(QNO) – Sáng nay 13/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì cuộc họp nghe Ban Dân tộc tỉnh và các ngành, địa phương liên quan báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện Tiểu dự án 1 (thuộc Dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi).
Về tình hình thực hiện vốn của Tiểu dự án 1, Ban Dân tộc tỉnh cho biết, trong 3 năm (2022 – 2024), Trung ương đã phân bổ cho tỉnh gần 342,3 tỷ đồng; đã phân bổ cho các huyện hơn 171 tỷ đồng. Trong số vốn chưa phân bổ (và hơn 21 tỷ đồng do các huyện nộp trả), đã đề xuất điều chỉnh phân bổ theo Nghị quyết 111 của Quốc hội cho các huyện hơn 87,9 tỷ đồng. Số vốn còn lại chưa phân bổ cho các huyện hơn 104,5 tỷ đồng.
Về nguyên nhân khiến nguồn vốn còn “ứ” ở cấp tỉnh, theo Sở NN&PTNT, hằng năm Trung ương phân bổ kinh phí về địa phương lớn hơn so với nhu cầu thực tế. Trong tổng diện tích 140.268ha rừng đăng ký thực hiện khoán, bảo vệ theo kế hoạch đã đăng ký, có khoảng 88.000ha đang thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).
Bên cạnh đó, đơn giá chi trả DVMTR hiện tại cao hơn so với đơn giá khoán theo Tiểu dự án 1, Dự án 3 (cụ thể đơn giá chi trả DVMTR tại các huyện miền núi từ 450 - 800 nghìn đồng/ha, trong khi đơn giá khoán, bảo vệ rừng Tiểu dự án 1 là 400 nghìn đồng/ha). Vì vậy, đối với diện tích trên (khoảng 88.000ha) các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện bảo vệ rừng từ nguồn chi trả DVMTR.
Diện tích đăng ký thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung là hằng năm theo kế hoạch là 1.650ha, Tuy nhiên, khối lượng đăng ký các năm 2022, 2023, 2024 rất ít lần lượt là 780ha, 510ha, 410ha. Tiếp đến, diện tích trồng rừng phòng hộ đăng ký hằng năm theo kế hoạch là 52,8ha, tuy nhiên thực tế các địa phương hầu như không đăng ký.
Tại cuộc làm việc, các địa phương cấp huyện và các sở ngành của tỉnh đã thảo luận, trao đổi về tình hình, các vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn triển khai việc thực hiện 6 nhóm công việc của Tiểu dự án 1.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho biết, tinh thần là các địa phương phải quyết tâm thực hiện, không để bị mất vốn. Việc chuyển dịch nguồn vốn của Tiểu dự án 1 theo tinh thần Nghị quyết 111 của Quốc hội chỉ được thực hiện vì lý do bất khả kháng.
Đồng chí Trần Anh Tuấn giao Sở NN&PTNT phối hợp cùng Ban Dân tộc tỉnh hoàn chỉnh báo cáo chi tiết về tình hình, tiến độ thực hiện; làm rõ nguyên nhân chưa phân bổ hơn 104,5 tỷ đồng, đề xuất cách thức, giải pháp để xử lý đối với số vốn này, khẩn trương báo cáo UBND tỉnh trong tuần này.
Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND các địa phương liên quan đặt vấn đề nêu rõ quan điểm vào cuộc thực hiện đối với Tiểu dự án 1 (Dự án 3). Cùng với đó, chủ trì làm việc với các địa phương rà soát, đánh giá lại khối lượng công việc, đặc biệt là việc đăng ký với kết quả quá trình tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở đó xác định các địa phương đã thực hiện 6 nhóm công việc của Tiểu dự án 1 ở mức độ nào; công việc nào bất khả kháng không có đối tượng triển khai thì địa phương phải có văn bản cam kết, trước đó, phải báo cáo với Ban Thường vụ Huyện ủy cho ý kiến đồng ý với vấn đề này…
Đối với nguồn vốn đã phân bổ, có địa chỉ và đang triển khai thực hiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành các bước để đảm bảo giải ngân, với quyết tâm đối với nguồn vốn 2022 và 2023 phải đạt 100%; đối với nguồn vốn năm 2024, nguồn sự nghiệp giải ngân đạt 100%, nguồn vốn đầu tư phấn đấu giải ngân 85%.
“Trong báo cáo gửi về tỉnh vào tuần sau, các địa phương phải nói rõ lý do đăng ký với khối lượng lớn nhưng đi vào triển khai tiến độ lại đạt ít. Thông báo của UBND tỉnh sẽ yêu cầu Thường trực Huyện ủy, Ban thường vụ Huyện ủy, tập thể UBND cấp huyện tập trung theo dõi, chỉ đạo thực hiện, chịu trách nhiệm trước tỉnh về vấn đề giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, trong đó, có Tiểu dự án 1 này nói riêng” – ông Tuấn lưu ý.