Không lâu nữa sẽ triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông mới. Với người trong cuộc, có rất nhiều khó khăn, thách thức, không chỉ ở vấn đề về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên (GV) mà còn ở nguồn lực đầu tư, mà nếu thiếu sự vào cuộc của các ngành chức năng, khó hoàn thành mục tiêu.
Từ năm học 2019-2020 bắt đầu triển khai chương trình, SGK mới ở cấp tiểu học.Ảnh: X.P |
“Điểm mặt” rào cản
Chính phủ đã đồng ý lùi thời gian triển khai áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới thêm một năm nữa, thay vì bắt đầu từ năm học 2018-2019 như kế hoạch trước đây. Cụ thể, sẽ triển khai theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học/lớp học như sau: năm học 2019-2020 triển khai ở lớp 1; năm học 2020-2021 lớp 2 và lớp 6; năm học 2021-2022 lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2022-2023 lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2023-2024 lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Dù đã được lùi thêm một năm, song theo ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, khó khăn, thách thức vẫn còn rất nhiều, và nếu không sớm bắt tay vào cuộc sẽ khó đạt được mục tiêu đổi mới. Tại hội nghị triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, SGK mới do Sở GD-ĐT tổ chức mới đây, những rào cản đối với giáo dục Quảng Nam đã được “điểm mặt”.
Đối với bậc THPT, thời điểm bắt đầu triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới muộn hơn 2 năm, song không vì thế mà đỡ vất vả. Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên (Thăng Bình) - thầy Lê Cao Lan tỏ ra lo lắng khi hiện nay nhiều trường không đáp ứng về phòng học, phòng bộ môn, trang thiết bị. Ở góc nhìn khác, thầy Trần Ngọc Diệp - Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát (Núi Thành) cho rằng vấn đề đáng lo nhất là đội ngũ, bởi khả năng sẽ thiếu cục bộ GV khi sắp tới đưa môn mới vào giảng dạy nhưng thầy cô lại chưa được đào tạo. Thầy Diệp cũng nhắc lại câu chuyện triển khai phân ban ở bậc THPT trước đây, song sau đó không có đánh giá sơ kết, tổng kết và đến nay Bộ GD-ĐT cũng không nhắc đến nữa. Cần lấy đó làm bài học để thực hiện chương trình mới đạt kết quả tốt. |
Ông Trần Thanh Hải - Trưởng phòng GD-ĐT Tiên Phước nêu ra một số trở ngại hiện nay của địa phương khi thực hiện chương trình mới, như thiếu nguồn kinh phí, việc đào tạo lại GV gặp vướng vì nhiều người đã lớn tuổi. Do đó, cần có đề án chung cho cả tỉnh để giúp huyện có nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất. Về biên chế, nên giao cho địa phương chủ động tuyển dụng, hoặc có thể hợp đồng GV để kịp thời thay thế khi có trường hợp nghỉ hưu chứ không chờ tỉnh tổ chức thi tuyển như vừa qua. Còn Trưởng phòng GD-ĐT Phước Sơn - Lê Văn Hà chia sẻ rằng, theo kế hoạch từ năm 2019-2020 bắt đầu triển khai nhưng đến giờ này nhận thức trong hệ thống chính trị, xã hội về chương trình mới chưa cao và cũng chưa đồng bộ. Ông Hà cũng thừa nhận chưa hình dung được hoạt động trải nghiệm ở tiểu học; băn khoăn trước việc hiện nay số lượng sinh viên sư phạm người địa phương ra trường nhiều, nhưng xin cơ chế đặc cách trong tuyển dụng không được, còn thi tuyển thì rớt hết.
Trong khi đó, Trưởng phòng GD-ĐT Tây Giang - Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, theo chủ trương mới, các điểm trường lẻ phải tập trung, sáp nhập lại. Tuy nhiên, với điều kiện địa hình miền núi, khó khăn sẽ nảy sinh khi học sinh đi học xa. Vì thế, Nhà nước cần có chế độ ăn ở nhằm tạo điều kiện cho học sinh đến trường. Đồng quan điểm, ông Võ Đăng Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT Nam Trà My thừa nhận điều kiện về con người và cơ sở vật chất của địa phương để triển khai đổi mới gặp rất nhiều trở ngại. Học sinh tập trung về trường xã rất khó và các em cũng không có chính sách, chế độ ăn ở. “Tỉnh nên tổ chức hội nghị để cho lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố nắm chủ trương triển khai chương trình, SGK phổ thông mới và cùng vào cuộc mới giải quyết được những bài toán này” - ông Thuận đề xuất.
Cả xã hội vào cuộc
Với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Võ Anh Tuấn - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở GD-ĐT cho rằng, cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành GD-ĐT rõ ràng chưa đủ điều kiện. Hiện tại, phòng học, phòng bộ môn chưa đáp ứng yêu cầu cho việc tổ chức học 2 buổi/ngày. Trang thiết bị chỉ mới đáp ứng 50%, nhiều thư viện chỉ là “nơi chứa sách” chứ chưa đúng nghĩa thư viện. Để triển khai thực hiện chương trình mới hiệu quả, ngành giáo dục phải nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cần thiết, trước tiên là cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo. Ở cấp tiểu học, các địa phương tính toán cụ thể số lượng GV cần tuyển theo nhu cầu từng năm, ưu tiên tuyển dụng GV tiểu học, GV Tiếng Anh, Tin học còn thiếu. Dự kiến từ năm học 2018-2019 đến năm học 2020-2021, mỗi năm học sẽ phải tuyển bổ sung khoảng 45 GV Tiếng Anh; còn đến năm 2025, để đảm bảo đủ GV Tin học cần khoảng 255 người. Ở cấp THCS, hiện thừa 690 GV nên các địa phương cần tính toán cụ thể số lượng GV cần tuyển mới, trong đó ưu tiên tuyển GV cho những môn học còn thiếu. Riêng cấp THPT, khi thực hiện chương trình mới, số GV thừa khoảng 191 người. Do vậy, cần tính toán kỹ càng để vừa giải quyết bài toán thừa, vừa đáp ứng nhu cầu tuyển bổ sung; trong đó ưu tiên tuyển GV dạy các môn nghệ thuật (121 người) để bắt đầu triển khai giảng dạy từ năm 2021.
Trước những khó khăn đã được nhìn nhận, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc yêu cầu toàn ngành phải tổ chức rà soát, đánh giá lại thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để xác định nhu cầu đầu tư theo lộ trình; đồng thời xây dựng đề án đảm bảo cơ sở vật chất mỗi địa phương nhằm huy động tối đa nguồn lực. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng thay thế các phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp nặng, bổ sung các phòng học còn thiếu; mua sắm thiết bị dạy học. Để triển khai có hiệu quả chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới, ông Quốc cho rằng trách nhiệm của ngành, của người làm quản lý rất quan trọng. Lãnh đạo phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường phải kịp thời tham mưu cho lãnh đạo chính quyền địa phương giải quyết kịp thời vấn đề nảy sinh. “Cái khó nhất, theo tôi không phải là từ ngành, mà là làm sao để lãnh đạo tỉnh, huyện quan tâm, trực tiếp chỉ đạo. Bởi thực hiện đổi mới, không chỉ một mình ngành GD-ĐT có thể làm được, mà còn có trách nhiệm của nhiều ngành, trong đó các ngành nội vụ, tài chính, kế hoạch rất quan trọng” - ông Quốc nói.
XUÂN PHÚ