Thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm: Liên khúc chậm trễ - Bài 1: Mỏi mòn chờ... phê duyệt

VIỆT NGUYỄN - THÀNH CÔNG - VĂN SỰ 26/06/2023 09:12

Kết quả thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất ở hầu hết huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều rất thấp. Nguyên nhân là có quá nhiều vướng mắc, bất cập trong công tác thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm; trong đó, do những “khoảng chênh” từ quy định so với thực tiễn nên việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất luôn rơi vào điệp khúc chậm trễ.

Kế hoạch sử dụng đất hằng năm được phê duyệt trễ khiến cho thu hồi đất gặp nhiều khó khăn. Ảnh: P.V
Kế hoạch sử dụng đất hằng năm được phê duyệt trễ khiến cho thu hồi đất gặp nhiều khó khăn. Ảnh: P.V

BÀI 1: MỎI MÒN CHỜ... PHÊ DUYỆT

Kế hoạch sử dụng đất hằng năm được duyệt rất trễ khiến người dân phải mỏi mòn chờ đợi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Việc chậm trễ này do đâu?

Mỏi mòn chờ đợi

Tuổi đã cao, gia đình có nhiều con cháu, ông Trần Viết Thoại (xã Tam Nghĩa, Núi Thành) muốn chuyển đổi 1.000m2 đất sản xuất nông nghiệp sang đất ở để chia cho các con làm nhà. Nhận được thông báo của UBND xã về việc đăng ký nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất (MĐSDĐ), tháng 12/2021, ông Thoại vội đến xã đăng ký được chuyển đổi đất ở.

Nghĩ là đăng ký cuối năm 2021 thì đầu năm 2022 sẽ được ngành chức năng giải quyết nhưng phải chờ đến tháng 11/2022 ông Thoại mới biết kế hoạch sử dụng đất (KHSDĐ) của huyện được UBND tỉnh phê duyệt.

“Phải chờ đợi 11 tháng để huyện được phê duyệt KHSDĐ là quá lâu. Tôi chuyển MĐSDĐ để làm nhà cho con ít chịu tác động chứ những người khác chuyển MĐSDĐ để bán đất mà giá đất “nhảy” mỗi ngày nên họ rất bức xúc” - ông Thoại nói.

Vừa qua, đoàn công tác của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh có nhiều cuộc làm việc với UBND huyện Bắc Trà My, Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Quế Sơn, Sở TN-MT về thực hiện kế hoạch thu hồi đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất giai đoạn 2020 - 2022 trên địa bàn tỉnh. Các địa phương cho rằng lập KHSDĐ, tổ chức thực hiện, quản lý thực hiện KHSDĐ gây nên nhiều áp lực cho ngành TN-MT, các địa phương. Công việc này hay chăng chỉ nên áp dụng với lĩnh vực đầu tư công?

Các ý kiến chuyên gia cho rằng, Nhà nước điều tiết nền kinh tế bằng nhiều công cụ, trong đó quy hoạch mới là yếu tố định hướng các mục tiêu phát triển chứ không phải là KHSDĐ. Chỉ nên lập KHSDĐ đối với đầu tư bằng ngân sách nhà nước hoặc tạo quỹ đất để đưa ra đấu giá, đấu thầu.

Theo quy định của Luật Đất đai 2013, cấp huyện phải lập KHSDĐ hằng năm để làm cơ sở giải quyết nhu cầu chuyển MĐSDĐ, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Song việc phê duyệt KHSDĐ hằng năm của huyện quá trễ khiến người dân mỏi mòn chờ. Có những trường hợp người dân đợi cả năm trời rồi không được chuyển MĐSDĐ do đủ thứ quy hoạch mới phát sinh.

Ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nói: “Nhà nước có thể lập quy hoạch, kế hoạch cho các dự án đầu tư công nhưng nhu cầu của người dân là phát sinh liên tục. Hơn nữa người dân đã được cấp quyền sử dụng đất, đã có toàn quyền với tài sản của mình thì Nhà nước có nhất thiết phải đi lập kế hoạch sử dụng cho người dân hay không? Làm như vậy Nhà nước vừa rất mất thời gian mà lại làm hạn chế quyền lợi hợp pháp của người dân”.

Theo quy định, KHSDĐ của năm sau phải được phê duyệt trước ngày 31/12 của năm trước. Hiện có 3 bước trong quy trình lập KHSDĐ hằng năm. Thứ nhất là đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập KHSDĐ.

Sau khi chọn được đơn vị tư vấn, các huyện, thị xã, thành phố phải thông qua ban thường vụ hoặc HĐND huyện vì KHSDĐ là cơ sở chuẩn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Quá trình duyệt, các địa phương phải chờ cấp vốn để đưa vào KHSDĐ. Các khâu chuẩn bị và phê duyệt KHSDĐ hằng năm tốn nhiều thời gian, phức tạp, đôi khi “nhạy cảm” nên hầu như đều không bảo đảm hoàn thành vào tháng 12 năm trước như quy định.

Ông Trần Toại - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, KHSDĐ năm nào cũng chậm trễ phê duyệt. Nguyên nhân nằm ở việc đấu thầu chọn đơn vị tư vấn để lập KHSDĐ có quy định nhưng không rõ ràng, không có hướng dẫn cụ thể nên địa phương lúng túng trong quá trình thực hiện.

Theo ông Toại, khoảng tháng 6 hằng năm, huyện đã ban hành kế hoạch lập KHSDĐ nhưng luôn vướng phần việc đấu thầu. Theo quy định, huyện phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn nhưng định mức như thế nào thì chưa được hướng dẫn. Huyện cũng loay hoay với đơn giá để đấu thầu nên thời gian thực hiện việc này lúc nào cũng kéo dài vì phải chờ hỏi ý kiến và xin hướng dẫn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ riêng 2 huyện Núi Thành, Bắc Trà My mà tất cả 18, huyện, thị xã, thành phố đều phê duyệt KHSDĐ rất trễ. Hầu hết KHSDĐ của các địa phương được duyệt vào thời điểm cuối năm khi mà các địa phương này đã bắt tay vào làm KHSDĐ của năm sau.

Nhiều địa phương cho biết công tác lập, thẩm định và phê duyệt KHSDĐ hằng năm còn nhiều bất cập; nhiều nội dung phải đưa vào KHSDĐ theo quy định dù các địa phương biết chắc chắn là khó khả thi.

Vì đâu chậm trễ?

Quý 3 hằng năm, UBND cấp huyện phải gửi hồ sơ KHSDĐ hằng năm của năm sau đến Sở TN-MT để tổ chức thẩm định. Đây là quy định tại khoản 4, điều 9, Nghị định số 43/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai và được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5, điều 1, Nghị định số 148/2020/NĐ-CP.

Thu hồi đất để triển khai dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Thaco Chu Lai (451ha tại xã Tam Anh Nam, Núi Thành) gặp nhiều trở ngại thời gian qua. Ảnh: P.V
Thu hồi đất để triển khai dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Thaco Chu Lai (451ha tại xã Tam Anh Nam, Núi Thành) gặp nhiều trở ngại thời gian qua. Ảnh: P.V

Tuy nhiên hằng năm, qua nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc của UBND tỉnh, Sở TN-MT, các huyện, thị xã, thành phố đến cuối tháng 11, đầu tháng 12, khi cận kề kỳ họp thường kỳ cuối năm của HĐND tỉnh mới gửi báo cáo về danh mục thu hồi đất, chuyển MĐSDĐ.

Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Giám đốc Sở TN-MT thông tin, số lượng danh mục quá nhiều, trong đó có nhiều danh mục chưa đảm bảo quy định làm cho công tác thẩm định, kiểm tra danh mục dự án thu hồi đất, chuyển MĐSDĐ trình HĐND tỉnh rất khó khăn, tốn nhiều thời gian.

Sau khi HĐND tỉnh thông qua nghị quyết về danh mục dự án thu hồi đất, chuyển MĐSDĐ, UBND các địa phương mới lập hồ sơ KHSDĐ hằng năm cấp huyện trình phê duyệt, thẩm định vào tháng 1 năm sau, sau khi Sở TN-MT đã ban hành thông báo kết quả thẩm định. Cá biệt, có địa phương đến tháng 6 mới trình phê duyệt KHSDĐ cấp huyện.

Theo ông Sơn, tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt KHSDĐ hằng năm cấp huyện còn chậm. Kết quả thực hiện đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch và thường xuyên trình bổ sung danh mục. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các sở, ban ngành và địa phương trong công tác này nhìn chung còn chưa tốt.

Nhiều quy hoạch ngành được xây dựng sau khi quy hoạch sử dụng đất được xét duyệt nên không được cập nhật đầy đủ, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện. Thậm chí, có quy hoạch sử dụng đất chưa thống nhất và tuân thủ theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sự chậm trễ của các địa phương gây khó khăn cho rà soát, thẩm định, dẫn đến chất lượng rà soát danh mục chưa đạt hiệu quả cao, chưa đảm bảo pháp lý khi trình HĐND tỉnh.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Quy hoạch - đo đạc (Chi cục Quản lý đất đai, Sở TN-MT) nói, có thời điểm đơn vị phải lấy ý kiến thành viên hội đồng thẩm định đến 3 lần, do một số thành viên chưa tham gia đầy đủ.

Một số địa phương phát sinh công trình sau khi đã ban hành thông báo thẩm định kết quả. Sở TN-MT đã đề nghị đối với dự án đã chuyển tiếp nhưng nếu vẫn chậm, quá hạn sẽ loại bỏ khỏi quy hoạch, khắc phục tồn tại. Từ năm 2022, tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt, đưa thời hạn cụ thể, yêu cầu chủ tịch huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu chậm trễ trong nộp hồ sơ KHSDĐ cũng như tồn tại tiếp những tồn tại trước đây.

--------------------
Bài 2: Vướng mắc từ cơ sở

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm: Liên khúc chậm trễ - Bài 1: Mỏi mòn chờ... phê duyệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO