Ngày 7/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn có các cuộc làm việc với 2 huyện Phước Sơn, Nam Giang về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Cả 2 địa phương đều gặp những khó khăn trong việc giải ngân nguồn vốn.
Nhiều vướng mắc
Cả hai huyện Phước Sơn và Nam Giang đều đang được đầu tư 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) gồm giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới.
Tổng nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các chương trình MTQG từ năm 2022 - 2023 tại Phước Sơn hơn 430,7 tỷ đồng, đến tháng 9/2023 tổng vốn giải ngân hơn 109,5 tỷ đồng (đạt 25,4%).
Với Nam Giang, tổng nguồn vốn thực hiện 3 chương trình MTQG năm 2022 kéo dài và năm 2023 hơn 407,8 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân hơn 132,9 tỷ đồng (đạt 32,58%). Cả 2 địa phương tỷ lệ giải ngân đều đạt thấp trong khi ở miền núi sắp bước vào mùa mưa lũ, khiến địa phương lo lắng sẽ khó đạt được tỷ lệ giải ngân 100% như yêu cầu.
Tại các cuộc làm việc với 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đánh giá các huyện đều triển khai nhiều phần việc đạt yêu cầu. Đối với khó khăn, tỉnh và các sở ngành sẽ tập trung hỗ trợ địa phương. Riêng tiến độ giải ngân, đến thời điểm này dù thấp nhưng các huyện đều đang gấp rút thực hiện bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất, nên tỉnh mong muốn địa phương sẽ giải ngân đạt yêu cầu đề ra, góp phần mang lại hiệu quả và giúp nhân dân hưởng lợi từ các chương trình đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi của tỉnh.
Tại Nam Giang, một số nội dung chưa thực hiện được, như việc xóa mù chữ cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số, cả năm 2022 và 2023 nguồn kinh phí công tác xóa mù chữ đã được cấp trên phân bổ nhưng chưa có hướng dẫn chi tiết thực hiện như chi cho người học, người dạy, chi tiền điện…
Hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa phát hành tài liệu phục vụ học và dạy nên rất khó khăn trong việc tổ chức thực hiện. Với việc hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, Nam Giang có nhu cầu được hỗ trợ một số loại máy móc như máy cắt tre, máy chẻ tre mây, máy vót, máy may, máy vắt sổ, khung dệt thổ cẩm...
Khi địa phương có văn bản đề nghị một số đơn vị tư vấn thẩm định giá các loại hàng hóa này (như Công ty CP Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Quảng Nam) thì đơn vị tư vấn có văn bản trả lời đây là hàng hóa tự sáng kiến và sản xuất, không thông dụng trên thị trường, công ty không thu thập đủ nguồn thông tin đáng tin cậy và đảm bảo để thực hiện việc thẩm định giá. Do đó, đến nay dự án vẫn chưa triển khai.
Mặt khác, theo Nghị quyết số 24 ngày 14/10/2022 của HĐND tỉnh thì ngân sách nhà nước hỗ trợ không quá 80% dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn đặc biệt khó khăn (dự kiến 20% còn lại là đóng góp của nhân dân bằng ngày công lao động).
Tuy nhiên đối với địa bàn đặc biệt khó khăn, mức đóng góp của người dân 20% rất khó thực hiện. Hoặc nội dung đào tạo dự bị đại học trong 1 năm, học sinh các trường THPT trên địa bàn huyện không có nhu cầu, do các trường đại học hoặc cao đẳng hiện nay phần lớn xét tuyển bằng học bạ nên hầu như chỉ cần tốt nghiệp THPT là được xét tuyển vào đại học nên huyện không có đối tượng để thực hiện.
Khó giải ngân hết vốn
Việc thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như thời gian phân bổ vốn cho địa phương trễ; văn bản hướng dẫn chậm, chồng chéo, khó thực hiện; giá cả tăng và vật liệu khan hiếm; cán bộ cơ sở năng lực còn yếu; thời tiết bất lợi cho việc thực hiện các công trình, dự án...
Với Phước Sơn, nhu cầu hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo là 1.646 hộ, nhu cầu lớn nhưng nguồn ngân sách cấp hơn 9 tỷ đồng, chỉ hỗ trợ được tương đương 273 nhà. Trong khi đó có những nguồn vốn không giải ngân được như đào tạo nghề phi nông nghiệp (do người dân không có nhu cầu học).
Với chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì việc giải ngân nguồn vốn còn khó khăn hơn nhiều, vì sự thay đổi liên tục của các văn bản từ Trung ương.
Sự thay đổi của văn bản khiến cho việc thực hiện ở cơ sở bị gián đoạn. Hơn nữa đã sắp vào mùa mưa bão, việc thực hiện càng khó khăn hơn đối với các huyện miền núi. Vì thế Phước Sơn kiến nghị tỉnh có thể xem xét các quy định và điều chuyển nguồn vốn chứ chắc chắn không thể giải ngân đạt 100% như yêu cầu.
Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho rằng với huyện miền núi, các chương trình MTQG là nguồn lực đầu tư rất đáng quý. Những khó khăn đã được nhận diện, nhưng khi đã vào guồng quay rồi thì sẽ đôn đốc thực hiện sao cho đạt được kết quả cao nhất.
“Khó khăn chỗ nào thì tác động ngay vào đó, vướng đâu gỡ đó, với tinh thần “dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm” thì mới làm được. Cái gì mang lại lợi ích cho nhân dân thì thực hiện, giúp nhân dân giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.
Nhưng trong thực tế, 3 chương trình có đến 40 tiểu dự án lớn nhỏ, tham vọng mục tiêu quá lớn lao bao quát, nhưng nguồn lực về con người để thực hiện thì không đáp ứng nổi. Có nội dung cần nguồn vốn thì không có, nội dung không có nhu cầu thì nguồn lực lớn, nên chỗ tiêu không hết, chỗ không có tiền để hỗ trợ nhân dân” - ông Trung nói.
Còn ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang kiến nghị: “Với các nguồn vốn không sử dụng được vì không có đối tượng, huyện kiến nghị chuyển trả về ngân sách tỉnh để điều chuyển các địa phương khác có nhu cầu. Huyện đặt quyết tâm giải ngân nguồn vốn đạt, nhưng nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nên kiến nghị tỉnh hỗ trợ tháo gỡ.
Huyện quyết tâm thực hiện đạt ở mức cao nhất đối với nguồn vốn đầu tư; về vốn sự nghiệp thì rất áp lực trong giải ngân. Đề nghị tỉnh hướng dẫn và tạo điều kiện cho địa phương tiếp tục thực hiện đối với nguồn vốn tiết kiệm được qua đấu thầu, giảm giá trong quá trình triển khai thực hiện dự án để tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguồn vốn hỗ trợ”.