Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ở Bắc Trà My: Quá nhiều vướng mắc, bất cập

DIỄM LỆ 19/05/2023 14:25

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang thực hiện ở Bắc Trà My được đánh giá là động lực lớn cho địa phương. Tuy vậy, những vướng mắc nảy sinh khiến chưa thể đánh giá kết quả giữa giai đoạn 2021 - 2025 của chương trình.

Một mô hình được thực hiện cần khoảng thời gian để đánh giá hiệu quả. Ảnh: D.L
Một mô hình được thực hiện cần khoảng thời gian để đánh giá hiệu quả. Ảnh: D.L

Nhiều vướng mắc

Chương trình mục tiêu quốc gia (MTTQ) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai vào năm 2022. Vì chưa có các hướng dẫn thực hiện cụ thể, các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện các dự án rất lúng túng. Thậm chí như theo dõi của Phòng Dân tộc huyện Bắc Trà My, một số dự án/tiểu dự án/nội dung đến nay còn chưa có văn bản hướng dẫn nên chưa thực hiện được.

Cụ thể như dự án 1 (đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt), tiểu dự án 1 dự án 9 (đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc khó khăn đặc thù), dự án 6, tiểu dự án 2 của dự án 10 (ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi).

Ông Mai Đức - Trưởng phòng Dân tộc huyện Bắc Trà My cho biết, trong năm đầu tiên - 2022, nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh cấp về cho địa phương vào quý IV/2022, thời điểm này địa phương tập trung hoàn thành các nhiệm vụ đã triển khai từ đầu năm; đồng thời khó khăn về điều kiện tự nhiên, thời tiết nên nhiều nội dung chưa thực hiện được, hoặc thực hiện chậm.

Đối với dự án 1, văn bản quy định mức hỗ trợ nhà ở, đất ở ban hành chậm. Giữa Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 02 của Ủy ban Dân tộc quy định phạm vi áp dụng hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt có khác nhau nên khó khăn trong việc thực hiện. Cụ thể, phạm vi của Quyết định 1719 là thực hiện ở các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn; phạm vi của Thông tư 02 rộng hơn là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngoài ra, dự án 1 đến nay chưa thể tổ chức thực hiện do chưa có hướng dẫn về quy trình, thủ tục thanh quyết toán đối với nội dung sử dụng vốn đầu tư hỗ trợ hộ gia đình, không lập dự án đầu tư. Nội dung Thông tư 02 quy định chuyển đổi nghề còn chưa rõ ràng. Ví dụ hộ thiếu đất sản xuất lại yêu cầu chuyển đổi nghề qua trồng trọt; rồi chuyển từ trồng trọt qua trồng trọt, gây khó hiểu trong thực hiện. Khi chuyển đổi mới áp dụng cho nội dung hỗ trợ mua nông cụ, máy móc thiết bị và vốn vay theo Nghị định 28 của Chính phủ.

Hay đối với dự án 2 “Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết”, có những nội dung đã thực hiện theo Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh ở giai đoạn trước như di chuyển từ nơi ở cũ đến nơi ở mới, điều chỉnh đất ở, đất sản xuất giao cho các hộ mới đến, nhưng nguồn kinh phí bố trí cho nội dung này rất nhiều nên không thể giải ngân hết. Trong khi đó, việc hỗ trợ địa bàn bố trí dân xen ghép là nhu cầu lớn và cần thiết ở huyện Bắc Trà My, thì chương trình lại không bố trí nguồn vốn thực hiện.

Cần thời gian để đánh giá

Dù mới triển khai chương trình, nhưng nay đã đến giai đoạn đánh giá giữa kỳ thực hiện, nên các địa phương thực sự lúng túng, bởi chưa thể đánh giá ngoài việc báo cáo các phần việc đã làm và chưa làm, tiến độ giải ngân các dự án... Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, để đánh giá một chương trình, chính sách cần phải có một giai đoạn, quá trình triển khai, nhưng giai đoạn đầu chủ yếu là đầu tư hạ tầng, phải đến năm 2024 mới nên hình hài. Còn mô hình sản xuất cần phải có thời gian là 3 đến 5 năm mới biết được có hiệu quả, phù hợp hay không.

“Riêng Bắc Trà My định hướng phải thoát nghèo vào năm 2025. Khi có chương trình thì dù có vướng mắc, khó khăn chúng tôi cũng phải quyết tâm thực hiện, từng bước tháo gỡ. Nhưng cũng cần phải khẳng định rằng chương trình có những mục tiêu đưa ra không phù hợp, nhiều mục tiêu vượt quá sức của các huyện nghèo. Ví dụ như mục tiêu đến năm 2030 thì 100% xã miền núi không còn tình trạng đặc biệt khó khăn, 70% xã ở miền núi đạt tiêu chí nông thôn mới là quá nặng, khó đạt được” - ông Vũ nói.

Theo ông Vũ, trong các chương trình đều yêu cầu hỗ trợ đất ở hay đất sản xuất cho người dân ngày càng nhiều, trong khi diện tích đất rừng phải tăng chứ không được giảm. Mâu thuẫn như vậy thì làm sao thực hiện, chỉ có người sinh ra chứ đất không thể sinh ra. Vì thế ông Vũ đề nghị nên có sự hỗ trợ trong chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân phù hợp với điều kiện từng vùng miền, để người dân có công ăn việc làm chứ không chỉ có hỗ trợ trồng trọt hay chăn nuôi tại chỗ nữa.

Trong nhiều cuộc làm việc với trung ương, tỉnh, Bắc Trà My đã kiến nghị cần có văn bản hướng dẫn kịp thời để địa phương có cơ sở thực hiện chương trình. Đồng thời, huyện cũng đề nghị cần có sự lồng ghép trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá 3 chương trình MTQG đang cùng thực hiện trên địa bàn là nông thôn mới, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ở Bắc Trà My: Quá nhiều vướng mắc, bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO