Thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về phát triển miền núi: Điểm sáng từ Nam Giang

ALĂNG NGƯỚC 09/09/2021 11:14

Qua 5 năm (2016 - 2021) triển khai Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, huyện Nam Giang cơ bản đạt được nhiều kết quả quan trọng; đặc biệt bố trí, sắp xếp tái định cư, góp phần ổn định đời sống người dân trong điều kiện thiên tai, bão lũ.

Nhiều dự án tái định cư được hình thành theo mục tiêu xen ghép, đảm bảo an toàn trước thiên tai. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Nhiều dự án tái định cư được hình thành theo mục tiêu xen ghép, đảm bảo an toàn trước thiên tai. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Dấu ấn tái định cư

Sau những nỗ lực của các cấp ủy và chính quyền địa phương, từ ngân sách hỗ trợ theo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, hàng trăm hộ đồng bào DTTS ở huyện Nam Giang đã dần ổn định chỗ ở.

Ông Nguyễn Đăng Chương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Giang cho biết, sau 5 năm triển khai các nội dung của nghị quyết, chất lượng cuộc sống cũng như mức độ tiếp cận các dịch vụ cơ bản của người dân đang được nâng lên rõ nét. Đây được xem là hiệu quả “kép” sau thời gian triển khai lồng ghép các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng với hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững.

“Đến nay, ngoài 542 ngôi nhà tạm bợ, dột nát được xóa bỏ, chúng tôi bố trí và sắp xếp dân cư cho 886 hộ với kinh phí hơn 43,6 tỷ đồng từ nguồn đầu tư của tỉnh cho miền núi” - ông Chương cho biết.

Điển hình trong việc bố trí dân cư ở Nam Giang phải kể đến các khu tái định cư Pà Xua (Tà Bhing), La Đông (Cà Dy) và một số điểm của xã La Dêê, với những ngôi nhà kiên cố, góp phần tạo nên diện mạo nông thôn mới.

Như khu tái định cư Pà Xua, sau nhiều năm triển khai, hàng chục hộ dân miền núi an cư trên vùng đất mới. Ngoài nhà ở, người dân được hỗ trợ đất sản xuất, đảm bảo các điều kiện điện - đường và mô hình phát triển kinh tế. Trong đó, điểm nhấn là các khu ruộng lúa nước được hình thành, giúp người dân tiếp cận phương thức sản xuất mới, hạn chế tác động vào rừng tự nhiên.

Ông Zơrâm Thực - Chủ tịch UBND xã Tà Bhing cho hay, chủ trương sắp xếp dân cư không chỉ giúp địa phương ổn định chỗ ở cho hàng trăm hộ dân khó khăn mà còn giải quyết được bài toán khó về quy hoạch dân cư gắn với xây dựng nông nông mới, giúp giảm thiểu nguy cơ hiểm họa do thiên tai, mưa lũ. Nổi bật là nguồn lực từ Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh được triển khai lồng ghép, góp thêm diện mạo nông thôn miền núi Nam Giang được khởi sắc, đảm bảo an toàn trước thiên tai.

Nguồn lực cho phát triển sản xuất

Chính sách hỗ trợ triển khai các dự án động lực theo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội huyện Nam Giang thời gian qua. Ông Lê Văn Hường - Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho biết, sau 5 năm triển khai nghị quyết, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm từ 58,08% (năm 2016) xuống còn 36,51% vào cuối năm 2020; thu nhập bình quân đầu người tăng 12,3 triệu đồng lên 16,5 triệu đồng/năm; giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 209,1 tỷ đồng lên 261,3 tỷ đồng.

Xác định nâng cao hiệu quả kinh tế rừng là quyết sách lâu dài và bền vững, phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương, thời gian qua, cùng với đầu tư trồng hơn 1.000ha rừng gỗ lớn, Nam Giang đẩy mạnh quy hoạch, trồng hơn 54ha cây dược liệu dưới tán rừng. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 của Chính phủ với 37.000ha rừng được quản lý, bảo vệ thường xuyên. Tổng kinh phí đầu tư cho nhóm dự án bảo vệ, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng hơn 57 tỷ đồng.

“Từ các nguồn lực đầu tư của tỉnh và huyện, chúng tôi dành hơn 50 tỷ đồng triển khai hỗ trợ, cung cấp hơn 5 triệu cây giống, cùng 1.500 con giống các loại để người dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp, bước đầu Nam Giang hình thành 5 sản phẩm chất lượng OCOP và tiếp tục đầu tư, hỗ trợ Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Cơ Tu Za Ra một số hạng mục để phát triển thương hiệu sản phẩm mới, từng bước đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu phát triển theo định hướng của địa phương” - ông Hường nói.

Để nguồn lực đầu tư sát thực hơn với địa phương núi, bên cạnh nâng mức hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, ông Hường kiến nghị tỉnh cần đưa cây mây vào danh mục nhóm cây trồng chủ lực ở miền núi. Đồng thời ưu tiên phục hồi làng nghề dệt thổ cẩm theo hướng sử dụng nguyên vật liệu tự nhiên, đảm bảo tính truyền thống; quan tâm thu hút doanh nghiệp đầu tư, hình thành các khu công nghiệp chế biến nông - lâm sản phục vụ đầu ra cho người dân ở miền núi…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về phát triển miền núi: Điểm sáng từ Nam Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO