giữa Đà Nẵng và Hội An. “So với du lịch đường bộ, du lịch đường thủy được du khách thích thú hơn rất nhiều vì khung cảnh thiên nhiên hai bên bờ nhẹ nhàng, thơ mộng. Chưa kể, trên chuyến hành trình dọc sông Cổ Cò du khách cũng sẽ được khám phá những địa danh lịch sử, làng nghề, những khu nghỉ dưỡng cao cấp, tiện nghi” - ông Lực nhìn nhận. Thông thường, để đi từ Đà Nẵng vào Hội An theo đường sông Vĩnh Điện bằng thuyền máy với vận tốc 17km/giờ, thời gian mất khoảng 6 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, nếu theo sông Cổ Cò, dự kiến quãng đường rút ngắn còn chưa đầy 2 giờ đồng hồ, giúp doanh nghiệp lữ hành dễ dàng khai thác các tour đường sông đi về trong ngày.

Trên hành trình của mình, sông Cổ Cò soi bóng nhiều khu resort, dự án du lịch và khu đô thị hiện đại đã và đang hình thành, như khu đô thị Nam Việt Á, tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Cocobay, sân golf Montgomerie Links, sân golf VinaCapital, khu đô thị Sea View, khu đô thị Công nghệ FPT, khu đô thị Phú Mỹ An. Sông cũng chảy qua Ngũ Hành Sơn với nhiều di tích, chùa cổ… Theo ông Lê Hồ Phước Vĩnh - Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Lê Nguyễn (Hội An), hiện xu hướng khách du lịch đường sông ngày càng tăng, nhất là những sản phẩm đường thủy mới. Tại Hội An các doanh nghiệp lữ hành đưa khách tham quan đường sông đang đối diện với một thực trạng nhiều đoạn sông bị bồi lấp khiến việc triển khai tour khó khăn. “Dưới góc độ du lịch, dự án nạo vét khơi thông dòng sông Cổ Cò cũng “khơi thông” nhiều tiềm năng du lịch. Tuy nhiên, theo tôi, song hành việc khơi thông dòng sông nên cải tạo hoặc xây mới lại các cây cầu vì hiện tại những cây cầu quá thấp thuyền không thể lưu thông được” - ông Vĩnh kiến nghị. Là đơn vị chuyên tổ chức các tour du lịch đường sông, chủ yếu theo lộ trình Hội An đến Câu Lâu và xuống Cửa Đại, với ông Vĩnh, việc khơi thông dòng Cổ Cò sẽ giúp tạo ra một lộ trình và sản phẩm mới lạ, độc đáo để đa dạng hóa sản phẩm của mình.

Có thể khẳng định, lợi ích dự án khơi thông dòng Cổ Cò mang lại ngoài ý nghĩa lịch sử, dân sinh sẽ góp phần hình thành nên trục cảnh quan để bảo tồn môi trường sinh thái tự nhiên, giúp thoát lũ, đảm bảo cuộc sống người dân tốt hơn. Đặc biệt, sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản và những dự án du lịch tầm cỡ vào khu vực này, thu hút nhiều nhà đầu tư, giúp phát triển kinh tế - xã hội hai địa phương tốt hơn.

MỘT THUỞ LỘ CẢNH GIANG

Ở thời kỳ mà Hội An còn là thương cảng sầm uất bậc nhất xứ Đàng Trong (khoảng thế kỷ 16 đến thế kỷ 19), thì Lộ Cảnh giang (sông Cổ Cò) chính là con đường thông thương huyết mạch cho những thương gia nước ngoài xuôi dòng từ phố Hội ra tiền cảng Đà Nẵng và ngược lại. Lộ Cảnh giang ngày đó dập dìu những đội tàu buôn theo con nước đem hàng hóa vào Hội An giao thương rồi lại tất bật đem tơ tằm, gốm sứ, trầm hương, yến sào… của Quảng Nam ra thế giới. Nhờ đó, con sông tuy chỉ dài chưa đầy 30km này lại mang trong mình một “sứ mệnh” to lớn và rồi khi Lộ Cảnh giang ngắc ngoải cũng góp phần làm thương cảng sầm uất Hội An cũng héo hon theo.

Sách Đại Nam nhất thống chí ghi rằng: “Lộ Cảnh giang nằm ở cuối hai huyện Diên Phước và Hòa Vang. Sông này từ xã Thanh Châu chảy ra phía bắc đến phía tây núi Tam Thai (núi Non Nước bây giờ) và nhập với sông Cẩm Lệ. Ngày xưa Lộ Cảnh giang chạy dọc theo phía nam hòn Hỏa Sơn, nay dấu vết chỉ còn lại một dải nước hẹp nối liền hai đoạn sông Ba Chà và Bãi Dài ở Đà Nẵng. Nơi đây có một bến sông một thời rất đông đúc. Trên bờ, sát chân hòn Dương Hỏa Sơn có miếu ông Chài, hiện đã đổ nát trở thành phế tích theo năm tháng”. Dù rằng đến thế kỷ 19, những con tàu lớn ở hải ngoại đã không còn thông thương trên dòng sông này nhưng cảnh tượng “trên bến, dưới thuyền” vẫn còn níu kéo đến tận những năm 1940 của thế kỷ 20.

Trong câu ca dao quen thuộc “Bồng con mà bỏ vô nôi/ Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu/ Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/ Mua cau Vĩnh Điện mua trầu Hội An”, chợ Cầu theo nhiều bậc cao niên của vùng cát Điện Bàn nằm gần bến sông (thuộc khối Tân Khai, phường Điện Dương bây giờ) và tồn tại đến cuối những năm 1960. Cụ Nguyễn Thị Lộc, 90 tuổi (trú phường Điện Dương) cho biết: “Ngày nhỏ tôi vẫn thường theo mẹ ra chợ Cầu và trông thấy tàu bè chở hàng vẫn còn lững thững qua dòng Cổ Cò. Chốc chốc lại có người bẻ lái ghé vào chợ Cầu, trên thuyền có lúc ăm ắp lúa gạo nhưng đôi khi chỉ là dăm ba bó rau hành”. Sau này, chiến trận giằng co, địch cho máy bay rải thảm đánh phá ác liệt, xóa sổ luôn chợ Cầu. Rồi dòng sông dần trở nên hiu hắt, có chăng chỉ là dăm ba chiếc ghe đánh cá của vạn chài lác đác mưu sinh trên sông.

Tuy bị bồi lấp nghiêm trọng nhưng dòng Cổ Cò của thế kỷ 20 vẫn đọng lại nhiều hoài niệm trong lòng người dân địa phương. Dưới ánh trăng non mập mờ, những nam thanh nữ tú một thời từng rủ nhau đi cào rạm, hát hò khoan trên sông hay cũng từng trắng đêm thất thanh ới nhau chạy lụt lên đồi cát, trèo lên cả ngọn thông vào cơn lũ năm Thìn (năm 1964) quệt dòng nước mắt nhìn người thân, đồ đạc trôi theo cơn hồng thủy. Một số nơi người ta gọi Cổ Cò là sông Ưng, và từng đoạn “dòng sông lịch sử” này được gọi bằng những cái tên dân dã khác như Đế Võng, Hà Sấu… Người Điện Dương gọi sông là Hà Sấu là bởi trước kia ở đoạn sông qua làng Hà Lộc (Điện Dương bây giờ) có nhiều cá sấu luôn rình rập để lấy đi mạng người. Lộ Cảnh giang vì nhiều lý do của biến thiên dâu bể đã trở thành hoài niệm nhưng Cổ Cò vẫn còn đó, vẫn còn đau đáu một giấc mơ vươn mình trong tương lai. (HÀ SẤU)

QUYẾT TÂM KHƠI DÒNG

Đầu năm nay, dự án khơi dòng Cổ Cò đã được lãnh đạo hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng quyết tâm thực hiện với những bước đi cụ thể nhằm mục tiêu kết nối dòng sông vào cuối năm 2020.  

Công tác nạo vét dòng sông Cổ Cò đoạn qua Quảng Nam bị dở dang nhiều năm nay.
Công tác nạo vét dòng sông Cổ Cò đoạn qua Quảng Nam bị dở dang nhiều năm nay.

Quyết tâm thông dòng  

Với chiều dài 28km (Đà Nẵng 9 km) thời gian qua hai địa phương đã tích cực triển khai nạo vét, khơi thông dòng sông Cổ Cò. Nếu như phía Đà Nẵng đang “rộn ràng” với các dự án “khủng” kể từ khi đoạn sông Cổ Cò được khơi thông như Đà Nẵng Golf Club hay siêu dự án Cocobay… thì phía Quảng Nam cũng bắt đầu “tăng tốc” dự án. Trong số hơn 19km chảy qua địa phận tỉnh, ngoài 9km thuộc TP.Hội An đã được nạo vét khơi thông, đoạn sông qua địa phận thị xã Điện Bàn - nơi bồi lấp nặng nhất cũng đang có những tín hiệu tích cực. Ông Trần Đình Quang – Phó Trưởng ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh đã trình Chính phủ xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án, đồng thời tỉnh cũng đã giao Điện Bàn làm chủ đầu tư giải phóng mặt bằng và tái định cư đoạn 10km còn lại qua thị xã.      

Theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, sau khi được tỉnh giao làm chủ đầu tư, thị xã đã giao Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng thị xã đại diện ký hợp đồng với Trung tâm Bồi thường giải phóng mặt bằng trực thuộc Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai nhanh chóng triển khai việc giải phóng mặt bằng trên tổng diện tích 74ha, thời gian 214 ngày, bắt đầu từ ngày 5.9.2017 đến 30.8.2018, kinh phí hơn 137 tỷ đồng.

Trong hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Kết luận số 26 - KL/TUQN - TUĐN của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vừa diễn ra mới đây, lãnh đạo cao nhất của hai địa phương đều thể hiện quyết tâm khơi thông dòng Cổ Cò, xem đây như là một dự án lớn cần thiết phải được triển khai trong mối quan hệ hợp tác liên kết, hỗ trợ cùng phát triển giữa Quảng Nam và Đà Nẵng. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa khẳng định, khai thông sông Cổ Cò là một dự án lớn, quan trọng nhất, có tác động đến sự phát triển của Đà Nẵng, Quảng Nam thời gian tới, vì sông Cổ Cò không chỉ là giao thông mà còn là sự kết nối phát triển đô thị, do đó 2 địa phương cần phối hợp quy hoạch đúng tầm mới phát triển bền vững được.

Hiện Đà Nẵng đang tổng hợp các nội dung liên quan đến dự án nạo vét sông Cổ Cò, bao gồm quy hoạch chi tiết, quỹ đất dọc hai bên sông, các hạng mục đầu tư hướng đến những mục tiêu lớn hơn. Việc mở tuyến du lịch đường thủy nối Đà Nẵng với Hội An theo tuyến sông Cổ Cò hay kêu gọi xúc tiến đầu tư tuyến vận tải đường sắt nối Đà Nẵng với Hội An theo hướng dọc hành lang sông Cổ Cò cũng được hai địa phương nghiên cứu xây dựng. Ngoài ra, để triển khai dự án trên, UBND TP.Đà Nẵng đã có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình tháo dỡ đập Đồng Nò và đập Bờ Quang, đồng thời khảo sát tuyến đường sông tại TP.Hội An...    

Đô thị ven sông

Thời gian qua, hai địa phương cũng đã chủ động phối hợp chuẩn bị các bước quy hoạch, thiết kế chi tiết các hạng mục dự án. Đồng thời kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương hỗ trợ đầu tư nạo vét sông Cổ Cò đoạn qua Quảng Nam 341 tỷ đồng từ chương trình ứng phó biến đổi khí hậu của ngân sách trung ương (trong tổng số 850 tỷ đồng). Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, đến nay ngoài 9km cơ bản được khơi thông, phần sông thuộc địa phận Điện Bàn giáp giới Đà Nẵng sẽ tiếp tục được được triển khai từ nguồn vốn trên. “Khả năng năm nay sẽ tiếp tục nạo vét 10km còn lại, đồng thời cũng sẽ triển khai 4 cây cầu qua sông trên 19km này để đảm bảo toàn tuyến của Quảng Nam sẽ có 8 cây cầu như trong quy hoạch, phấn đấu cuối năm 2020 sẽ nạo vét thông suốt được sông Cổ Cò trên toàn tuyến Quảng Nam - Đà Nẵng” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, trước đây, việc khơi thông Cổ Cò được làm theo hướng xã hội hóa, tức nhà đầu tư hút cát lên kết hợp san lấp làm nền, do tỉnh không có kinh phí. Điều này chỉ giải quyết được bài toán nạo vét sông. Nay dự án được đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước nên việc nạo vét sẽ kết hợp với quy hoạch không gian hai bên bờ một cách bài bản đảm bảo mỹ quan và bền vững, hướng đến khai thác đầu tư các dự án kinh tế ở khu vực.

Có thể khẳng định, sau một thời gian trì trệ do thiếu nguồn kinh phí, dự án khơi thông sông Cổ Cò không chỉ được khởi động lại mà còn được triển khai với một quyết tâm mạnh mẽ. Như phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang tại Hội nghị sơ kết thực hiện Kết luận 26: “Khớp nối quy hoạch quản lý sông Cổ Cò từ Đà Nẵng đi Quảng Nam gắn liền giao thông thủy nội địa thành trục đô thị kết nối Quảng Nam, Đà Nẵng qua đô thị Điện Nam Điện Ngọc là cần thiết, vì sông Cổ Cò không chỉ là sông mà còn có đô thị, trục đô thị, đi cùng với nó là giao thông hai bên bờ, các đường giao thông qua sông, công viên cây xanh… nên cần quy hoạch bài bản. Quảng Nam, Đà Nẵng sẽ thống nhất tìm kiếm đơn vị tư vấn có tầm để tổ chức quy hoạch tốt nhằm không chỉ hồi sinh con sông lịch sử mà còn hướng đến phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Đặc biệt, sẽ thành lập ban điều phối chung nhằm quản lý tốt dự án khai thông sông Cổ Cò và nhiều vấn đề chung khác”. (VĨNH LỘC)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thức giấc Cổ Cò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO