Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục: Xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ tầm

XUÂN PHÚ 21/10/2015 09:15

Ngành GD-ĐT đang đối mặt với những khó khăn, tồn tại về đội ngũ khi mà miền núi vừa thiếu vừa yếu, còn đồng bằng “đông nhưng không tinh”.

  • GÓP Ý DỰ THẢO CÁC VĂN KIỆN TRÌNH ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII VÀ ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XXI

Nhiều tồn tại

Không thể phủ nhận nỗ lực của từng nhà giáo nói riêng, toàn ngành nói chung trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới thời gian qua. Đến thời điểm này, toàn ngành GD-ĐT có hơn 54% số giáo viên (GV) đạt trình độ trên chuẩn. Trong đó các bậc học mầm non, THCS có tỷ lệ trên chuẩn vượt 60%, thậm chí tiểu học gần 88% cho thấy tinh thần học tập không ngừng của đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, điều đó cũng không thể khỏa lấp nỗi băn khoăn, lo lắng trước thực trạng đội ngũ nhà giáo hiện nay ở cả miền núi lẫn đồng bằng.

Trong nhiều năm trước đây, đội ngũ GV thiếu và yếu là câu chuyện “biết rồi, nói mãi” nhưng đến bây giờ vẫn còn mang tính thời sự đối với giáo dục miền núi. Nguyên nhân chính khiến cho tồn tại này chưa thể khắc phục là vì nơi đây chưa chủ động được nguồn GV tại chỗ. Những năm qua cả tỉnh đã tập trung xây dựng đội ngũ GV là người dân tộc thiểu số nhằm giúp ổn định đội ngũ cho giáo dục miền núi. Dù tỷ lệ GV người dân tộc thiểu số ở miền núi hiện nay tăng khá nhiều so với trước đây với hơn 19,3% bậc mầm non, 16,6% tiểu học, 12,7% THCS và 26,4% THPT nhưng rõ ràng những con số này chưa đáp ứng sự kỳ vọng. Nói cách khác, đội ngũ nhà giáo miền núi phần lớn là dựa vào nơi khác đến, do đó thiếu ổn định trong chiến lược phát triển đội ngũ.

Sở GD-ĐT khen thưởng GV tại hội thi giáo viên dạy giỏi bậc học mầm non năm học 2014 - 2015. Ảnh: X.PHÚ
Sở GD-ĐT khen thưởng GV tại hội thi giáo viên dạy giỏi bậc học mầm non năm học 2014 - 2015. Ảnh: X.PHÚ

Còn một lý do khác, thời gian qua thực hiện luân chuyển GV miền núi về đồng bằng theo Nghị quyết 146 của HĐND tỉnh, chỉ trong thời gian 6 năm đã có gần 1.500 GV chia tay miền núi, để lại khoảng trống khá lớn cho giáo dục vùng khó khăn này cả về số lượng lẫn chất lượng. Một báo cáo gần đây của Sở GD-ĐT còn cho biết hiện có 36 GV chưa đạt chuẩn và 57 GV từ cấp học khác được bố trí dạy mầm non, cho thấy một bức tranh nhiều gam màu tối của giáo dục miền núi.

Đồng bằng cũng có những nỗi lo riêng. Không thiếu, thậm chí một số địa phương đang thừa GV và trình độ trên chuẩn khá nhiều nhưng điều đáng lo là một bộ phận GV chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, chậm đổi mới phương pháp giảng dạy. Thế nên, tại hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện mô hình trường học mới do Sở GD-ĐT tổ chức mới đây, nhiều ý kiến nhận định đội ngũ GV là một trong những rào cản làm cho hiệu quả giáo dục chưa cao. Không ít thầy, cô giáo mang tư tưởng ngại đổi mới phương pháp dạy học. Trong khi đó, một số GV luân chuyển từ miền núi về đồng bằng có năng lực hạn chế cũng khiến cho những người làm công tác quản lý giáo dục ở đồng bằng băn khoăn. Ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ cho rằng, các thầy cô giáo nhiều năm công tác ở miền núi nên phần nào bị hạn chế tiếp cận thông tin mới, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn. “Đội ngũ nhà giáo ở đồng bằng đông nhưng không tinh” - lãnh đạo ngành GD-ĐT một địa phương nhận định.

Giải pháp nào?

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu trong một cuộc làm việc với Sở GD-ĐT mới đây cũng đã nhấn mạnh: “Vấn đề quan tâm nhất giai đoạn hiện nay không phải là cơ sở vật chất trường lớp mà là chất lượng đội ngũ”. Thời gian qua, nhiều địa phương đã đưa ra các giải pháp để xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và bước đầu tạo ra những chuyển biến tích cực. Chẳng hạn, TP.Tam Kỳ ban hành cơ chế thu hút, hỗ trợ như xét tuyển đặc cách vào biên chế với những GV hợp đồng công tác lâu năm trong ngành, ưu tiên tiếp nhận những GV giỏi, hợp đồng sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy loại giỏi, đạt trình độ sau đại học, đến nay đã bổ sung cho ngành giáo dục 13 GV tốt nghiệp đại học sư phạm chính quy loại giỏi, 2 GV có trình độ sau đại học. Ngoài ra, thành phố còn có chính sách hỗ trợ cán bộ, GV học tập, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Những cơ chế chính sách ưu tiên này đã giúp đội ngũ nhà giáo Tam Kỳ nâng cao trình độ chuyên môn với tỷ lệ GV trên chuẩn hiện nay chiếm đến gần 82%. “Những năm đến chúng tôi sẽ có tiếp tục những giải pháp cụ thể để thu hút nhân tài cho ngành như tham mưu cho thành phố tuyển chọn, tiếp nhận những GV có năng lực, kinh nghiệm bổ sung đội ngũ; tạo điều kiện cho đội ngũ được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ” - ông Trần Ngọc Sơn cho biết.
Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các giải pháp đã triển khai thời gian qua, ngành sẽ tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách thu hút, đãi ngộ trong tuyển dụng để động viên, khuyến khích và cam kết phục vụ lâu dài nhằm ổn định đội ngũ GV cho miền núi, góp phần nâng cao chất lượng. Cùng với đó là chính sách ưu tiên trong đào tạo, tuyển dụng GV là người địa phương giúp tránh tình trạng công tác thời gian rồi xin chuyển về đồng bằng như hiện nay. Đồng thời toàn ngành sẽ thực hiện kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng chuyên môn cho GV các cấp học chưa đạt chuẩn hoặc chưa đáp ứng yêu cầu. Ông Quốc còn chia sẻ, ngay cả trong số GV từ miền núi chuyển về, nhiều người chưa thể đảm nhận tốt công việc giảng dạy ở đồng bằng. Do đó, lãnh đạo ngành đã trao đổi thẳng với các thầy cô giáo và động viên họ cần nhanh chóng bắt nhịp với công việc, tự tìm tòi học hỏi thêm kinh nghiệm, nghiệp vụ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu giảng dạy. “Để thực hiện có hiệu quả công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29, toàn ngành sẽ phải tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo” - ông Quốc nói.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục: Xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ tầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO