Đánh giá sơ kết 3 năm (2011 - 2013) về chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24.9.2010 của Chính phủ do Sở NN&PTNT tổ chức vừa qua đã nhìn nhận tác động tích cực của chính sách này trong công tác bảo vệ rừng, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi. Tuy nhiên, vẫn có sự chênh lệch khá lớn trong hưởng lợi giữa các khu vực.
Lợi từ nhiều phía
Hơn 3 năm nay, rừng ở lưu vực thủy điện A Vương – Za Hung (thuộc xã Ma Cooih, huyện Đông Giang) đã được bảo vệ nghiêm ngặt. Bên cạnh đội quân giữ rừng chuyên nghiệp là kiểm lâm, cán bộ lâm nghiệp địa phương còn có lực lượng hùng mạnh là nhóm hộ, cá nhân. Mỗi tháng, ít nhất 2 lần, hàng trăm thanh niên làng A Sờ (xã Ma Cooih) thay nhau vào rừng tuần tra hơn 248ha rừng tại khoảnh 2, 4, 5 của tiểu khu 154 trong lưu vực thủy điện A Vương – Za Hung do Nhà nước giao khoán. Hầu hết số hộ tham gia nhận khoán rừng đều là đồng bào dân tộc Cơ Tu, trước đây có thói quen phá rừng để làm nương rẫy. Vậy nhưng, từ ngày Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương hợp đồng giao khoán rừng với nhóm hộ, cuộc sống người dân đã cải thiện đáng kể. Anh Alăng Trung, nhóm trưởng nhóm nhận khoán bảo vệ rừng ở tiểu khu 154 cho biết: “Tiền nhận mỗi hộ hơn 4 triệu đồng mỗi năm chúng tôi đều đầu tư vào việc phát triển sinh kế lâu dài thông qua việc cho các hộ khó khăn vay vốn quay vòng để chăn nuôi hoặc trồng cây nguyên liệu. Đồng tiền đã bắt đầu sinh lợi, nên không ai còn tư tưởng phá rừng”.
Một nhóm hộ tham gia giữ rừng tại Đông Giang.Ảnh: T.HỮU |
Thôn A Sờ chỉ là một trong nhiều nơi nằm trong lưu vực thủy điện A Vương – Za Hung được hưởng lợi DVMTR. Để làm cơ sở chi tiền cho người dân, các ngành có liên quan đã rà soát, xác định vị trí, ranh giới rừng cụ thể vì thế khâu quản lý sẽ chặt chẽ hơn khi rừng thực sự có chủ. Kết quả nghiệm thu diện tích rừng đã được chi trả DVMTR năm 2012 - 2013 cho thấy, tình trạng khai thác lâm sản trái phép, phát rừng già để làm nương rẫy đã giảm đi đáng kể; chủ trương xã hội hóa nghề rừng đã triển khai có hiệu quả ở các địa phương khó khăn. Theo ông Đỗ Tài – Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, hiện trên địa bàn có 4 “chủ rừng lớn” là các ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn, A Vương, Sao La và một phần diện tích của rừng quốc gia Bạch Mã và “chủ rừng nhỏ” là hàng chục nhóm hộ nhận khoán bảo vệ (bình quân mỗi hộ nhận khoán 10 - 15ha). Lợi ích lớn nhất là ngoài việc rừng bất khả xâm phạm, người dân còn thoát nghèo bền vững. “Chính sách này tạo ra sự đột phá lớn với miền núi. Riêng xã Ma Cooih, năm 2013, đối tượng hộ nghèo đã giảm xuống gần10%. Có được kết quả này là nhờ tiền chi trả DVMTR” – ông Tài phấn khởi.
Đơn giá chênh lệch
Tính đến nay, đã có 7 đề án và dự án ADB tài trợ xác định hơn 201.577ha diện tích rừng có cung ứng DVMTR. Trong đó, có 827 nhóm hộ (15.911 hộ) được nhận giao khoán, chi trả tiền DVMTR với tổng diện tích 153.882ha, thuộc các ban quản lý rừng phòng hộ A Vương, sông Tranh, Phú Ninh, Đắc Mi, Sông Kôn, Nam Sông Bung, Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, Khu bảo tồn Sao La, Vườn quốc gia Bạch Mã và các hạt kiểm lâm Nông Sơn, Đại Lộc, Nam Trà My. Thông qua dự án ADB tài trợ, tại lưu vực Sông Bung đã giao khoán đến nhóm hộ với 21.033ha.
Lý giải nguồn thu tiền DVMTR lớn, nhưng chậm chi trả cho người dân, Sở NN&PTNT cho rằng, nguyên nhân chính là mất nhiều thời gian lập các đề án chi trả DVMTR làm cơ sở lập hồ sơ giao khoán, chi trả. Cũng theo sở này, bất cập là đơn giá chi trả DVMTR thực tế có sự chênh lệch khá lớn giữa các lưu vực. Chẳng hạn như năm 2013, lưu vực thủy điện A Vương có đơn giá chi trả mỗi héc ta là 353 nghìn đồng/năm, trong khi đó lưu vực thủy điện sông Bung, mỗi héc ta có đơn giá 60 nghìn đồng/năm, khiến người dân so bì quyền lợi. Sở dĩ lưu vực này chi trả thấp vì nguồn thu hiện tại của nhà máy thủy điện này chưa cao, trong khi đang quản lý diện tích rừng rộng lớn. Tương tự, chủ rừng phòng hộ Đắc Mi cũng thừa nhận, đơn giá khoán bảo vệ rừng tại lưu vực thủy điện Đắc Mi còn thấp và chênh lệch khá lớn so với các dự án đang triển khai trên địa bàn nên các hộ còn so đo, khó thuyết phục người dân giữ rừng theo chính sách DVMTR. Được biết, trước đây tỉnh từng đề xuất một đơn giá chung cho tất cả lưu vực có nhà máy thủy điện đưa vào vận hành, nhưng Bộ NN&PTNT bác bỏ vì không đúng với quy định của Nghị định 99 về chính sách chi trả DVMTR. Một nghịch lý khác, ngành chức năng vẫn chưa có chế tài xử lý đủ mạnh đối với các đơn vị dây dưa “trả nợ rừng”. Theo Sở NN&PTNT, một số văn bản của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị sản xuất thủy điện thực hiện hợp đồng ủy thác và thu nộp tiền DVMTR còn chồng chéo, gây khó khăn trong việc thực hiện chính sách đối với các đơn vị thủy điện nhỏ có công suất dưới 30MW.
Chính sách phải kịp thời, minh bạch
Ngoài 7 đề án và dự án ADB tài trợ đã xác định được tổng diện tích cung ứng DVMTR, năm 2014, tỉnh đang lập mới 5 đề án chi trả DVMTR tại các lưu vực thủy điện Nam Sông Bung, Bắc Sông Bung, Sông Cùng, Đại Đồng và Trà My 1 – Trà My 2. Tổng số tiền thu ủy thác về DVMTR tại các đơn vị, doanh nghiệp đến quý 1 năm nay là hơn 125 tỷ đồng; chi trả DVMTR hơn 49 tỷ đồng. |
Ông Đỗ Tài – Chủ tịch UBND huyện Đông Giang kiến nghị, tiền chi trả phải kịp thời, đúng thời gian và ranh giới; lâm phận được giao bảo vệ phải tôn trọng hội đồng già làng. “Theo tôi, không cần thiết phải khuyến khích đồng bào dân tộc làm rẫy, mà chỉ nên tập trung giúp họ an tâm giữ rừng bằng cách hỗ trợ sinh kế và trồng lâm sản phụ, các loại cây dược liệu dưới tán rừng” - ông Tài nói. Còn ông Nguyễn Trâm – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cho rằng, đến nay doanh nghiệp đã đóng 45 tỷ đồng DVMTR, luôn hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần có sự phản hồi thông tin từ các cơ quan chức năng sử dụng đồng tiền đó có hiệu quả không, trồng lại rừng ở lưu vực nào. Trách nhiệm của chủ rừng trong việc để diện tích đã giao khoán, bảo vệ xảy ra tình trạng phá rừng. Trong khi đó, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thanh Quang khẳng định, DVMTR là cứu cánh, người dân miền núi từ phá rừng đã chuyển sang tâm thế giữ rừng. Quan điểm nhất quán của ngành nông nghiệp là tiền thu bao nhiêu phải lập tức chi trả bấy nhiêu, tuyệt đối không kéo dài. Việc thu chi như thế nào đều phải công khai, minh bạch. Tất cả nguồn tiền từ dịch vụ này ai cũng đều nắm hết, dân biết, chính quyền thôn, xã đều phải nắm rõ. “90% từ nguồn thu DVMTR đều phải chi trả trực tiếp cho người dân, chủ rừng. Mọi thông tin về tài chính đều phải công khai” – ông Quang nhấn mạnh.
TRẦN HỮU