Thực hiện chỉ thị về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy: Chưa đi vào chiều sâu

CÔNG TÚ 21/07/2022 05:21

Đã có chuyển biến đáng kể sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 23 ngày 5.7.2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh, song thực tế vẫn chưa đi vào chiều sâu.

Tổ công tác liên ngành cấp tỉnh kiểm tra phương tiện thủy chở khách tại Cù Lao Chàm (Hội An). Ảnh C.T
Tổ công tác liên ngành cấp tỉnh kiểm tra phương tiện thủy chở khách tại Cù Lao Chàm (Hội An). Ảnh C.T

Chuyển biến

Triển khai Chỉ thị số 23, huyện Thăng Bình đã chú trọng phát động phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả xuất hiện góp phần tích cực bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa (ĐTNĐ).

Chủ tịch UBND, Trưởng ban ATGT huyện Thăng Bình - ông Võ Văn Hùng cho biết, huyện có nhiều mô hình được xây dựng và hoạt động có hiệu quả, như “Bến đò văn hóa - an toàn”, “Đoạn sông tự quản an toàn” trên tuyến sông Trường Giang. Từ đây, ban chỉ đạo phong trào thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời bổ sung nội dung, tiêu chí cho phù hợp để nhân rộng.

“Việc xây dựng, duy trì hiệu quả các mô hình này góp phần định hướng, thúc đẩy các nhân tố hình thành cách ứng xử văn hóa, văn minh nơi người dân. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân về bảo đảm ATGT trên ĐTNĐ. Nhờ vậy, ý thức, trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông, quản lý, tự bảo vệ công trình đường thủy được nâng lên” - ông Hùng chia sẻ.

Xác định tuyên truyền là giải pháp quan trọng, Ban ATGT tỉnh và các cơ quan thành viên, ban ATGT cấp huyện không ngừng phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự ATGT trên ĐTNĐ bằng nhiều hình thức.

Ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh cho biết, điển hình như tổ chức hội nghị, sân khấu hóa; tuyên truyền trên báo, sóng phát thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử, mạng xã hội facebook, Zalo; cấp phát áo phao, tờ rơi…

Nội dung tập trung vào các chủ đề về thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; “Chương trình hành động vì bình yên sông nước quê hương”.

Phản ánh hoạt động của lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm; thông tin về hậu quả các vụ tai nạn; tình trạng mất an toàn ĐTNĐ; cảnh báo hiểm họa có thể xảy ra do sự chủ quan, không chấp hành pháp luật của người dân…

Quy hoạch phát triển giao thông, quy hoạch cảng, bến thủy nội địa được chú trọng thực hiện. Thực thi công vụ, các lực lượng chức năng tổ chức hàng trăm lượt thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát phương tiện thủy nội địa, nhất là các phương tiện vận chuyển hàng hóa, hành khách và đã xử lý nghiêm trường hợp không đăng kiểm hoặc hết hạn đăng kiểm; chở quá tải, quá số người quy định, chở quá vạch dấu mớn nước an toàn; không trang bị đủ các thiết bị an toàn (áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh, hệ thống phòng cháy chữa cháy...). Tổ kiểm tra liên ngành cấp tỉnh cho thấy hiệu quả hoạt động bằng các cuộc tuần tra, kiểm soát chuyên đề.

Còn nhiều hạn chế

Bằng nhiều giải pháp thực hiện Chỉ thị số 23, ý thức chấp hành pháp luật giao thông ĐTNĐ của các tổ chức, người dân được nâng lên. Sự phối hợp của các bên liên quan phục vụ hiệu quả đảm bảo ATGT đường thủy và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, theo Ban ATGT tỉnh, nhận thức của một bộ phận người dân, nhiều chủ phương tiện chưa cao, cho nên vẫn còn tình trạng người tham gia giao thông không chấp hành quy định ATGT đường thủy, dẫn đến xảy ra 2 vụ tai nạn tại Đại Lộc, Duy Xuyên làm chết 11 người trong năm 2020.

Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT đường thủy chưa chú trọng đúng mức, thiếu chặt chẽ và đồng bộ.

Nêu thực tế ở địa phương, ông Võ Văn Hùng cho biết, người dân sống trên hai bờ sông thường có thói quen tự ý chế tạo các loại phương tiện thủy tạm thời để đánh bắt cá, vận chuyển nông sản qua lại.

Sự phối hợp giữa các lực lượng, các cấp, ngành chỉ mang tính tức thời, chưa thật sự chặt chẽ, thiếu tính đồng bộ, chồng chéo và còn nể nang, ngại va chạm nên hiệu quả thực thi công vụ chưa cao.

Thượng tá Bùi Hồng Tình - Trưởng Công an, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT huyện Hiệp Đức chia sẻ, công tác đăng ký, quản lý phương tiện thủy thô sơ thực hiện thiếu thường xuyên, kịp thời.

Hoạt động tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trên ĐTNĐ chưa cao. Công an tỉnh thừa nhận còn rất nhiều phương tiện thủy thô sơ chưa đăng ký, đăng kiểm; vẫn còn tình trạng tham gia giao thông kiểu “cha truyền con nối”, người điều khiển chưa được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn...

Ban ATGT tỉnh cho biết, thời gian đến sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo trật tự ATGT đường thủy. Theo đó, phải đẩy mạnh và đổi mới hoạt động tuyên truyền; tiếp tục phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” để vận động nhân dân chấp hành. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm hoạt động trên các tuyến ĐTNĐ.

Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ, quản lý vận tải, phương tiện và người điều khiển phương tiện thủy. Đặc biệt, thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành ĐTNĐ để tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện chỉ thị về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy: Chưa đi vào chiều sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO