Thực hiện đúng quy định pháp luật về lao động: Vì lợi ích đôi bên

LÊ DIỄM 01/12/2017 09:20

Trong những năm gần đây, việc chấp hành pháp luật lao động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có những bước tiến ngày càng tốt hơn, nghiêng về việc mang lại những lợi ích thiết thân cho người lao động.

Ảnh: L.D
Ảnh: L.D

Những điển hình

Nằm ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn), Công ty Giày Rieker Việt Nam có số lượng công nhân đông nhất tỉnh, gần 13 nghìn người, nhưng ở đây chưa xảy ra mâu thuẫn lao động. Đó là thành công đầu tiên mang tính quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp. Theo Sở LĐ-TB&XH, đây là doanh nghiệp điển hình về đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Khi xây dựng NQLĐ, ký kết thỏa ước LĐTT, Công đoàn cơ sở Công ty Rieker đều lấy ý kiến của người lao động, và làm cầu nối để thỏa thuận với chủ sử dụng lao động nhằm đảm bảo những điều khoản có lợi nhất cho người lao động. Vì công nhân đông nên các tổ công đoàn họp lấy ý kiến lao động trước, sau đó các tổ công đoàn tổng hợp ý kiến để gửi đến Công đoàn cơ sở của Công ty Rieker. Và công đoàn là đại diện cho người lao động thỏa thuận với chủ sử dụng lao động những điều khoản theo mong muốn của lao động, phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế tại doanh nghiệp. Từ đó mà NQLĐ và thỏa ước LĐTT của Công ty Rieker có rất nhiều điều khoản mang lại lợi ích thiết thân cho người lao động. Như lao động nữ - lực lượng chủ chốt của Rieker - được hưởng các chế độ hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ (tiền gửi trẻ), tiền nhà trọ, tiền xăng xe, chuyên cần, vệ sinh phụ nữ...; ngoài ra, chế độ lao động dành cho thai phụ và phụ nữ nuôi con nhỏ đảm bảo ngày làm việc chỉ 7 tiếng. Và mức tiền lương mà Công ty Rieker trả cho người lao động hiện nay ở mức bình quân hơn 5 triệu đồng/tháng.

Sáng 9.8.2017, hơn 80 công nhân thuộc xưởng dệt Công ty TNHH MTV Ducksan Vina (Khu công nghiệp Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) ngừng việc tập thể vì cho rằng cách tính lương của công ty không đúng. Khi Tổ công tác liên ngành của tỉnh đến làm việc, phân tích những yêu cầu chính đáng của công nhân, Công ty Ducksan Vina đã đồng ý giải quyết các yêu cầu của công nhân. Từ đó đến nay, doanh nghiệp này hoạt động ổn định.

Hay tại Công ty CP Phước Kỳ Nam (Khu công nghiệp Thuận Yên, TP.Tam Kỳ), việc đảm bảo lợi ích cho người lao động luôn được xem là trách nhiệm của chủ sử dụng lao động. Ông Nguyễn Văn Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phước Kỳ Nam chia sẻ: “Pháp luật được xây dựng trên cơ sở quy định, trách nhiệm xã hội và điều kiện tại doanh nghiệp cũng như ý nguyện của người lao động trong khuôn khổ cho phép. Người lao động muốn làm thêm giờ là do ý nguyện của họ, nhưng doanh nghiệp phải căn cứ trên quy định của pháp luật để người lao động làm thêm phù hợp. Người làm công tác nhân sự ở doanh nghiệp phải nắm rõ quy định của pháp luật để tham mưu cho chủ sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động những điều khoản phù hợp. Với công ty chúng tôi, người lao động là vốn quý nên việc tuân thủ, thậm chí làm tốt hơn quy định của pháp luật được chủ doanh nghiệp rất quan tâm”.

Vẫn còn đối phó

Hội thảo về xây dựng nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể
Hôm qua 30.11, Sở LĐ-TB&XH tổ chức hội thảo xoay quanh nội dung về NQLĐ, thỏa ước LĐTT. Đây là 2 nội dung quan trọng được quy định trong Bộ luật Lao động buộc các doanh nghiệp phải thực hiện vì quyền lợi của cả người lao động và chủ sử dụng lao động. Tham gia hội thảo có đại diện các cơ quan chức năng của tỉnh và một số doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH tại hội thảo, việc xây dựng NQLĐ và thỏa ước LĐTT trong những năm gần đây đã được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Trong đó, những điều khoản có lợi cho người lao động về chế độ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, thời giờ làm thêm, chế độ phúc lợi xã hội, lương, thưởng được quy định rõ ràng trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và chủ sử dụng lao động. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều tuân thủ việc trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định. Tuy vậy, việc thỏa thuận với người lao động để xây dựng NQLĐ và thỏa ước LĐTT ở một số doanh nghiệp vẫn còn mang tính hình thức, đối phó, sao chép không đúng quy định của pháp luật.
Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc thỏa thuận để xây dựng NQLĐ và thỏa ước LĐTT, cũng như nêu lên những khó khăn, thắc mắc mà doanh nghiệp còn chưa hiểu trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về lao động. Đại diện các sở, ngành chức năng đã giải đáp cặn kẽ những thắc mắc, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp cách đối thoại với người lao động để tiến tới xây dựng NQLĐ và thỏa ước LĐTT phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.(L.D)

Theo ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, khi doanh nghiệp làm tốt việc xây dựng NQLĐ và thỏa ước LĐTT thì việc sản xuất, kinh doanh sẽ thuận lợi, phát triển tốt hơn. Bởi lẽ, trong NQLĐ và thỏa ước LĐTT, những thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động được xây dựng thành nếp văn hóa trong doanh nghiệp, căn cứ vào đó cùng thực hiện vì lợi ích của đôi bên. NQLĐ quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn và vệ sinh lao động, trách nhiệm vật chất..., từ đó người lao động phải tuân thủ theo quy định mà bản thân họ đã chấp nhận thỏa thuận, vừa vì lợi ích của bản thân họ vừa phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp. Thỏa ước LĐTT cũng dựa trên nguyên tắc thỏa thuận về mức tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp và nâng lương, các khoản phúc lợi xã hội như xăng xe, nuôi con nhỏ, ma chay, hiếu hỉ...

Có một thực tế rằng, khi được mời cử đại diện lãnh đạo đến tham dự hội thảo hay hội nghị triển khai những quy định của pháp luật lao động, doanh nghiệp thường né tránh, không tham gia vì lý do bận kinh doanh, sản xuất. Đến khi cơ quan chức năng đến để kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động và phát hiện sai phạm, chủ doanh nghiệp lại kêu ca rằng họ không được cập nhật kiến thức pháp luật, không được tạo điều kiện tham dự vào các khóa tập huấn nên không biết để thực hiện. Khi thanh tra, kiểm tra pháp luật lao động trong doanh nghiệp, cơ quan chức năng phát hiện nhiều sai phạm và yêu cầu doanh nghiệp chấn chỉnh, trong đó có việc doanh nghiệp chỉ xây dựng NQLĐ, thỏa ước LĐTT khi đối tác yêu cầu; hoặc có xây dựng nhưng quy định không cụ thể về chế độ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, ứng xử tại nơi làm việc, lấy ý kiến theo kiểu hình thức... Nhiều doanh nghiệp khi được chỉ ra cái sai thì nghiêm túc rút kinh nghiệm, sửa đổi NQLĐ, tiến hành thỏa thuận đi đến ký kết thỏa ước LĐTT phù hợp với đặc thù tại doanh nghiệp. Nhưng cũng có doanh nghiệp vẫn xem thường việc chấp hành pháp luật lao động, cơ quan chức năng đến kiểm tra, lập biên bản yêu cầu chấn chỉnh nhưng doanh nghiệp sau đó không chấp hành. “Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc xây dựng NQLĐ và thỏa ước LĐTT, đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước theo đúng quy định. Quyền lợi người lao động qua đó được bảo vệ tốt hơn, theo hướng có lợi hơn. Tuy vậy, vẫn còn không ít doanh nghiệp chấp hành không nghiêm túc, xây dựng cho có để đối phó, làm qua loa đại khái, mang tính sao chép chứ không theo nguyên tắc thỏa thuận với người lao động. Vì thế nên mới xảy ra những vụ đình công, lãn công, ngừng việc tập thể, mà nguyên nhân đều xuất phát từ mâu thuẫn lợi ích giữa người lao động và chủ sử dụng lao động. Thực trạng này cần được chấn chỉnh nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động và vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp” - ông Thùy nói.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện đúng quy định pháp luật về lao động: Vì lợi ích đôi bên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO