Lâm nghiệp

Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng: Động lực giữ rừng bền vững và chuyên nghiệp

TRẦN HỮU 09/09/2024 13:58

(QNO) - Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, cộng đồng dân cư thôn đã được giao quản lý, bảo vệ trên diện tích lâm phận đã được xác định rõ ràng. Họ đều đặn bám núi, tuần tra rừng, vừa được công nghệ hỗ trợ nên giữ rừng bền vững và chuyên nghiệp hơn.

z5684087741101_843a04895c34869ac2a9b62cb00e14a4.jpg
Không những làm giàu từ cây sâm Ngọc Linh, người dân ở các xã vùng cao Nam Trà My còn bảo vệ được rừng cây cổ thụ. Ảnh: TH

Rừng thật sự có chủ

Theo thống kê của UBND huyện Nam Trà My, tại các xã vùng cao của huyện có hơn 2.000 hộ dân trồng sâm Ngọc Linh với tổng diện tích trên 2.200ha. Chưa kể gần 30 doanh nghiệp ký hợp đồng thuê môi trường rừng, hoặc liên kết với người dân địa phương trồng sâm Ngọc Linh. Nhiều vườn sâm có rào chắn bằng lưới B40; dựng lán trại có người trông coi, bảo vệ, có vườn còn gắn camera theo dõi. Với những diện tích trồng sâm dưới tán rừng cổ thụ tại xã Trà Linh (Nam Trà My) hầu như 10 năm nay không xảy ra nạn phá rừng nghiêm trọng nào.

Ông Nguyễn Vĩnh Hiền – Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My khẳng định, mấu chốt là pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp với các quy định cứng rắn, hình thức xử phạt nặng hơn đủ sức răn đe, người dân đã dần thay đổi nhận thức về thái độ ứng xử hài hòa với rừng. Thêm nữa là thời gian qua nhiều cơ chế chính sách quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng đã được triển khai đồng bộ. Từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), đã mang lại nguồn lực và động lực bảo vệ rừng bền vững.

Năm 2024, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My hợp đồng với 230 nhân viên chuyên trách bảo vệ rừng và chính lực lượng này đã trông giữ hiệu quả hơn 40 nghìn héc ta rừng được chi trả chính sách DVMTR.

z3842352790232_a4742c387b134aeff377a25ff374f9b5.jpg
Một chuyến luồn rừng của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My. Ảnh: TH.

Ở phạm vi toàn tỉnh, diện tích chi trả DVMTR năm 2023 được xác định là 311.120,67ha. Trong đó, các ban quản lý rừng 296.928,56ha; UBND các xã 9.785,77ha; cộng đồng dân cư thôn 4.406,34ha. Từ chính sách này, cơ quan chức năng đã rà soát, xác định được diện tích rừng có cung ứng DVMTR, góp phần làm cho rừng thực sự có chủ. Chuyển động rõ nhất là công tác rà soát, theo dõi diễn biến rừng được các bên liên quan (Chi cục Kiểm lâm, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng và đơn vị chủ rừng) thực hiện chặt chẽ hơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, thực hiện chính sách chi trả DVMTR là tiền đề để Quảng Nam làm tốt công tác quy hoạch bảo vệ rừng tự nhiên toàn tỉnh. Hiện nay, Quảng Nam có Nghị quyết số 22/2023/NQ-HĐND ngày 22/9/2023 về quy định nội dung và mức hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ngoài lưu vực thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025, mức hỗ trợ đến 600 nghìn đồng/ha/năm. Như vậy, toàn bộ diện tích rừng tự nhiên của tỉnh đều có nguồn kinh phí để thực hiện quản lý, bảo vệ rừng.

Công cụ giám sát chính sách hiệu quả

Hiện Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam đang thí điểm sử dụng phần mềm mới để vận hành giám sát DVMTR thống nhất trong năm 2024 bằng công nghệ viễn thám. Phần mềm giám sát sẽ cập nhật kịp thời cơ sở dữ liệu thông tin về biến động diện tích, trạng thái rừng, nhật ký tuần tra rừng, chi trả tiền…

z5463927812669_c441a28a28f0a5ecfe1f7d7a6fa7ace0.jpg
Người dân được hướng dẫn phần mềm bản đồ sử dụng trong thiết bị di động để theo dõi diễn biến rừng. Ảnh: Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh.

Trong khi đó, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã được dự án VFBC hỗ trợ nâng cấp phần mềm giám sát đánh giá, phục vụ cung cấp số liệu báo cáo tháng, quý, năm của trung ương và địa phương. Phần mềm đã hoàn thiện các chỉ số như: thu, giải ngân tiền DVMTR, số lượng đơn vị sử dụng DVMTR, số lượng văn bản quy phạm pháp luật... Để làm cơ sở triển khai rộng rãi trên toàn quốc, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam cùng phối hợp dự án VFBC đang trong hoàn thiện thiết kế giao diện theo hướng đơn giản, tăng cường tính bảo mật, chế độ chia sẻ dữ liệu…

Từ đầu năm đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam tổ chức 18 lớp tập huấn phần mềm bản đồ sử dụng trong thiết bị di động cho cộng đồng thôn thuộc địa bàn các huyện Bắc Trà My, Tây Giang và Nam Giang trong việc quản lý, bảo vệ rừng gắn với thực hiện chi trả DVMTR. Mục đích giúp người dân, cộng đồng nắm bắt vị trí, ranh giới khu vực chi trả DVMTR và xác định các điểm biến động rừng khi phát hiện các vụ việc vi phạm lâm luật.

Theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, các ứng dụng phần mềm mới sẽ giúp phát hiện và cảnh báo sớm các thay đổi bất thường, kịp thời cập nhật chính xác những biến động về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.

Theo thống kê, tổng diện tích chi trả DVMTR thuộc 16 lưu vực trên địa bàn tỉnh hơn 311.297ha. Có tổng cộng 42 chủ rừng đại diện nhận khoán bảo vệ (11 chủ rừng đại diện cho tổ chức nhận khoán bảo vệ; 13 chủ rừng là UBND các xã và 18 cộng đồng dân cư thôn). Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam đưa kế hoạch thu tiền DVMTR trong năm 2024 là hơn 194,5 tỷ đồng; trong đó 6 tháng đầu năm đã thu ủy thác hơn 100,1 tỷ đồng, đạt 51,46% kế hoạch cả năm.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng: Động lực giữ rừng bền vững và chuyên nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO