Sau 10 năm kể từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 ra đời và đi vào thực tiễn, kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn Quảng Nam đã có những chuyển biến. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều trở lực.
Chuyển biến về chất
Qua khảo sát, đánh giá tác động sau 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam - ông Võ Bảy cho biết, các HTX đã từng bước ổn định tổ chức bộ máy, xây dựng và triển khai sản xuất kinh doanh theo phương án mới và đã mang lại hiệu quả; nâng cao được quy mô hoạt động và mức lãi kinh doanh...
Để đảm bảo hoạt động theo đúng luật, HTX đã điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung điều lệ, kiện toàn bộ máy quản lý điều hành phù hợp, điều chỉnh cổ phần và vốn điều lệ cho hợp lý; thu hút cán bộ trẻ có trình độ đại học tham gia vào hội đồng quản trị, ban giám đốc.
Một số đơn vị nhanh chóng tiếp cận được cơ chế chính sách của Nhà nước, như thu hút cán bộ trẻ về làm việc, chính sách hỗ trợ đất đai để xây dựng trụ sở, chính sách đào tạo, bồi dưỡng.
Thực tế cho thấy, HTX hiện hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực, nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả xuất hiện và thành công. Qua đó tạo dựng được thương hiệu, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình OCOP.
Điển hình trong xây dựng nông thôn mới, HTX tập hợp, thay đổi cách nghĩ, cách làm nơi người nông dân, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện tốt liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo.
Với chương trình OCOP, HTX không ngừng vận động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm nhằm khôi phục sản phẩm truyền thống hay tạo sản phẩm mới đạt tiêu chuẩn, chất lượng và có chỗ đứng vững chắc trên thương trường.
Sớm tháo gỡ khó khăn
Luật HTX năm 2012 ra đời và đi vào thực tiễn 10 năm qua, nhưng trong thực tế còn đó nhiều tồn tại, hạn chế. Đơn cử, một số chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước không phù hợp với tình hình địa phương hoặc khó tiếp cận do điều kiện thụ hưởng quá cao so với năng lực thực tế của HTX.
Ở vài nơi, thành viên HTX hoặc thành viên hội đồng quản trị cho rằng HTX do Nhà nước “đẻ ra” cho nên phải có trách nhiệm “nuôi nấng” như thời kỳ bao cấp. Nhằm đạt tiêu chí số 13 nông thôn mới, có địa phương thành lập HTX không phải theo nhu cầu thực tế của người dân, vì vậy không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả.
Nhận thức của cấp ủy, chính quyền về HTX chưa đầy đủ, tâm lý trông chờ, ỷ lại; chưa thống nhất rõ vai trò và tầm quan trọng của HTX kiểu mới đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Nhằm nâng cao hiệu quả thi hành Luật HTX, ông Võ Bảy cho rằng cần tiếp tục tuyên truyền, tập huấn cho toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn vai trò và lợi ích của tổ chức này trong phát triển kinh tế - xã hội.
Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện luật cho phù hợp với tình hình thực tế của mỗi giai đoạn phát triển. Chỉ đạo, hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp HTX không đăng ký và tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012.
Rà soát vướng mắc để có hướng dẫn, xử lý cụ thể nhằm tạo điều kiện cho HTX tiếp cận vay vốn theo chính sách quy định. Bố trí kinh phí để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển theo Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ.
Theo ông Võ Bảy, việc tổng kết mô hình HTX hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên cần tiếp tục triển khai.
Kịp thời biểu dương, khen thưởng nhân rộng, tổng kết các mô hình HTX hoạt động hiệu quả. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế đối với phát triển kinh tế tập thể, HTX, gắn liền với lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng toàn diện cán bộ và thành viên HTX, gắn với đề án đào tạo nghề cho nông thôn.