Thực hiện chính sách về phát triển năng lượng: Tính toán sinh kế người dân

THÀNH CÔNG 24/07/2023 06:37

Các dự án nguồn điện ở Quảng Nam được đánh giá “dồi dào”, song vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách liên quan phát triển năng lượng. Đây là nội dung được UBND tỉnh kiến nghị trong chuyến làm việc mới đây của đoàn giám sát Quốc hội về an ninh năng lượng.

Các dự án thủy điện hiện nay có tổng sản lượng điện sản xuất vượt xa so với nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: T.C
Các dự án thủy điện hiện nay có tổng sản lượng điện sản xuất vượt xa so với nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: T.C

Lãnh đạo Sở Công Thương cho hay, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm những năm gần đây xấp xỉ 10%/năm, lượng điện tiêu thụ năm 2022 đạt hơn 2,4 tỷ kWh. Trong khi đó, tổng sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện đạt 7,35 tỷ kWh.

Giai đoạn 2016 - 2021, các nhà máy điện tại Quảng Nam đã cung cấp cho hệ thống điện quốc gia được 24,9 tỷ kWh, bình quân 4,15 tỷ kWh/năm. Dự kiến, đến năm 2025, tổng công suất nguồn điện trên địa bàn tỉnh sẽ là 1.985MW, chủ yếu từ nguồn thủy điện (ước tính có khoảng 30MW từ điện than).

Sau các đợt rà soát, Quảng Nam có 40 dự án thủy điện trong quy hoạch với tổng công suất thiết kế hơn 1.775 MW, bao gồm 10 dự án thủy điện bậc thang do Bộ Công Thương lập, thẩm định, phê duyệt và 30 dự án thủy điện vừa và nhỏ.

Đến nay đã có 29 công trình thủy điện vận hành phát điện với tổng công suất thiết kế hơn 1.574MW, bao gồm 10 công trình thủy điện bậc thang và 19 công trình thủy điện vừa và nhỏ.

“Các dự án nguồn điện không những đảm bảo cung cấp năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn mà còn cung cấp thêm nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia” - ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương nói.

Các dự án ngành điện đa số nằm ở khu vực miền núi, ít nhiều có những tác động đến đất rừng. Trong khi đó, việc thực hiện các thủ tục về chuyển mục đích sử dụng đất, rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên sang mục đích khác ảnh hưởng rất lớn đến thời gian thực hiện đầu tư các dự án ngành điện.

So chiếu với thực tế ở các vùng thủy điện, lãnh đạo UBND tỉnh cho rằng vẫn cần thêm những chính sách mang tính động lực để “kích hoạt” sức bật cho người dân khu vực này. Trong bối cảnh đồng bào đã dành phần lớn diện tích đất tốt nhất, màu mỡ nhất cho dự án thủy điện, trách nhiệm từ phía thủy điện cần được nâng cao hơn đối với cộng đồng.

Người dân địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa nhận thức sâu về hiệu quả phát triển mô hình sinh kế, phụ thuộc nhiều vào kinh phí hỗ trợ nên việc định hướng và vận động tham gia các mô hình kinh tế gặp trở ngại.

Một số đơn vị thủy điện dù đã chủ động, tích cực, có trách nhiệm đối với việc hỗ trợ người dân, tuy nhiên vẫn còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch, xác định mô hình sinh kế, chưa xác định được khả năng đối ứng nguồn kinh phí, khó khăn trong việc xác định chi phí phải chịu thuế đối với các khoản hỗ trợ chương trình sinh kế.

Quảng Nam kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ và có chủ trương quy định cơ chế, chính sách để các chủ đầu tư thủy điện thực hiện các chương trình sinh kế cho người dân lưu vực lòng hồ thủy điện.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện chính sách về phát triển năng lượng: Tính toán sinh kế người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO