Thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm: Liên khúc chậm trễ - Bài 2: Vướng mắc từ cơ sở

VIỆT NGUYỄN - THÀNH CÔNG - VĂN SỰ 28/06/2023 05:55

Kế hoạch sử dụng đất được xem yếu tố cần và song hành với các hoạt động trên lĩnh vực đất đai như quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng, triển khai xây dựng dự án... Tuy nhiên, công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh thời gian qua bộc lộ quá nhiều hạn chế.

Lãnh đạo tỉnh khảo sát, tìm hiểu công tác thu hồi đất để triển khai dự án trọng điểm ở huyện Núi Thành. Ảnh: P.V
Lãnh đạo tỉnh khảo sát, tìm hiểu công tác thu hồi đất để triển khai dự án trọng điểm ở huyện Núi Thành. Ảnh: P.V

Chưa sát thực tế

Có một thực tế là thời gian triển khai công tác lập kế hoạch sử dụng đất (KHSDĐ) tổ chức trước khi thông qua các nghị quyết về đầu tư công nên danh mục công trình đăng ký chưa đảm bảo cơ sở pháp lý; và phê duyệt KHSDĐ hằng năm của cấp có thẩm quyền còn chậm so với quy định.

Tăng cường trách nhiệm trong công tác lập, quản lý KHSDĐ

Từ những hạn chế về KHSDĐ hằng năm, ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, UBND tỉnh cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các ngành, địa phương tăng cường trách nhiệm trong lập KHSDĐ hằng năm. Cần thực hiện nghiêm về quy trình, hồ sơ thủ tục, thời gian theo đúng quy định.

Nâng cao chất lượng thẩm định KHSDĐ các dự án đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, nhất là đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước. UBND tỉnh cần thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, thanh tra và giám sát việc quản lý, sử dụng đất theo quy hoạch; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản, vi phạm cam kết tiến độ thực hiện dự án. Tiến hành kiểm tra, giải quyết kịp thời các kiến nghị của địa phương đối với những tổ chức vi phạm sử dụng đất.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra; công bố công khai các tổ chức, chủ đầu tư chậm triển khai dự án, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất. Có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn, nguồn kinh phí đầu tư cho các dự án còn hạn chế. Nhiều cơ chế, chính sách đầu tư phức tạp dẫn đến việc tổ chức thực hiện dự án chậm. Không ít dự án đã đăng ký kế hoạch 2 - 3 năm mới được triển khai.

“Có thực tế là phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong lập KHSDĐ thiếu chặt chẽ. Chưa có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho ngành, địa phương về quản lý các dự án đầu tư. Trách nhiệm thực thi hành chính trong cơ quan chuyên môn, cán bộ làm công tác quản lý đất đai chưa cao nên để xảy ra không ít thiếu sót” - ông Châu nói.

Ở huyện Duy Xuyên, ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng, trong quá trình đăng ký xây dựng KHSDĐ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương chưa đánh giá sát nhu cầu cũng như khả năng đầu tư. Hệ lụy là xây dựng KHSDĐ bị động. Chủ đầu tư, ngành liên quan và chính quyền các địa phương chưa có kế hoạch cụ thể nên khi dự án được phê duyệt thì chưa đăng ký KHSDĐ.

Ông Đức nói: “Hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt KHSDĐ hằng năm còn chậm làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các công trình, dự án tại địa phương. Trách nhiệm trong quản lý hành chính về đất đai tại cơ sở còn hạn chế, đôi lúc còn thờ ơ, chưa thể hiện hết vai trò, trách nhiệm trong quản lý, kiểm tra tình hình sử dụng đất tại địa phương. Công tác quản lý hồ sơ địa chính chưa chặt chẽ, thiếu khoa học. Tình trạng xây dựng trái phép chưa được phát hiện và xử lý kịp thời, dứt điểm”.

Chờ các dự án đầu tư công được duyệt vốn rồi mới đưa vào KHSDĐ là hạn chế điển hình hiện nay.

Theo phân tích của ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, việc bố trí vốn nằm ngoài thẩm quyền của địa phương, trong khi đây là các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách, không thể không thực hiện nên phải chờ cấp vốn rồi mới đưa vào KHSDĐ.

Nếu bỏ ra khỏi KHSDĐ mà sau đó dự án được cấp vốn thì cũng không thể triển khai vì một trong những điều kiện để thu hồi đất là phải có trong KHSDĐ được duyệt.

Cũng theo ông Sinh, quy định sau 3 năm dự án chưa triển khai phải đưa ra khỏi KHSDĐ là không phù hợp, nhất là đối với các dự án đầu tư công. Bởi hầu hết dự án đang triển khai là sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Các dự án này đã cơ bản hoàn thành công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, ban hành thông báo thu hồi đất đến từng hộ gia đình, cá nhân có nhà, đất bị ảnh hưởng trong các dự án. Nếu hết 3 năm vẫn chưa được duyệt giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải hủy bỏ dự án thì rất dở dang và khó cho địa phương.

Cần phối hợp chặt chẽ

Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Giám đốc Sở TN-MT trao đổi tại buổi làm việc với Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh rằng, công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, KHSDĐ thời gian qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế, tạo nên những áp lực không nhỏ trong công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, giải quyết đất ở cho người thật sự có nhu cầu, cũng như các vấn đề về môi trường, dân sinh.

Thời gian qua, việc thu hồi đất xây dựng mới Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Quế Sơn) gặp trở ngại do chậm bố trí tái định cư cho một số hộ dân bị giải tỏa. Ảnh: P.V
Thời gian qua, việc thu hồi đất xây dựng mới Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Quế Sơn) gặp trở ngại do chậm bố trí tái định cư cho một số hộ dân bị giải tỏa. Ảnh: P.V

Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới ở một số địa phương chất lượng chưa cao, chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất. Các địa phương bố trí một số quỹ đất chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, chưa tuân thủ trình tự, thủ tục, thời gian theo luật định.

Việc công khai chưa sâu rộng, tính minh bạch trong thực hiện quy hoạch tại một số địa phương không cao, điều chỉnh chưa kịp thời với tình hình thực tế làm ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi người dân vùng dự án, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, kiến nghị.

“Thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, việc quản lý hồ sơ địa chính chưa chặt chẽ, thiếu tính khoa học” - ông Thọ nhận định.

Đại diện Sở TN-MT cho hay, việc nắm bắt thông tin và dự báo nhu cầu sử dụng đất của các ngành, địa phương còn hạn chế, độ chính xác chưa cao. KHSDĐ chưa xác định nhu cầu sử dụng đất phù hợp với tiến độ các công trình dự án.

Quy mô, vị trí sử dụng đất của một số công trình, dự án xác định chưa chính xác do thay đổi nhu cầu sử dụng đất của ngành, lĩnh vực và nhu cầu của nhà đầu tư. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong công tác lập và thực hiện quy hoạch, KHSDĐ có thời điểm còn chưa tốt, nhất là giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch nuôi trồng thủy sản và quy hoạch xây dựng nông thôn mới...

Nhiều quy hoạch ngành được xây dựng sau khi quy hoạch sử dụng đất được xét duyệt nên không được cập nhật đầy đủ dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện, thậm chí có quy hoạch có sử dụng đất nhưng chưa thống nhất và tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Kết quả thực hiện KHSDĐ ở các địa phương đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch và thường xuyên trình bổ sung danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, chính quyền địa phương ở một số nơi nhận thức về công tác lập KHSDĐ theo Luật Đất đai 2013 còn hạn chế nên phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện chưa theo kịp yêu cầu, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cũng như biến động nhu cầu sử dụng đất trên địa bàn.

Theo ông Đức, đáng lưu ý hiện nay là năng lực chuyên môn của một số đơn vị tư vấn lập KHSDĐ còn hạn chế; đội ngũ làm công tác chuyên môn về lĩnh vực KHSDĐ còn thiếu ở cấp tỉnh và yếu ở cấp cơ sở. Trách nhiệm hành chính của cơ quan chuyên môn, cán bộ làm công tác quản lý đất đai chưa cao, có nơi còn thực hiện sơ sài trong quá trình thẩm định, kiểm tra việc thực hiện dự án.

-------------------------
Bài cuối: Những hệ lụy

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm: Liên khúc chậm trễ - Bài 2: Vướng mắc từ cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO