Thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm: Liên khúc chậm trễ - Bài cuối: Những hệ lụy

VIỆT NGUYỄN - THÀNH CÔNG - VĂN SỰ 30/06/2023 09:06

Do những vướng mắc về lập, tổ chức thực hiện và quản lý kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh thời gian qua nên hệ lụy xảy ra là tỷ lệ thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đạt quá thấp ở nhiều địa phương.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra việc thực hiện công tác thu hồi đất để triển khai dự án trọng điểm ở vùng đông Núi Thành. Ảnh: P.V
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra việc thực hiện công tác thu hồi đất để triển khai dự án trọng điểm ở vùng đông Núi Thành. Ảnh: P.V

 Ì ạch thu hồi đất

Giai đoạn 2020 - 2022 việc thu hồi đất (THĐ) và chuyển đổi mục đích sử dụng đất (MĐSDĐ) trên địa bàn huyện Duy Xuyên đạt tỷ lệ rất thấp.

Ông Trà Lý - Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Duy Xuyên thông tin, năm 2020 Duy Xuyên có 187 danh mục công trình, dự án THĐ được HĐND tỉnh thông qua với tổng diện tích 589,6ha. Tuy nhiên, huyện chỉ thực hiện 29 danh mục công trình, dự án với diện tích đất đã thu hồi hơn 20,6ha (tỷ lệ 3,5%); số công trình đề nghị chuyển tiếp sang năm 2021 là 124 và đề xuất hủy bỏ 34 công trình.

Năm 2021, Duy Xuyên có 112 danh mục công trình, dự án THĐ được HĐND tỉnh thông qua với tổng diện tích hơn 745,8ha nhưng địa phương chỉ thực hiện 17 danh mục công trình, dự án với diện tích đất đã thu hồi hơn 13,3ha (tỷ lệ 1,8%), đề nghị chuyển tiếp 57 công trình sang năm 2022 và đề xuất hủy bỏ 38 công trình.

Năm 2022 huyện có 77 danh mục công trình, dự án THĐ được thông qua với tổng diện tích hơn 836,3ha. Kết quả, Duy Xuyên chỉ triển khai 12 danh mục công trình, dự án với diện tích đất đã thu hồi hơn 13,1ha (tỷ lệ 1,5%), số công trình đề nghị chuyển tiếp sang năm 2023 là 56 và số công trình đề xuất hủy bỏ là 9.

Giám sát của HĐND tỉnh cho thấy, tình trạng cơi nới, xây dựng trái phép trên diện tích đất đã quy hoạch còn xảy ra phức tạp trên địa bàn tỉnh. Vi phạm trong quản lý sử dụng đất sau cấp phép chưa được phát hiện và xử lý kịp thời, dứt điểm.

Có dự án chưa đảm bảo quy trình, thủ tục đất đai, nhưng đã tiến hành san ủi, thi công, gây khó khăn trong công tác quản lý hiện trạng.

Có tình trạng chia nhỏ dự án trên cùng một khu đất đã quy hoạch làm ảnh hưởng quy hoạch chung, gây khó khăn trong công tác quản lý.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc tiếp nhận, giải quyết kiến nghị thu hồi đất, xử lý vi phạm từ các địa phương chưa được xử lý kịp thời, triệt để, tạo tâm lý nhờn luật đối với người vi phạm.

Tại Quế Sơn, thực hiện THĐ và chuyển đổi MĐSDĐ cũng không khá hơn. Ông Nguyễn Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết, năm 2020 địa phương có 75 danh mục công trình, dự án THĐ được HĐND tỉnh thông qua với tổng diện tích 332ha; huyện chỉ thực hiện 20 danh mục công trình, dự án với diện tích đất đã thu hồi hơn 45,4ha (tỷ lệ 13,85%), số công trình đề nghị chuyển tiếp sang năm 2021 là 49 và số công trình đề xuất hủy bỏ là 6.

Năm 2021, Quế Sơn có 96 danh mục công trình, dự án THĐ với tổng diện tích hơn 379ha; địa phương chỉ thực hiện 13 danh mục công trình, dự án với diện tích đất đã thu hồi hơn 17,1ha (tỷ lệ 4,52%), số công trình đề nghị chuyển tiếp sang năm 2022 là 45 và số công trình đề xuất hủy bỏ là 38.

Năm 2022, huyện có 71 danh mục công trình, dự án thu hồi đất được thông qua với tổng diện tích hơn 350,2ha; huyện chỉ triển khai 21 danh mục công trình, dự án với diện tích đất đã thu hồi hơn 94ha (tỷ lệ 26,85%), số công trình đề nghị chuyển tiếp sang năm 2023 là 45 và số công trình đề xuất hủy bỏ là 5.

Theo ông Châu, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với nhu cầu sử dụng đất lớn nhưng việc thực hiện điều chỉnh KHSDĐ chậm, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế.

Chưa có chế tài xử lý đối với những địa phương đăng ký danh mục thu hồi đất, chuyển đổi MĐSDĐ nhưng thực hiện đạt tỷ lệ thấp. Hệ thống bản đồ, hồ sơ địa chính chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý theo hướng công nghệ trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Còn ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng, nhiều dự án có diện tích lớn, công trình theo tuyến ảnh hưởng đến nhiều đối tượng thu hồi đất. Thực hiện các thủ tục về thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gặp vướng mắc, kéo dài thời gian. Sự hợp tác của người dân có đất bị thu hồi chưa cao, đơn giá bồi thường thấp... đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện dự án.

Tương tự là huyện Bắc Trà My. Năm 2020, Bắc Trà My có 60 công trình, dự án THĐ, chuyển đổi MĐSDĐ với tổng diện tích 131,58ha nhưng chỉ thực hiện được 11 công trình với diện tích 37,97ha (tỷ lệ 28,47%).

Năm 2021, huyện có 93 công trình, dự án THĐ, chuyển MĐSDĐ với tổng diện tích 247,47ha nhưng chỉ có 13 công trình đã thực hiện với diện tích 36,40ha (tỷ lệ 14,71%). Năm 2022, Bắc Trà My có 95 công trình THĐ, chuyển đổi MĐSDĐ nhưng chỉ thực hiện 14 công trình với tổng diện tích 20,67ha (8,6%).

Ông Trần Toại - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói, kết quả thực hiện THĐ, chuyển MĐSDĐ thấp có nguyên nhân là quá trình đăng ký xây dựng kế hoạch các ngành, địa phương chưa đánh giá sát với nhu cầu và khả năng đầu tư.

Xây dựng KHSDĐ bị động, việc phối hợp giữa cơ quan chủ trì với các đơn vị, địa phương để cung cấp, cập nhật thông tin một số công trình, dự án chưa kịp thời, thiếu chính xác. Triển khai thực hiện dự án kéo dài nhiều năm nên phải đăng ký chuyển tiếp nhiều năm. Một số danh mục công trình, dự án do các đơn vị, địa phương đăng ký mang tính chất dự phòng nên chưa triển khai thực hiện.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Giai đoạn 2020 - 2022, hằng năm Sở TN-MT thực hiện rà soát loại bỏ những danh mục dự án THĐ, chuyển đổi MĐSDĐ chưa đảm bảo thông tin để trình HĐND tỉnh thông qua.

Cơ quan này cũng đã có công văn gửi UBND các địa phương đề nghị rà soát danh mục công trình THĐ, chuyển đổi MĐSDĐ năm 2021. Trong số này, có 178 danh mục THĐ, 80 danh mục chuyển MĐSDĐ. Lý do được đưa ra là các danh mục không đảm bảo theo quy định Thông tư 29 của Bộ TN-MT.

Riêng trong năm 2022 chỉ có 250 danh mục công trình thực hiện THĐ trong tổng số gần 1.500 danh mục phê duyệt (tỷ lệ 16,77%); có đến gần 1.100 danh mục THĐ chuyển tiếp sang năm 2023. Đối với danh mục dự án chuyển MĐSDĐ đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2022 chỉ thực hiện được 106 trên tổng số 606 danh mục phê duyệt. Trong đó, tỷ lệ đất rừng đặc dụng chuyển mục đích sử dụng là 0%.

Làm việc với Sở TN-MT về quy hoạch sử dụng đất và các vấn đề liên quan, ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho hay, việc tham mưu quản lý nhà nước về đất đai hiện nay hết sức phức tạp trước quá trình đô thị hóa rất nhanh đi liền với việc thu hút đầu tư các công trình lớn.

Trong khi nguồn lực nhân lực chưa theo kịp với quản lý, trong thời gian khá dài quản lý nguồn gốc đất đai có nhiều biến động lớn. “HĐND sẽ tăng cường giám sát việc đăng ký, thực hiện danh mục THĐ, chuyển đổi MĐSDĐ để đảm bảo tính công khai, minh bạch, khả thi và kiên quyết kiến nghị xử lý các dự án chậm tiến độ, các danh mục đăng ký nhưng thực hiện không đúng quy định” - ông Đức nói.

Ông Nguyễn Tri Ấn - Bí thư Huyện ủy Núi Thành đề xuất, để công tác THĐ, chuyển MĐSDĐ đạt kết quả, UBND tỉnh cần gắn chặt kế hoạch sử dụng đất (KHSDĐ) hằng năm với kế hoạch đầu tư công; chỉ đạo công tác dự tính, dự báo đăng ký KHSDĐ phải làm chặt chẽ để khả thi hơn. UBND tỉnh nên giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng phần mềm lập KHSDĐ để sử dụng hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Ấn, UBND cấp huyện, xã cần tăng cường sự lãnh đạo của chính quyền, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý KHSDĐ; có biện pháp xử lý đối với những đơn vị sử dụng sai mục đích nhằm bảo vệ quỹ đất, đảm bảo quyền lợi của người dân trên địa bàn, phát huy hiệu quả nguồn lực từ đất. Tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan trong quá trình đề xuất lập, thực hiện và quản lý KHSDĐ, trong đó tuân thủ quy định về việc trình HĐND cấp huyện thông qua KHSDĐ hằng năm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm: Liên khúc chậm trễ - Bài cuối: Những hệ lụy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO