Kinh tế

Thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia ở các huyện miền núi cao:Quảng Nam đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư

NGUYỄN SỰ 31/07/2024 09:00

Trong 7 tháng đầu năm nay, việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia ở 6 huyện miền núi cao của Quảng Nam có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt rất thấp. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu ngành liên quan và chính quyền các cấp tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đảm bảo.

a.jpg
Thời gian qua, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của 3 chương trình mục tiêu quốc gia ở các huyện miền núi Quảng Nam đạt rất thấp. Ảnh: P.V

Tỷ lệ giải ngân vốn quá thấp

Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, năm 2024 tổng kế hoạch vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện gần 454,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn năm 2022 - 2023 kéo dài hơn 203,7 tỷ đồng và vốn kế hoạch năm 2024 hơn 250,7 tỷ đồng.

Đối với vốn năm 2022 - 2023 kéo dài, tính đến ngày 20/7, huyện Phước Sơn giải ngân được 38,9% vốn đầu tư và 23,53% vốn sự nghiệp. Còn đối với vốn kế hoạch năm 2024, địa phương giải ngân được 15% vốn đầu tư và 7,3% vốn sự nghiệp.

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT, năm 2024 tổng nguồn vốn thực hiện 3 chương trình MTQG ở 6 huyện miền núi Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My là 2.254,7 tỷ đồng (chiếm 64% vốn chương trình MTQG toàn tỉnh).

Trong tổng nguồn vốn vừa nêu, vốn năm 2022 - 2023 kéo dài sang năm 2024 là 894,4 tỷ đồng và kế hoạch vốn năm 2024 hơn 1.360 tỷ đồng.

Đến nay, UBND các huyện đã phân bổ chi tiết gần 2.091/2.254,7 tỷ đồng, đạt 93%. Trong đó, vốn đầu tư phân bổ hơn 1.190/1.290,6 tỷ đồng (đạt 92%) và vốn sự nghiệp phân bổ 896,4/964,1 tỷ đồng (đạt 93%).

Tính đến ngày 22/7, cả 6 huyện miền núi cao đã giải ngân được hơn 438/2.254,7 tỷ đồng (đạt 19%), gồm: vốn đầu tư giải ngân 326,3/1.290,6 tỷ đồng (đạt 25%), vốn sự nghiệp giải ngân 111,8/964,1 tỷ đồng (đạt 12%).

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và 6 huyện miền núi vào chiều 29/7, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đánh giá, thời gian qua mặc dù UBND tỉnh liên tục chỉ đạo, đôn đốc nhưng tiến độ giải ngân vốn 3 chương trình MTQG của 6 huyện vùng cao chỉ đạt tỷ lệ 19%. “Tỷ lệ này quá thấp, đây là con số không thể chấp nhận” - ông Dũng nói.

Đâu là nguyên nhân?

Theo đánh giá của Sở KH-ĐT, thời gian qua công tác chỉ đạo thực hiện 3 chương trình MTQG của nhiều địa phương còn chậm.

c.jpg
Nhiều địa phương khan hiếm vật liệu xây dựng phục vụ thi công m. Ảnh: PV

Những tháng đầu năm 2024, các huyện chủ yếu tập trung vào việc thông qua danh mục đầu tư, các chủ đầu tư hoàn chỉnh thủ tục đầu tư để tham mưu phê duyệt và phân bổ vốn; nhiều đơn vị vẫn còn chậm trễ trong hoàn chỉnh thủ tục đầu tư cho các dự án... nên đến nay các huyện nghèo vẫn chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao.

Tại một số địa phương, cán bộ các phòng chuyên môn cấp huyện (đặc biệt là Phòng Kinh tế - hạ tầng) quá tải trong công tác tham mưu do lực lượng mỏng và thường xuyên biến động nhưng cùng thời gian thẩm định cho quá nhiều công trình.

Một số dự án còn vướng trong công tác giải phóng mặt bằng, tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là cát và đất san lấp xảy ra tại nhiều nơi...

Đáng chú ý, giá nguyên vật liệu theo công bố của Sở Xây dựng và giá ngoài thực tế có sự chênh lệch lớn ở một số địa phương dẫn đến nhiều nhà thầu đang thực hiện cầm chừng.

Ví dụ, theo Thông báo số 13 của Sở Xây dựng về giá xây dựng quý I/2024 thì tại huyện Nam Trà My giá cát là 350 nghìn đồng/m3. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND huyện Nam Trà My, thực tế nguồn cát không đáp ứng đủ phải vận chuyển từ tỉnh Kon Tum về có giá dao động 800-900 nghìn đồng/m3.

Nhiều ý kiến cho rằng, năng lực của nhiều đơn vị tư vấn không đảm bảo; trình độ chuyên môn của một số chủ đầu tư còn hạn chế, thiếu kiểm tra giám sát chặt chẽ trong quá trình lập, nghiệm thu hồ sơ dự án dẫn đến công tác thanh quyết toán cho các dự án ở các địa phương còn rất chậm. Từ đó, ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân của các tháng đầu năm 2024…

Quyết liệt triển khai

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị, thời gian tới 6 huyện miền núi tập trung phân bổ các nguồn vốn còn lại của 3 chương trình MTQG. Đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng chi tiết kế hoạch và đề ra mốc thời gian cụ thể về giải ngân nguồn vốn của các chương trình.

b.jpg
Cần nỗ lực thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao đời sống người dân khu vực miền núi. Ảnh: PV

“Chính quyền các cấp phải tập trung rà soát các dự án, công trình trên địa bàn. Những công trình nào đã bố trí vốn đầu tư thì cần tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành hồ sơ quyết toán, giải ngân vốn. Khi dự án đưa vào đầu tư, các huyện phải khẩn trương tiến hành việc giải ngân phần hồ sơ thiết kế” - ông Tuấn nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhìn nhận, 3 chương trình MTQG về xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa xã hội rất lớn, tác động nhiều mặt đến đời sống người dân.

Tuy nhiên, sự vào cuộc của các sở, ban ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp chưa thực sự quyết liệt nên dẫn đến kết quả chưa như mong muốn, nhất là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt quá thấp.

Đồng chí Lê Văn Dũng yêu cầu, thời gian tới cấp ủy, chính quyền ở 6 huyện miền núi phải quyết liệt chỉ đạo các phòng, ban của huyện và UBND cấp xã cũng như các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ những vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình MTQG, tăng nhanh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư.

Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban ngành liên quan của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở cơ sở; kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn các huyện miền núi giải quyết những hạn chế liên quan…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia ở các huyện miền núi cao: Quảng Nam đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO