Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp: Nỗ lực từ nhiều phía

HÀN GIANG 12/01/2016 09:59

Đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác cải cách tư pháp (CCTP) theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW, tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, với các mặt hạn chế, khó khăn đã được Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh nhìn nhận.

Thay đổi nhận thức

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh, việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2.6.2005 của Bộ Chính trị về CCTP đến năm 2020 trong giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò hoạt động tư pháp, sự cần thiết phải đẩy mạnh CCTP được nâng lên rõ rệt. Tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp từng bước được kiện toàn, số lượng và chất lượng cán bộ tư pháp được nâng lên và xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp. Tại các kỳ họp, đại biểu HĐND các cấp cũng đã tăng cường thời lượng chất vấn về hoạt động tư pháp, trong đó có hoạt động thi hành án dân sự. Nhờ đó đã kịp thời khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ, góp phần tăng cường hiệu quả của công tác tư pháp trên địa bàn. Đặc biệt, trong những năm qua, ngành Tòa án tỉnh đã đưa ra xét xử lưu động nhiều vụ án hình sự, riêng năm 2015 đã đưa ra xét xử lưu động hơn 253 vụ, góp phần giáo dục, răn đe tội phạm và tuyên truyền kiến thức pháp luật đến người dân.

Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh họp triển khai chương trình công tác năm 2016. Ảnh: HÀN GIANG
Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh họp triển khai chương trình công tác năm 2016. Ảnh: HÀN GIANG

Ông Nguyễn Ngọc Truyền - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy cho biết, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh cũng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành trong khối nội chính kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh những tồn tại trong công tác điều tra, xử lý tội phạm. Đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thống nhất quan điểm chỉ đạo thực hiện trong từng vụ án phức tạp. Từ đó tiến hành điều tra, giải quyết nhanh nhiều vụ án hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, thi hành án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh cũng nhìn nhận rằng, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp, với tính chất ngày càng nghiêm trọng, số lượng các vụ án, vụ việc tăng. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất, năng lực của một bộ phận cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tư pháp trong tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, dẫn đến các mặt hạn chế, tồn tại trong thực hiện CCTP của tỉnh...

Gia tăng trách nhiệm

Tăng cường công tác phối hợp
Để thực hiện hiệu quả công tác CCTP theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW trong thời gian đến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Chỉ đạo CCTP tỉnh Phan Việt Cường yêu cầu các cơ quan tư pháp cần tăng cường công tác phối hợp, có quan điểm nhất quán nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc vi phạm pháp luật. Đồng thời Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Đảng và Ban Pháp chế các cấp kiểm tra, rà soát các vụ án tồn đọng kéo dài được dư luận quan tâm để có hướng giải quyết dứt điểm.

Theo ông Nguyễn Quang Dũng - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, việc thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là liên quan đến yếu tố con người. Theo quy định, tất cả lĩnh vực chuyên môn đều phải có giám định viên tư pháp chịu trách nhiệm giám định, nhưng chúng ta chỉ mới có giám định viên tập trung ở hai lĩnh vực y và kỹ thuật hình sự. Đây là vấn đề mà các cơ quan tư pháp tỉnh cần quan tâm. Ông Dũng cũng cho rằng cần phải siết chặt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cơ quan công chứng tư trên địa bàn. Bởi, các cơ quan tố tụng khi xử lý các vụ việc liên quan đến vấn đề chuyển nhượng tài sản đều căn cứ vào kết quả công chứng. Do vậy, nếu kết quả công chứng đó không đúng pháp luật thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, và điều này cũng đã xảy ra trong thời gian qua. Ông Dũng còn cho rằng: “Từ ngày 1.7 tới, có 6/7 luật về tư pháp có hiệu lực pháp luật. Để tuyên truyền hiệu quả và tránh chồng chéo, các cơ quan tư pháp cần có sự thống nhất trong công tác này. Theo tôi, về Bộ luật Hình sự và Bộ luật Dân sự, ngành Tư pháp thực hiện. Bộ luật về Tổ chức điều tra hình sự, do cơ quan công an triển khai. Còn các luật tố tụng, thuộc chức năng của cơ quan nào thì cơ quan đó thực hiện... Cốt làm sao để các ngành, các cấp và người dân hiểu và nắm được các luật”.

Từ kết quả giám sát hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh mới đây, ông Trần Xuân Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nói: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp và làm tốt công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo truy tố đúng người, đúng tội, cũng như hạn chế thấp nhất các trường hợp oan - sai, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân… là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực thực hiện từ nhiều phía theo đúng tinh thần CCTP của trung ương. Theo tôi, ngoài việc tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động tư pháp, các cơ quan tư pháp cũng cần xem xét trách nhiệm, làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm minh đối với các cá nhân, tập thể vi phạm quy định trong việc áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự. Nhất là bức cung, nhục hình làm oan - sai người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm”.

HÀN GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp: Nỗ lực từ nhiều phía
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO