Thực hiện chế độ cho người có công: Quá nhiều vướng mắc

DIỄM LỆ 10/10/2016 08:38

Đợt giám sát của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh trong tháng 9.2016 ở các địa phương đã tiếp nhận nhiều ý kiến của người dân các huyện Tiên Phước, Phú Ninh, Duy Xuyên liên quan đến vấn đề khó khăn trong quá trình làm chế độ cho người có công (NCC).

Bất cập  giám định “thần kinh ngoại biên”

Một trong những bất cập phổ biến trong việc xét duyệt hồ sơ giám định chế độ chất độc hóa học liên quan đến bệnh thần kinh ngoại biên. Trường hợp của ông Huỳnh Chí Mai (bệnh binh 2/3, thôn 8, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước) dù có thời gian dài tham gia cách mạng, bị nhiễm chất độc hóa học và ảnh hưởng di chứng này sang đời con nhưng vẫn không được công nhận chế độ. Ông Mai kể, năm 1964-1982, ông thoát ly đi bộ đội khắp chiến trường từ Quảng Bình vào đến Khánh Hòa, ngược lên vùng đất đỏ Tây Nguyên. Sau ngày đất nước thống nhất, ông về lại quê hương lập gia đình. “Sáu người con của tôi đều chết khi con rất nhỏ, đứa sống lâu nhất cũng chỉ được 20 tháng do bị teo chân tay, não... Lúc này tôi mới nhận ra di chứng của chất độc hóa học tàn khốc đến mức nào. Nhưng rồi vợ chồng động viên nhau cố gắng kiếm đứa con cho vui cửa vui nhà. Đến đứa thứ 7, 8, 9 mới trụ được. Thế nhưng đã 3 lần đi giám định chế độ họ đều lắc đầu vì tôi bị bệnh thần kinh ngoại biên nên không thể công nhận” - ông Mai ngậm ngùi.

Nhiều ý kiến của người dân vế khó khăn trong việc giải quyết chế độ chất độc hóa học.Ảnh: D.L
Nhiều ý kiến của người dân vế khó khăn trong việc giải quyết chế độ chất độc hóa học.Ảnh: D.L

Ông Lê Sáu - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, lý giải: “Do thay đổi về phương pháp giám định nên dẫn đến thay đổi chênh lệch tỷ lệ được và không được. Theo quy định mới thì giám định phải dùng phương pháp loại trừ, sở lập hồ sơ giới thiệu hơn 1.200 hồ sơ thần kinh ngoại biên năm 2015 nhưng giám định thì không được trường hợp nào đạt tỷ lệ cả. Chính vì thế tạo nên sự bức xúc trong dân. Đến tháng 8.2016 này thực hiện theo Thông tư 20 thì danh mục vẫn giữ nguyên nhưng thay đổi thủ tục. Đó là phải có giấy xác nhận điều trị có cơ sở pháp lý trước ngày 30.4.1975 đã điều trị thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính. Xem như quy định này đã tiệt đường giám định của người xin xác nhận chất độc hóa học thuộc diện bệnh thần kinh ngoại biên, bởi khó ai có giấy xác nhận đó được”.

Nhiều vướng mắc    

Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã có công văn gồm 13 điểm kiến nghị, đề xuất gửi Bộ LĐ-TB&XH nhưng hiện nay vẫn chưa nhận được câu trả lời. Bao gồm: việc giải quyết chế độ còn đang gặp vướng mắc đối với các đối tượng người hoạt động cách mạng từ ngày 1.1.1945 đến ngày khởi nghĩa tháng tám năm 1945; việc xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đối với cả mẹ đẻ và mẹ kế có công nuôi dưỡng liệt sĩ; chế độ đối với thân nhân liệt sĩ; nâng mức trợ cấp đối với người có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng Huy chương kháng chiến…

Trong quá trình thực hiện Nghị định số 31/2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh số 04 trên địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều vướng mắc. Ông Trần Văn Chiến - Trưởng phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH), phân tích: Pháp lệnh số 04 quy định NCC cách mạng chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng, trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng theo chế độ ưu đãi NCC với cách mạng. Như vậy những trường hợp đã giải quyết trợ cấp tiền tuất chênh lệch theo quy định của Pháp lệnh số 26 cũ thì nay có được điều chỉnh trợ cấp tiền tuất hàng tháng hay không, và việc điều chỉnh được tính ở thời điểm nào. Theo quy định thì NCC đang hưởng chế độ ưu đãi mà xuất cảnh trái phép thì trong thời gian định cư ở nước ngoài bị tạm đình chỉ hưởng chế độ, NCC mất tích bị tạm đình chỉ hưởng chế độ; nhưng Nghị định 31 lại không hướng dẫn điều này nên không biết cơ quan nào có chức năng ra quyết định tạm đình chỉ hưởng chế độ và đình chỉ ở thời điểm nào.

Hay quy định không được di chuyển hồ sơ của Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã từ trần nên thân nhân của họ gặp khó nếu có nhu cầu di chuyển hồ sơ gốc. Đối với việc giải quyết hồ sơ xác nhận liệt sĩ còn hạn chế do không có danh sách liệt sĩ lưu tại cơ quan, đơn vị được lập trước ngày 31.12.1994, hoặc không có phần mộ được an táng trong nghĩa trang liệt sĩ và đã gắn bia từ ngày 31.12.1994 trở về trước. Một số đối tượng thực sự tham gia cách mạng hy sinh mà không thoát ly, công tác tại địa phương như cơ sở cách mạng, dân công, cán bộ thôn, xã, cán bộ khối Dân - Chính - Đảng thoát ly hoạt động hoặc những trường hợp có mộ đang an táng ngoài nghĩa trang liệt sĩ, khi áp dụng các căn cứ để xác nhận liệt sĩ thì không thực hiện được. Các loại giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý được lập từ ngày 31.12.1994 trở về trước là những loại giấy tờ gì cũng không được hướng dẫn rõ. Cũng theo ông Chiến, trong quá trình thực hiện, khi có vướng mắc thì Sở LĐ-TB&XH tổng hợp để gửi đến các cấp đề nghị có văn bản hướng dẫn thực hiện, đặc biệt đối với Bộ LĐ-TB&XH, nhưng câu trả lời luôn rất chậm hoặc chưa thấy phản hồi nên ở tỉnh không biết phải thực hiện như thế nào.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện chế độ cho người có công: Quá nhiều vướng mắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO