Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ: Thách thức vẫn còn

NGUYỄN DƯƠNG 29/06/2016 10:08

Chính sách về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) được xem là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội. Tuy nhiên, câu chuyện định hướng phát triển của dân số vẫn là bài toán khó hiện nay, nhất là ở tỷ lệ giới và sinh con thứ 3 trở lên.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ, giai đoạn 2011 - 2015, Quảng Nam đã triển khai nhiều hoạt động, như tổ chức hội thảo vai trò, phương thức lồng ghép tuyên truyền về giới và giới tính khi sinh gắn với hoạt động thường xuyên của các ban ngành, đoàn thể, hội. Bên cạnh đó, tổ chức hàng chục lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về giới và giới tính khi sinh cho cán bộ y tế, cộng tác viên y tế thôn bản… Tổ chức ký hàng trăm bản cam kết không chẩn đoán giới tính thai nhi với các cán bộ thực hiện kỹ thuật siêu âm, kể cả công lập và tư nhân. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế và trình độ nhận thức chưa đồng đều, người dân chưa có cơ hội tiếp cận và hưởng thụ đầy đủ chính sách, dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản và KHHGĐ…, nên chương trình vẫn còn những khó khăn nhất định.

Lễ phát động chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản - KHHGĐ tại UBND xã Tam Thái, huyện Phú Ninh.
Lễ phát động chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản - KHHGĐ tại UBND xã Tam Thái, huyện Phú Ninh.

Báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho thấy, Quảng Nam là một trong những tỉnh mất cân bằng giới tính khi sinh với  tỷ số giới tính khi sinh năm 2012 là 113,17 bé trai/100 bé gái; đến năm 2015 là 108,33 bé trai/100 bé gái. Mặc dù tỷ lệ này đã giảm hơn những năm trước nhưng chưa bền vững và dự báo có yếu tố tăng trong những năm đến. Đây là những thách thức về cơ cấu dân số và tình trạng tăng tỷ số giới tính khi sinh ở một số huyện càng làm trầm trọng thêm mất cân bằng giới tính theo hướng thừa nam, thiếu nữ ở tỉnh trong những năm tới. “Mặc dù đã được tuyên truyền, vận động và giáo dục các kiến thức về việc không được chọn giới tính khi sinh con nhưng hiện nay vẫn còn quá nhiều người vẫn còn tồn tại quan niệm trọng nam khinh nữ. Mất cân bằng giới tinh khi sinh đã và đang diễn ra khá phức tạp, nhiều địa phương tỷ số giới tính khi sinh lên đến hơn 120 bé trai/100 bé gái, do vậy cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp, các ngành thì mới tránh được các hệ lụy sau này” - ông Mai Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh nói.

Trong 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 3.420 trẻ mới sinh ra sống
Theo báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, quý I-2016, Chương trình DS-KHHGĐ tiếp tục tập trung vào công tác truyền thông, vận động nhằm giảm mức sinh, từng bước nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh. Trong 3 tháng đầu năm đã có 3.420 trẻ mới sinh ra sống; trong đó có 558 trẻ mới sinh là con thứ 3 trở lên, giảm 220 trẻ so với cùng kỳ năm 2015; tỷ số giới tính khi sinh là 109,4 bé trai/100 bé gái, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 là 112,17 bé trai/100 bé gái. Trong quý I, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tổ chức thành công lễ phát động chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản - KHHGĐ tại UBND xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, sau đó đồng loạt 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức phát động và triển khai chiến dịch nên tỷ lệ thực hiện mới các biện pháp tránh thai đạt 50,71% kế hoạch năm.(B.T.V)

Trong số các khó khăn gặp phải, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao và vẫn đang là bài toán chưa có lời giải, nhất là đối với các địa phương vùng miền núi. Chị Lưu Thị Mười - cán bộ y tế xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) cho biết, trường hợp sinh con thứ 3 ở một địa phương là nơi cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số như Phước Lộc xảy ra rất nhiều. Dù đã tuyên truyền, vận động và cung cấp các biện pháp tránh thai nhưng vẫn không thể kiểm soát hết được. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, con cái là trời cho, càng đông con nhà càng có nhiều người để cùng làm việc, như vậy mới tốt… Không chỉ ở miền núi, theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, số cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng tăng cả ở thành thị và nông thôn; đồng thời xuất hiện tình trạng đẻ dày do các cặp vợ chồng chọn năm đẹp để sinh con. Riêng trong năm 2015, toàn tỉnh có xấp xỉ 3.100 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. “Ngay cả một số cán bộ, công chức, đảng viên cũng vi phạm chính sách dân số ở việc sinh con thứ 3 trở lên. Trong khi đó, chế tài xử lý những trường hợp này vẫn đang còn nới lỏng, chưa nghiêm minh nên có tác động xấu đến cuộc vận động thực hiện chương trình, chính sách DS-KHHGĐ trong nhân dân” - ông Mai Văn Mười nói.

Theo kế hoạch hành động, trong thời gian đến, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tập trung chỉ đạo điều hành, thực hiện các giải pháp, kế hoạch Chương trình DS-KHHGĐ năm 2016. Đặc biệt, xây dựng các đề án để trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2016 - 2020; tổ chức các khóa huấn luyện đào tạo, khảo sát nhân lực quản lý phương tiện tránh thai… “Giải pháp có hay, phù hợp cách mấy cũng khó đem lại hiệu quả nếu thiếu sự vào cuộc đồng bộ. Trước mắt, chúng tôi phối hợp với các địa phương tiếp tục tổ chức xây dựng và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ “Phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên”; “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”… Tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, xây dựng gia đình của những trường hợp phụ nữ sinh con một bề là gái không sinh con thứ 3 trở lên. Đồng thời chỉ đạo rà soát, thu thập thông tin, xác định số trẻ em sinh ra trên địa bàn toàn tỉnh hàng năm để đánh giá tỷ số giới tính khi sinh, qua đó có phương án triển khai cụ thể” - ông Mười nói.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ: Thách thức vẫn còn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO