Tại hội nghị sơ kết một năm thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai và Trung tâm Phát triển quỹ đất 1 cấp do UBND tỉnh vừa tổ chức, các vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực đất đai được đem ra mổ xẻ. Trong đó, chậm giải phóng mặt bằng (GPMB) được xác định là nguyên nhân cản trở thu hút đầu tư.
Chưa sát thực tế
Ông Phạm A - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất một cấp thông tin, GPMB chậm luôn tái diễn ở các địa phương. Có nhiều dự án kéo dài đến 10 năm vẫn chưa xong khâu bồi thường. Nhiều dự án đến nay vẫn ách tắc mặt bằng như đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đoạn qua huyện Phú Ninh) còn vướng 16 hộ, đoạn qua huyện Núi Thành 21 hộ; dự án cầu Giao Thủy hiện còn nhóm hộ khu ươm tơ chưa thống nhất phương án bồi thường. Các dự án đường Đông Trường Sơn, vệt ven biển thị xã Điện Bàn - Hội An và khu nghỉ dưỡng Nam Hội An đều ách tắc mặt bằng…
Vì sao người dân thường đấu tranh đòi quyền lợi khi Nhà nước áp giá bồi thường? Trả lời câu hỏi này, hầu hết địa phương đều khẳng định, việc xác định giá đất cụ thể để bồi thường đang “có vấn đề”. Hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 3 đơn vị tư vấn có chức năng xác định giá đất cụ thể, không đáp ứng nhu cầu và thủ tục quy định của pháp luật. Trên thực tế, xác định giá đất chưa sát thị trường do bị khống chế bởi hệ số giá đất do UBND tỉnh công bố, thường thấp hơn so với giao dịch thị trường nên khi áp dụng bồi thường người dân không đồng ý. Để xác định giá đất cụ thể, nhiều khi còn tốn kém hơn kinh phí tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (TĐC).
Người dân chậm bàn giao mặt bằng do việc bồi thường, hỗ trợ thực hiện không thống nhất. TRONG ẢNH: Cản trở thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ) hồi đầu năm 2016. Ảnh: T.H |
Phó Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn - ông Lê Hay thừa nhận, công tác GPMB trên địa bàn còn chậm. Nguyên nhân được ông Hay đưa ra, vì giá đất không còn phù hợp và sát thực tế, 5 năm mà chỉ một bộ giá nên cần phải nhanh chóng điều chỉnh, sửa đổi. Bên cạnh đó, theo chính quyền thị xã Điện Bàn, giữa Phòng Tài nguyên - môi trường và Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã chưa phối hợp chặt chẽ trong giải quyết hồ sơ đất đai. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, giá bồi thường về đất thấp hơn giá mua suất TĐC dẫn đến người dân không đủ khả năng tài chính để nộp tiền nên không đồng thuận, khiến khiếu nại, khiếu kiện gia tăng. Mặt khác, theo ông Phạm A, chủ đầu tư không có kế hoạch xây dựng các khu TĐC, khu cải táng mồ mả nên khi triển khai thường theo quy trình ngược: GPMB trước, TĐC sau. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ dân ra ở TĐC chậm trễ gây bức xúc cho người dân.
Khó quản lý hiện trạng
Theo thống kê của Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp, qua một năm có hơn 20.600 hộ gia đình, cá nhân và 1.134 tổ chức được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hơn 29.000 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được cấp đăng ký thuế chấp, góp vốn; luân chuyển 11.900 hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính... Đặc biệt, đơn vị đã rà soát văn bản hướng dẫn các địa phương ở vùng đông nam đăng ký kê khai làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn đối với Trung tâm Phát triển quỹ đất một cấp đã kiện toàn được bộ máy tổ chức, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, GPMB 421 dự án trên địa bàn tỉnh, với tổng số tiền chi bồi thường 548 tỷ đồng. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh GPMB hơn 719ha (đạt 53,2% tổng diện tích thực hiện dự án), trong đó giải tỏa trắng và bố trí tái định cư được 490 hộ trong tổng số 926 hộ thuộc diện giải tỏa trắng. |
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng phản ánh những bất hợp lý về giá bồi thường các loại cây ăn quả lâu năm thấp hơn với các loại cây ngắn ngày; quy định mật độ cây trồng ở miền núi, trung du chưa phù hợp. Các xã vùng đông Duy Xuyên hay phổ biến ở khu vực miền núi chưa phê duyệt hạn mức giao đất nông nghiệp, đất rừng làm ảnh hưởng đến việc tính hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm khi thu hồi đất nông nghiệp. Tại huyện Thăng Bình, quản lý hồ sơ địa chính theo Chỉ thị số 299/CT-TTg ngày 10.11.1980 quá lỏng lẻo. Đơn cử như đo bao nhiều hộ vào một thửa, có hộ không kê khai đăng ký, không lưu trữ hồ sơ nên rắc rối trong xác nhận nguồn gốc đất với các trường hợp sử dụng đất ở trước ngày 18.12.1980. Việc lấn chiếm đất công, đất 5% khá phổ biến ở các địa phương ven biển.
Ở vùng đông của tỉnh, chính quyền gần như thả nổi quản lý quy hoạch, quản lý hiện trạng, xử lý thiếu kiên quyết các trường hợp xây dựng, cơi nới nhà trái phép. Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Viễn phân tích: “Cái chính là các địa phương thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC sai quy định, thiếu công khai minh bạch. Khi muốn xử lý mạnh bằng biện pháp cưỡng chế thì hồ sơ không đảm bảo”. Nhiều ý kiến đề xuất, muốn quản lý được hiện trạng, quản lý quy hoạch, chính quyền cơ sở cần tập trung xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, nhà ở, nhân khẩu; thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC kịp thời, chính xác, đúng quy định pháp luật.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu thống nhất chủ trương tăng cường công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu địa chính; điều chỉnh biến động đất đai cho sát thực tế. “Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tại vùng đông của tỉnh đến cuối năm nay phải thực hiện xong khoảng 70%, phấn đấu đến ngày 30.6.2017 hoàn thành dứt điểm” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chỉ đạo.
TRẦN HỮU